Giải tán đồng Euro: Tại sao không?

Thứ sáu, 06/04/2012, 14:36
Người Ireland đã rời đồng bảng Anh. Những người Bantic ngừng sử dụng đồng rúp. Czech và Slovakia tách khỏi nhau. Lịch sử đã chứng kiến nhiều sự đổ vỡ của nhiều liên minh tiền tệ. Tại sao khu vực đồng euro lại không thể?


Tin liên quan

>> Tây Ban Nha, chứ không phải Hy Lạp, mới là “liều thuốc thử” đối với Eurozone
>> Bồ Đào Nha sẽ ra khỏi khu vực đồng euro?
 

Nếu những người tạo ra đồng euro nhìn thấy trước sự hỗn loạn mà nó đang tạo ra, chắc chắn họ sẽ không bao giờ bắt tay vào xây dựng, ít nhất là với một cấu trúc sai lầm ngày nay.

Những người sáng lập đồng euro nghĩ rằng, họ đang xây dựng một đối thủ cho đồng USD. Nhưng trên thực tế, họ đã tái tạo một phiên bản tiền tệ tham chiếu theo giá vàng mà những người tiền nhiệm đã bãi bỏ từ rất lâu.

Không thể tự phá giá đồng tiền, các nước khu vực đồng euro trong lúc khó khăn đã cố gắng lấy lại khả năng cạnh tranh bằng cách “phá giá nội bộ", tức giảm mạnh tiền lương và giá cả. Điều đó dẫn tới một kết cục đau đớn: tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp và Tây Ban Nha hiện đang đứng ở trên 20% trong khi sự phẫn nộ ngày càng sâu sắc trong các chủ nợ. Vậy tại sao không giải phóng những ấm ức này? Các công ước tuyên bố đồng euro là “không thể rút lại”, nhưng các công ước thì có thể thay đổi.

Thực tế, điều cấm kỵ này đã bị phá vỡ vào năm ngoái khi Đức và Pháp đe dọa sẽ đẩy Hy Lạp ra khỏi khu vực sau khi cuộc trưng cầu dân ý tại nước này bác bỏ các điều khoản trong gói cứu trợ.

 

Các nước sử dụng tiền chung châu Âu đang tìm hướng đi mới cho đồng Euro.



Một lý do đồng euro vẫn được duy trì là do nỗi sợ hãi về một sự hỗn loạn kinh tế, tài chính trên quy mô chưa từng thấy. Một lý do khác là nhằm bảo vệ các dự án đầu tư chính trị kéo dài hàng thập kỷ vào khu vực. Vì vậy, mặc dù vấp phải nhiều chỉ trích, Hy Lạp vẫn nhận được gói cứu trợ thứ hai. Bởi theo thủ tướng Đức Angela Merkel, một sự ra đi khỏi đồng euro vào lúc này đúng là “thảm họa”. Tuy nhiên, bà vẫn chưa sẵn sàng thực hiện những hành động cần thiết để ổn định khu vực. Việc nâng cấp bức tường lửa tài chính của khu vực lên 800 tỷ euro xem chừng vẫn là chưa đủ khi mà hạn mức cho vay thực tế chỉ còn 500 tỷ euro.

Vì vậy, khu vực này vẫn cực kì nhạy cảm trước những cú sốc mới. Thị trường vẫn lo lắng về nguy cơ về một vụ vỡ nợ, mà có thể dẫn tới sự tan vỡ một phần hoặc toàn bộ liên minh. Dư luận giờ đây cho rằng đã tới lúc những nhà lãnh đạo khu vực nên nghĩ tới việc lên phương án cho sự chia tách. Một số người có thể đang tiến hành điều đó. Tuy nhiên, mô tả việc chia tách liên minh như trận chiến kinh tế cuối cùng, các nhà lãnh đạo khu vực sẽ không dám lên kế hoạch cho nó.

Thay vào đó, tư duy cởi mở nhất đang được thúc đẩy bởi một nhóm cố vấn thân cận với Đảng Bảo thủ Anh. Trong tuần này, trang Policy Exchange đã công bố danh sách 5 người giành được 250.000 bảng (400.000 USD) cho kế hoạch kiểm soát quá trình giải tán đồng euro tốt nhất. Những người tổ chức đã không công bố người thắng cuộc mà yêu cầu những người trong danh sách tiếp tục phát triển và nộp lại bản kế hoạch cho họ, động thái cho thấy tầm quan trọng của nhiệm vụ này.

Một trong năm người trong danh sách, Jonathan Tepper, đã liệt kê 69 loại tiền tệ bị giải tán trong thế kỷ qua. Theo ông, hầu hết đều không để lại hậu quả lâu dài. Ngược lại, loại bỏ đồng euro sẽ giúp các nước đang gặp khó khăn phục hồi nhanh chóng. Dựa trên sự sụp đổ của đế chế Áo-Hung, ông Tepper đã phác họa một kịch bản cho sự ra đi của những thành viên như Hy Lạp: Một thông báo bất ngờ được gửi vào cuối tuần, tất cả các khoản tiền gửi trong hệ thống tự động được quy đổi sang loại tiền tệ mới trong khi các ngân hàng đang đóng cửa.

