Giá trị ngành cà phê Việt Nam có thể tăng 10 lần?

Thứ sáu, 06/04/2012, 14:29
Ông Nguyễn Nguyên, trợ lý tổng giám đốc Trung Nguyên, chia sẻ mong muốn nâng giá trị ngành cà phê, hưởng ứng Diễn đàn kinh doanh lần 3 do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức vào 19.4 tới.


Tin liên quan
>>Giá cà phê tăng vọt, nông dân chưa muốn bán
>>Ngành cà phê điêu đứng, doanh nghiệp nợ chồng chất
 

Khát vọng của Trung Nguyên là tìm cách nâng cao chuỗi giá trị càphê Việt Nam.

Năm 2011, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu càphê, với 1,1 triệu tấn, trị giá 2,4 tỉ USD, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 2% doanh số của cả ngành công nghiệp càphê thế giới. Điều này chứng tỏ, Việt Nam đang nắm phân khúc thấp nhất trong toàn chuỗi giá trị gia tăng càphê. Ngay cả càphê nhân xuất khẩu, nếu so sánh với một số nước khác thì cũng có giá bán thấp hơn, chỉ bằng một nửa, thậm chí là một phần bảy giá trị.

Khát vọng của Trung Nguyên là tìm cách nâng cao chuỗi giá trị càphê Việt Nam bằng giải pháp xây dựng cụm càphê quốc gia ở Dăk Lăk. Đây sẽ là mô hình mẫu về canh tác bền vững, bao gồm hệ thống trồng trọt, chế biến ứng dụng công nghệ cao của thế giới. Chẳng hạn như việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, vừa tiết kiệm nước, nâng cao năng suất, vừa có thể giảm chi phí. Sản phẩm được thu hoạch, chế biến, đóng gói, xuất khẩu đến tay người dùng thế giới với thương hiệu hoàn toàn của Việt Nam. Từ mô hình mẫu, có thể nhân rộng ra các vùng khác.

Trung Nguyên nhận thấy có đủ năng lực, kể cả năng lực kết nối với các tập đoàn, định chế tài chính khác để thực hiện dự án thành công. Theo tính toán của chúng tôi, nếu làm đúng yêu cầu thì trong vòng khoảng mười năm tới, giá trị của ngành càphê tăng mười lần, tức sẽ đạt doanh số trên 20 tỉ USD.

Qua môi giới của ngân hàng HSBC, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp cận với hai tập đoàn cà phê lớn của Colombia và Brazil để liên kết thực hiện kế hoạch tiếp cận vào chuỗi giá trị. Đang trong giai đoạn xây dựng mô hình hợp tác, nhưng tôi nghĩ rằng, thông thường những người cùng có một khát vọng, mong muốn thay đổi cục diện thì chắc chắc sự kết hợp sẽ diễn ra dễ dàng.

Trung Nguyên sẽ đưa ra giải pháp thâm nhập thị trường bài bản, rõ ràng. Đối với thị trường trong nước, là càphê hoà tan G7. Bên cạnh chất lượng đồng nhất, G7 tạo sự khác biệt bằng đặc trưng hương vị. Năm 2011, sản phẩm này chiếm 38% trong tổng doanh số khoảng 6.000 tỉ đồng của phân khúc càphê hoà tan. Bên cạch xác lập sản phẩm chủ lực, Trung Nguyên còn áp dụng đồng bộ mô hình tích hợp: từ phát triển hệ thống quán riêng biệt và quán nhượng quyền đến khai thác tối đa hệ thống phân phối, tạp hoá, siêu thị.

Đối với thị trường xuất khẩu, Trung Nguyên sẽ phân ra làm ba nhóm thị trường chính: nhóm thị trường biểu tượng – Mỹ, nhóm các nước đang lên (Trung Quốc, Ấn Độ) và nhóm thị trường đồng cấp – cách thưởng ngoạn giống như Việt Nam. Sẽ có từng giải pháp cho mỗi nhóm thị trường, nhưng xuyên suốt vẫn là sự đồng nhất về chất lượng, chúng tôi sẽ cho người dùng thế giới uống càphê sạch và nguyên chất.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường “mới tập uống cà phê”, nên chúng tôi dùng chính chất lượng sản phẩm đóng gói để thâm nhập. Vừa đi chính ngạch và đường mậu biên qua nhà phân phối trung gian của Trung Quốc. Hiện nay, khu vực mậu biên giáp ranh Việt Nam có nhiều chợ đã bán 100% càphê G7.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích