Chính sách tiền tệ hiện nay không thể chỉ tập trung vào việc giảm lãi suất, mà còn phải góp phần thực hiện 3 mục tiêu kinh tế - xã hội của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, nếu yêu cầu ngành NH phải làm mọi cách để ngay lập tức giảm nhanh LS, hoặc nới lỏng ngay chính sách tiền tệ, tăng cung tiền là điều không thể được.
Về kiểm soát lạm phát, tuy rằng chưa được như mong đợi và vẫn còn nhiều điều đáng lo, chưa thể lơ là, nhưng cơ bản đã kiểm soát tốt lạm phát.
Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn đang còn nhiều khó khăn, bất ổn. Tăng trưởng kinh tế trong quý I/2012 giảm, chỉ đạt 4%, so với cùng kỳ năm 2011 là 5,43% và 2010 là 5,83%. Nhiều DN ngừng sản xuất hoặc giải thể, tồn kho tăng, thanh khoản nền kinh tế thấp.
Điều này sẽ dẫn đến thất nghiệp tăng lên và khó đảm bảo an sinh xã hội. Mặc dù Chính phủ không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2012, nhưng vẫn phải giữ không bị suy giảm, không để sản xuất đình đốn, thất nghiệp tăng cao.
Để thực hiện được 3 mục tiêu nói trên, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài chính phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. Cái khó hiện nay là tăng trưởng kinh tế giảm trong khi lạm phát vẫn còn nguy cơ tăng trở lại.
Thưa ông, cụ thể là quan hệ giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ phải như thế nào?
- Về chính sách tài chính, cần áp dụng các giải pháp hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp như giảm thuế, dãn thuế. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện tiết kiệm triệt để và giám sát chặt chẽ chi ngân sách. Các ban, ngành, địa phương rà soát và cắt giảm các khoản chi. Vấn đề này không phải mới, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện từ những năm trước, nhưng vẫn cần nhắc lại và tiếp tục thực hiện một cách triệt để.
Một khi chính sách tài chính đã chặt chẽ, hạn chế bội chi ngân sách thì sẽ tạo thêm “dư địa” cho chính sách tiền tệ. Khi đó, ngành NH có thể nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm mạnh LS.
Theo ông thì đến khi nào sẽ hội đủ điều kiện để lãi suất giảm sâu hơn?
- Trước mắt, NHNN đang tập trung xử lý các NH yếu kém và nợ xấu, có khả năng giải quyết xong trong tháng 4. Một khi đã xử lý xong NH yếu kém và nợ xấu, đồng thời thực hiện được chính sách tài chính chặt chẽ, NHNN mới có điều kiện để tăng cung tiền. Dĩ nhiên, việc tăng cung phải thận trọng và đúng mục tiêu, phải xác định rõ từng lĩnh vực, ngành nghề nào cần hỗ trợ.
Tôi cho rằng đến cuối tháng 6, lãi suất có điều kiện giảm sâu hơn. Nếu lạm phát lõi (đã loại trừ yếu tố lương thực và nhiên liệu) năm nay còn khoảng 6- 8% thì lãi suất huy động có thể giảm xuống 10%, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh còn khoảng 14%.
Một vấn đề quan trọng là Chính phủ cần tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, cho doanh nghiệp thấy rằng nếu cố gắng trong một thời gian ngắn nữa thì sẽ có nhiều khả năng vượt qua khó khăn. Về phần các doanh nghiệp, không nên chỉ dựa vào nguồn vốn vay mà phải tìm nguồn vốn trên thị trường tài chính, huy động vốn dài hạn thông qua chứng khoán.
Cảm ơn ông!
Theo Lao động