Đây là thông tin được bà Đỗ Thị Nhung, Phó vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước cho biết tại Hội thảo "Giải pháp về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Góc nhìn từ ngân hàng" do VCCI tổ chức sáng nay (6/4).
Bà : Đỗ Thị Nhung (Phó vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước)
"Đầu năm, NHNN mới chỉ loại trừ các đối tượng vay mua nhà ở thu nhập thấp, xây nhà công nhân và các đối tượng chính sách. Sắp tới, NHNN sẽ loại trừ thêm một số đối tượng khác. Đây là một trong những dự kiến của NHNN, nếu xét thấy hợp lý sẽ sớm công bố cho thị trường biết", bà Nhung nói.
Theo bà Nhung, hướng điều hành hiện nay vẫn là phải kiểm soát được lạm phát mà vẫn đảm bảo được tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Với chính sách điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, lạm phát được kiểm soát, thanh khoản của các ngân hàng hợp lý và nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng đã dồi dào, dự kiến từ nay tới cuối năm NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất. Trước mắt, sẽ giảm trần lãi suất huy động khoảng 1% về 12%/năm để từ đó điều tiết giảm lãi suất cho vay, bà Nhung cho biết.
Ngoài ra, bà Nhung cũng nêu một số khuyến nghị của NHNN với các ngân hàng thương mại. Trong đó, khuyến cáo ngân hàng tiết giảm chi phí kinh doanh, có như vậy mới tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp cận được nguồn rẻ.
Đồng thời, các ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại nợ với các doanh nghiệp gặp khó khăn do tồn kho quá lớn và sản xuất kinh doanh khó khăn.
Về vấn đề giải quyết thanh khoản, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để điều tiết vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu. Đồng thời, khuyến cáo các ngân hàng tập trung vốn cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khuyến nghị NHTM huy động được nguồn trung và dài hạn, nâng tỷ trọng nguồn trung dài hạn để đảm bảo cơ cấu nguồn vốn an toàn. Về mặt dài hạn, NHNN tiếp tục chỉnh sửa về mặt pháp lý để các ngân hàng chủ động hơn trong việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục đích đa dạng hơn các sản phẩm tài chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
Các văn bản này cũng tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai các sản phẩm phái sinh theo thông lệ quốc tế. Bà Nhung cho biết, vừa qua NHNN đã cho phép một số ngân hàng có quy mô lớn như VietinBank, MB thực hiện các công cụ phái sinh theo thông lệ hàng hóa như bảo hiểm giá cả hàng hóa, hoán đổi lãi suất... Những sản phẩm dịch vụ phái sinh này sẽ giúp ngân hàng phòng ngừa rủi ro, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
NHNN cũng tiếp tục có những nghiên cứu để nâng cao năng lực thẩm định của các ngân hàng, nhằm triển khai các sản phẩm cho vay không có tài sản bảo đảm để dựa trên uy tín của các doanh nghiệp mà cho vay. Như vậy, các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt vẫn có thể vay được vốn ngân hàng.
Theo DVT