Anh Phương kể, quê anh ở xã Mỹ Trạch (Bố Trạch), một làng nghèo bên dòng sông Gianh. Cách đây 20 năm, gia đình anh được xếp vào loại nghèo nhất xã. Nhà có đến 8 người con nên bố mẹ anh quanh năm lo cái ăn, cái mặc cho con đến rạc cả người.
Anh Bùi Việt Phương tạo thế cho cây mưng. |
Năm 1990, Phương rời quê vào làm công nhân ở Nông trường Việt Trung. Nhưng đồng lương công nhân ít ỏi không đủ cho gia đình anh trang trải cuộc sống. Thời điểm này, Nhà nước có chính sách kêu gọi người dân khai hoang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Không đắn đo suy nghĩ, Phương bỏ công nhân, nhận đất khai hoang để làm trang trại. Không tìm nơi thuận tiện như mọi người, Phương xin vào tận vùng đất hoang vu sát bìa rừng.
"Ở thời điểm đó, đây là một vùng đất hoang vu không ai thèm nhưng tui nghĩ bù lại mình sẽ nhận được nhiều đất hơn và có thời gian để làm từ từ vì tui nghèo, không có tiền để làm một lúc được" - Phương giải thích về cái ý định ban đầu của mình.
Nhận được đất, Phương triệu tập mấy đứa em theo mình vào cắm trại, phát rừng mở đất. Ý định làm trang trại, nhưng ngày đó, anh em Phương cũng chỉ có sức người là chủ yếu. Chưa khai hoang được đám đất nào, anh em Phương đã rơi vào cảnh tiền hết, gạo vơi. Nhiều bữa, dốc hết ba lô cũng chỉ còn được bơ gạo, anh em, vợ chồng phải trộn cả mớ rau má vào nấu cháo mà húp cho đằm bụng để có sức.
Khai hoang đến đâu, Phương chia luôn đất cho các em rồi quy hoạch trồng trọt. Lúc đầu trồng các loại cây ngắn ngày như lạc, đậu, sắn... Sau một năm, anh em không còn phải lo chuyện "đói" nữa thì Phương bắt đầu trồng các cây dài ngày như cao su. “Mình nghèo nên không thể có tiền để bỏ ra làm một lúc, phải lấy ngắn nuôi dài, đó là cách duy nhất để người tay trắng như mình làm trang trại”- Phương tâm sự.
Trồng rừng không mong khai thác
Sau gần 20 năm bền gan với vùng đồi núi trọc, anh em Phương đã có một vùng trang trại trên 100ha với nhiều giống cây đặc dụng có giá trị kinh tế cao. Riêng trang trại của anh Phương đã rộng trên 30ha, trong đó có 17ha cao su đang cho khai thác mủ, mỗi năm thu gần 1 tỷ đồng.
Thăm trang trại của Phương, chúng tôi thực sự khâm phục cách nghĩ, cách làm của anh. Trang trại rộng lớn như thế nhưng Phương quy hoạch đâu ra đó. Xen giữa những vùng cây, Phương xây dựng hệ thống đường giao thông vào tận nơi để các loại xe của bạn hàng có thể vào bốc hàng. Từ trên đỉnh núi, Phương xây dựng một hệ thống đường ống, mương nước và đập tràn để tưới cây, điều chỉnh nước khi mùa mưa lũ và phân phối về cho hệ thống ao cá trong trang trại...
Ngoài 17ha cao su là loại cây chủ lực trong trang trại, những vùng đất còn lại Phương đều trồng rừng nhưng tuyệt nhiên anh không trồng cây keo, bạch đàn mà toàn trồng các loại cây rừng bản địa như dó, huỵnh (gỗ dùng đóng thuyền, làm nhà), huê... "Trồng cây keo, bạch đàn mau cho thu hoạch nhưng khi khai thác lại ảnh hưởng đến môi trường. Mình trồng các loại cây bản địa này với mong muốn trả lại cho rừng một mảng thiên nhiên thật hoang sơ như nó vốn có, dù là rất nhỏ chứ mình không mong trồng nó để thu hoạch" - Phương tâm sự.
Theo Dân Việt