Xuất khẩu thủy sản có thể đạt 6,4 tỷ USD

Thứ sáu, 06/04/2012, 16:08
Xu thế tăng của xuất khẩu thủy sản tháng 2 so với tháng 1/2012 đã đem lại sự lạc quan trong dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2012.

 

Báo cáo tình hình thị trường một số nông sản trong quý 1/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa nâng nhẹ mức dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này, dự kiến có thể đạt hơn 6,4 tỉ USD, tăng khoảng 100 triệu USD so với con số dự báo của tháng trước và tăng 4,9% so với giá trị xuất khẩu thực tế năm 2011.

Giá cá tra tăng, tôm giảm

Theo dự báo, năm 2012 nguồn cung thủy sản thế giới sẽ tiếp tục thiếu do ảnh hưởng động đất và sóng thần ở Nhật Bản và đặc biệt là nguồn cung về tôm sẽ tiếp tục gặp khó khăn do rất nhiều kho lạnh của Thái Lan bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, phải mất thêm một thời gian nữa mới có thể hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, một số nước xuất khẩu tôm lớn khác như Trung Quốc, Indonesia cũng đang gặp nhiều khó khăn do thời tiết và dịch bệnh làm giảm sản lượng. Đồng thời, ở các thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản, nguồn cung tôm nội địa cũng được dự báo giảm trong năm 2012.

Về mặt hàng cá da trơn, trong năm 2011, lũ lụt ở tại một số vùng nuôi cá da trơn Mỹ đã làm giảm tới 39%  diện tích hàng năm, sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung nội địa của quốc gia này.

Hàng năm Hoa Kỳ nhập khoảng 662 triệu tấn cá phi lê đông lạnh từ các nước trên thế giới. Trong tháng 1/2012 khối lượng cá phi lê đông lạnh vào thị trường này đạt hơn 103.7 triệu tấn, tăng khoảng 11 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trung bình cá da trơn tươi tháng 1/2012 là 3,45 USD/pound, tăng 76 cent; giá cá da trơn tươi nguyên con là 2,44 USD/pound, tăng 54 cent và giá cá da trơn phi lê tươi là 4,73 USD/pound, tăng 1,26 cent so với cùng kỳ năm trước.

Giá trung bình cá da trơn đông lạnh là 3,42 USD/pound, tăng 49 cent so với tháng 1/2011; giá cá da trơn đông lạnh nguyên con lột da là 3,04 USD/pound, tăng 63 cent; giá cá da trơn đông lạnh phi lê là 4,26 USD/pound, tăng 96 cent.

Về mặt hàng tôm, theo thống kê của Hải quan Nhật Bản, trong tháng 1/2012, quốc gia này đã nhập khẩu 14.456 tấn tôm đông lạnh nguyên liệu HLSO và HOSO, trị giá đạt 12.975 triệu Yên (tương đương 168,6 triệu USD), với mức giá trung bình 898 yên (11,67 USD)/kg, giảm 12% về lượng và 3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Giá một số loại tôm he HLSO và tôm thịt tại thị trường Nhật Bản trong tháng 3 khá ổn định so với tuần cuối tháng 2/2012. Riêng giá tôm sú HLSO xuất xứ Ấn Độ tăng từ 0,24-0,61 USD/block (block 1,8 kg).

Trong khi đó, từ đầu tháng 3/2012 giá tôm thẻ nuôi Đông Nam Á, để đuôi giảm từ 0,05-0,1 USD/pound; giá tôm cùng loại bỏ đuôi giảm nhẹ 0,03 USD/pound so với tuần trước đó.

Cá tra sẽ giành vị trí số một

Ở trong nước, sản lượng nuôi trồng thủy sản quý 1/2012 ước đạt 512 ngàn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2011. Theo Tổng cục Thủy sản, trong kế hoạch năm 2012 sản lượng cá tra nguyên liệu sẽ đạt khoảng 1,2-1,5 triệu tấn.

Tuy sản lượng cá tra tăng khá nhờ tiêu thụ thuận lợi khi giá cá nguyên liệu tăng trên thị trường, nhưng do chi phí đầu vào tăng nên chưa thực sự khuyến khích người nuôi đầu tư mở rộng diện tích. Dự báo, trong 2-3 tháng tới, nguồn cung cá tra nguyên liệu vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của các nhà máy chế biến.

Với khai thác, ước tính sản lượng quý 1/2012 của cả nước đạt 622 ngàn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khai thác biển đạt 577,2 ngàn tấn, tăng 1,3%.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá cá tra nguyên liệu tại An Giang tăng liên tục từ đầu năm đến giữa tháng 2 nhưng đang có chiều hướng chững lại vào cuối tháng 3.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 2/2012 đạt 422 triệu USD, tăng 16,4% so với tháng 1/2012, nâng tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong hai tháng đầu năm 2012 lên 775 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2011.

EU, Mỹ và Nhật Bản vẫn là 3 đối tác chính nhập khẩu hàng thủy sản của Việt Nam trong 2 đầu năm. Xuất khẩu sang EU đạt 156 triệu USD, giảm 7,1%; Mỹ đạt 142 triệu USD, tăng 18,2% và Nhật Bản đạt 130 triệu USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2011.

Đáng chú ý là các thị trường ở khu vực châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN đang tăng mạnh nhập khẩu thủy sản của Việt Nam (tăng từ 40-90% trong tháng 2). Hàn Quốc vẫn duy trì được vị trí thứ 4 về giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ 5, trong đó Hongkong góp phần lớn cho sự tăng trưởng mạnh của thị trường này.

Cá tra đang có xu hướng giành lại ngôi vị của mình đối với mặt hàng tôm sau khi bị tụt xuống vị trí thứ 2 vào năm 2011. Trong 2 tháng đầu năm 2012 xuất khẩu cá tra đạt 264,4 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 33,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Xuất khẩu tôm trong 2 tháng đầu năm đạt 257,6 triệu USD, tăng tương ứng 6,6%, chiếm 32,9% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Theo NDHMoney

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích