Doanh nhân Việt "mua đứt" thị trấn Mỹ
Doanh nhân Phạm Đình Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), trụ sở tại TP HCM, vừa "mua đứt" vùng đất Buford, thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, với giá 900.000 USD, trong một cuộc đấu giá nghẹt thở 11 phút.
Là thị trấn lâu đời thứ hai tại Wyoming, Buford nằm trên tuyến đường Interstate 80, tuyến đường chính từ New York tới San Francisco. Thị trấn nằm giữa Laramie và Cheyenne ở độ cao 2.438 m; có chỉ số bưu điện riêng, một tháp bắt sóng di động và khoảng 4 ha đất với hàng rào xung quanh.
Don Sammons, chủ cũ của Buford và là công dân duy nhất tại đây, ra giá khởi điểm là 100.000 USD. Một vài năm trước khi con trai ông chuyển đi, ông Sammons đã trở thành người duy nhất sinh sống tại đây. Như vậy, tới nay, vị doanh nhân Việt này sẽ sở hữu một trường học, một trạm xăng, một căn nhà ba phòng ngủ cùng cabin và một nhà kho nằm trong đất của thị trấn.
Doanh nhân Việt mua thị trấn Buford, với giá 900.000 USD. Ảnh: Reuters |
Liên quan tới việc người Việt "thâu tóm" thị trấn Buford, hầu hết các trang báo lớn tại Anh và Mỹ đều đăng tải sự kiện này tại các vị trí nổi bật. Trên trang nhất, hãng tin BBC chạy hàng tít lớn: "Hai người Việt Nam mua "thị trấn nhỏ nhất" nước Mỹ. Kèm theo đó tác giả bài viết khẳng định: "Hai người đàn ông Việt Nam không rõ danh tính đã chiến thắng trong cuộc đấu giá mua thị trấn Buford, tại bang Wyoming".
Tờ Telegraph của Anh cũng in đậm: "Thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ đã được bán với giá 900.000 USD" kèm theo bên dưới là những miêu tả về cuộc đấu giá và tâm trạng của công dân duy nhất còn lại của thị trấn. "Người chiến thắng đã phải ganh đua với các đối thủ đến từ Hong Kong, New York, Florida, Kansas và Wyoming với mức giá khởi điểm 100.000 USD. Khoảng 20 người đã đến tận nơi trong khi một số khác chào giá qua điện thoại", bài báo viết.
Hãng tin CNN của Mỹ cho rằng, đây là món hời cho những người mua với hàng tít: "Doanh nhân Việt Nam đã thâu tóm được thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ với giá 900.000 USD". Đồng thời, độc giả của hãng tin này cũng lo lắng cho tương lai của nước Mỹ: "Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi nợ công của Mỹ đã vượt 1.000 tỷ USD. Hãy cầu chúa nước Mỹ sẽ không trở thành một Hy Lạp thứ hai".
Ông hoàng tốc độc Bugatti Veyron xuất hiện ở Sài Gòn
Chiều 10/2 vừa qua, hình ảnh "xế" siêu sang Bugatti Veyron đời 2008, sơn màu trắng-đỏxuất hiện tại Sài Gòn đã gây nóng bầu không khí của giới mê xe trong và ngoài nước.
Bugatti Veyron xuấ hiện tại Sài Gòn. Ảnh: Autonet |
Bugatti Veyron "đeo" biển số cực đẹp 51A 289.88 và được cho là xế cưng của một Việt kiều hồi hương. Theo thông tin không chính thức, mức giá bên Mỹ cho một chiếc Veyron đời khá thấp như thế này vào khoảng 800.000 USD. Chủ nhân đưa về theo diện Việt kiều hồi hương sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp vào khoảng 480.000 USD. Thuế GTGT là 128.000 USD. Tổng giá trị sau thuế khoảng 1,408 triệu USD.
Là siêu xe thể thao của Bugatti Automobiles S.A.S, thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Volkswagen (Đức) và trụ sở chính đặt tại Alsace (Pháp), Bugatti Veyron ra đời vào năm 2005, là sự kết hợp hoàn hảo giữa tốc độ của xe đua F1, sự xa xỉ của Bentley và độ tin cậy của Volkswagen. Xe có giá bán siêu đắt tại Mỹ là khoảng 1,5 - 1,7 triệu USD và được ghi nhận là mẫu xe dân dụng nhanh nhất thế giới, với tốc độ cực đại 407km/h.
Thời gian tăng tốc từ 0 -100km/h của Bugatti dưới 2,5 giây, nhanh hơn 5/10 giây so với huyền thoại McLaren F1. Trong lúc đó, thời gian tương đương của Porsche 911 Turbo là 3,4 giây, Mercedes-Benz SLR 722 Edition là 3,5 giây hay siêu xe triệu đô Aston Martin One-77 đạt 3,6 giây.
Động cơ siêu xe này có dung tích 8 lít, 16 xi-lanh, 64 van, 4 trục cam, 4 tăng áp turbin. Công suất 1.001 mã lực và mô-men xoắn cực đại 1.250 Nm. Ở tốc độ tối đa 407 km/h, xe tiêu tốn 47.000 lít không khí mỗi phút, bằng với lượng không khí mà một người hít thở trong 4 ngày. Ở tốc độ trên 200km/h, cánh gió sau còn có tác dụng cản gió, với khả năng nghiêng góc 55 độ chỉ trong 0,4 giây sau khi tài xế đạp phanh.
Hiện, Bugatti Veyron nhập về Việt Nam cũng gây xôn xao trên báo nước ngoài. Chuyên trang về ô tô nổi tiếng GTSpirit và trang thông tin Autoevolution đều đăng tải đoạn video về siêu xe nhanh nhất thế giới Bugatti Veyron tại Việt Nam, đồng thời đưa lời bình luận về việc làm thế nào siêu xe trị giá 1,4 triệu USD có thể di chuyển trên những đường phố chật hẹp.
Ngoài ra, trang Autoevolution còn tính toán thú vị về giá thành chiếc Bugatti Veyron đặt trong mối tương quan với mức sống của người Việt Nam. Theo đó, thu nhập bình quân của người Việt Nam là 3,2 triệu VND/tháng, tương đương 150 USD/tháng. Để mua được Bugatti Veyron thì một người dân bình thường sẽ phải bỏ ra 777 năm làm lụng mà không hề ăn tiêu mới có đủ tiền.
Chi tiêu mạnh tay các dịch vụ xa xỉ
Vào tháng 2/2012, hãng thông tấn Reuters đưa tin, dân nhà giàu Việt Nam không hề có khái niệm "bão giá", vẫn chi tiêu mạnh tay cho dịch vụ đắp mặt nạ vàng 24k để làm trắng da. Và theo đó, Việt Mỹ là một trong số ít những thẩm mỹ viện làm đẹp cung cấp dịch vụ tút tát nhan sắc cao cấp kiểu này. Mức giá cho mỗi lần đắp mặt là 88,64 USD, tương đương 1,8 triệu đồng.
Nhà giàu VN chi 1,8 triệu đồng để đắp mặt nạ vàng 24k. Ảnh: Reuters |
Đại gia Việt còn "sốt" cả... ăn các món "trộn" vàng. Vì thế, nắm bắt được thú chơi ngông này của dân lắm tiền nhiều của, nhiều nhà hàng đã nhập những loại rượu trộn vàng để phục vụ thượng đế và phổ biến nhất là rượu trắng có trộn vàng cám hiệu ORO có dung tích 0,75 ml được mang từ Ấn Độ về, có giá hơn 5 triệu đồng/chai; hay rượu với độ cồn 43,5%, thể tích 750ml, xuất xứ Italia với những miếng vàng lá nhỏ li ti nổi long lanh trong chai, giá khoảng 7 triệu đồng/chai. Thậm chí, trong mùa trung thu vừa qua, trên thị trường còn xuất hiện những hộp bánh có nhân vàng cám, bán khoảng 3 triệu đồng/chiếc....
Trước đó, chuyện người dân Việt Nam hào phóng chi cả triệu đồng cho một bát phở cũng gây ầm ĩ dư luận và khiến báo chí phương Tây không thể không giật mình. Tờ BBC đưa tin, bát phở thịt bò Kobe tại Khách sạn vườn Thủ đô (Hà Nội) được cho là có giá đắt nhất Việt Nam, với hai mức giá hiện có là 650.000 đồng và 850.000 đồng mỗi bát. Dù "bão giá" đang hoành hành cùng lo ngại về nhiễm phóng xạ Nhật Bản nhưng phở bò Kobe vẫn hút hồn nhiều thực khách Hà Nội.
Cũng là món ăn "đại gia" không kém cạnh phở bò Kobe, hiện nhiều nhà hàng ở Hà Nội và TP HCM cũng chạy đua... chế các món ăn "độc" phục vụ thượng đế lắm tiền, nhiều của. Ví như, thực đơn của nhà hàng Long Đình, chỉ cần liếc qua, sẽ thấy những món đắt nhất là món khai vị, súp tổ yến gạch cua 48 USD, tổ yến tiềm hạnh nhân 33 USD, súp vây cá tổ yến thượng hạng hồng xíu 72 USD, súp bào ngư Nam Phi sốt dầu hào 96 USD...
Như vậy, có thể thấy, chỉ một thời gian ngắn gần đây, đại gia Việt rất được báo chí nước ngoài săn đón và rầm rộ đưa tin vì những chuyện... rất choáng.
Theo Đất Việt