Những hạn chế vốn được áp dụng nhằm ngăn chặn tiền chảy ra nước ngoài. Đối với tiền mặt, đồng euro vẫn tiếp tục lưu thông trong nội bộ Hy Lạp với một dấu hiệu riêng, và sẽ được rút ra dần dần sau khi loại tiền mới được in ra. Kiểm tra tại cửa khẩu thường xuyên sẽ giúp hạn chế những đồng tiền không có dấu được tuồn ra nước ngoài. Các tổ chức tài chính cũng sẽ có những thời hạn để cập nhật phần mềm.

Cũng theo Tepper, vấn đề thực sự với đồng euro là thực tế quá nhiều quốc gia đang đối mặt với mất cân bằng tài chính do tỷ lệ nợ công cao. Phá giá đồng tiền cho Hy Lạp sẽ làm tăng gánh nặng nợ bằng đồng euro. Điều này sẽ được giảm nhẹ bằng cách chuyển đổi trái phiếu phát hành dưới quy định của pháp luật Hy Lạp sang đồng tiền mới. Trái phiếu theo luật nước ngoài thì sẽ được cơ cấu lại. Tepper cũng nhấn mạnh một vụ vỡ nợ là điều cần thiết để phục hồi.

Công thức của Tepper có thể được tóm gọn với 3 yếu tố: ra đi, vỡ nợ và phá giá đồng tiền.

Ngược lại, Roger Bootle, một nhân vật khác trong danh sách, lại cho rằng sự ra đi tốt nhất nên bắt đầu từ Đức và các nước lớn khác. Tuy nhiên, nếu chia tách xảy ra, nó đều sẽ tạo ra kẻ thắng, người thua với vô số vụ phá sản cũng như những cơn ác mộng pháp lý. Bất kỳ ai tham gia hoạt động thông thương xuyên biên giới đều sẽ nhận ra giá trị tài sản hay nợ của họ có những biến động mạnh mẽ. Neil Record thì cho rằng tổng số tiền liên đới sẽ vô cùng lớn, và những vấn đề pháp lý bùng nổ khắp nơi. Vì thế, lựa chọn tốt nhất là loại bỏ đồng euro ngay khi các nước rời khỏi khu vực, để toàn bộ hợp đồng bằng euro đều trở nên vô giá trị.

Không giống Record, Jens Nordvig và Firoozye Nick, cho rằng một kế hoạch dự phòng công khai sẽ làm giảm rủi ro. Hai người này ước tính tổng giá trị các giao dịch quốc tế có thể lên tới 30 nghìn tỷ euro, bao gồm trái phiếu, các khoản vay, các hợp đồng phái sinh. Theo đó, gián đoạn giao dịch có thể được hạn chế bằng cách quy đổi các hợp đồng bằng euro sang một đơn vị tiền tệ chung dựa trên rổ tiền tệ của các nước trước khi có đồng euro.

Catherine Dobbs, người còn lại trong danh sách, đề nghị một kế hoạch tái cơ cấu khu vực bằng cách chia tách các nước thành 2 nhóm “yolk” và “white”. Tất cả euro trong các quốc gia sẽ được chuyển đổi dựa trên một sự kết hợp cố định từ hai nhóm. Người gửi tiền sẽ được bảo vệ, ít nhất là trong giai đoạn đầu và dòng vốn chuyển tới các quốc gia euro khác sẽ bị chặn lại. Theo thời gian, nhóm “yolk” yếu hơn và giảm dần giá trị so với nhóm “white”.

Số phận của đồng euro có thể sẽ được xác định bởi các yếu tố chính trị hơn là kinh tế. Một nhà nước vay nợ có thể mệt mỏi với việc "phá giá nội bộ". Một chủ nợ có thể muốn ngừng giúp đỡ nước khác. Và bất kỳ một thành viên nào trong 17 quốc gia khu vực đồng euro cũng cố tránh tình trạng mất tự chủ liên quan tới việc duy trì đồng euro. Tuy nhiên, kết cục tồi tệ nhất của việc phân tách đồng euro sẽ là một sự hỗn loạn. Một quá trình kiểm soát tốt có thể giúp cải thiện phần nào.

Vì vậy, chính quyền khu vực đồng euro cần nghĩ tới những thứ mà họ đang cho là ngoài sức tưởng tượng. Một thái độ vị kỷ, nói không với kế hoạch này có thể dẫn tới một cuộc chiến được báo trước, cho dù giới chức châu Âu có ghét nó tới đâu.

Theo TTVN/Economist

Các tin cũ hơn