Lạ kỳ DNNN không thể phá sản

Thứ ba, 10/04/2012, 08:04
Nguyên tắc "lời ăn, lỗ chịu" và "được ăn cả, ngã về không" dường như không còn có hiệu lực với các tập đoàn, tổng công ty nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng. Thay vào đó, tập quán "lời ăn, lỗ dân chịu" hình như đang ngày càng rõ nét.


 

Yếu kém cũng không thể "tử vong"

 

GS-TSKH Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho hay, tính đến tháng 10/2011, cả nước có 1.306 DNNN với 100% vốn Nhà nước, trong đó 701 doanh nghiệp thuộc địa phương; 355 thuộc bộ ngành và 253 thuộc tập đoàn tổng công ty 91, trong đó có 452 doanh nghiệp hoạt động công ích và 857 doanh nghiệp kinh doanh.

 

Các doanh nghiệp này nắm giữ khối lượng vốn cực lớn trong nền kinh tế, gồm 700 nghìn tỷ (cuối 2010), tương đương 35 tỷ USD, trong đó chủ yếu là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tồn tại những DNNN thuộc loại siêu nhỏ, vốn dưới 10 tỷ đồng. Chẳng hạn, có 102 DNNN có vốn dưới 5 tỷ đồng, có 8 DNNN vốn dưới 1 tỷ đồng, thậm chí có DNNN vốn chỉ 100 triệu đồng vẫn tồn tại.

 

Tại tham luận ở Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân với chủ đề "Kinh tế Việt Nam năm 2012: Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế" do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ, nhận xét, DNNN lại đang nắm giữ quá nhiều lợi thế. Trong nền kinh tế thị trường, chỉ duy nhất đối tượng DN này không chịu sự chi phối của nguyên tắc "lời ăn, lỗ chịu", và do đó, những người đại diện chủ sở hữu không chịu tác động bởi các rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, các DNNN, nhất là tập đoàn, tổng công ty không còn và không thể là đối tượng của phá sản.

 

Ông Cung lý giải, các DNNN - với vị trí độc quyền hay thống lĩnh trong các ngành quan trọng của nền kinh tế - nên sự tồn tại và phát triển của tổng công ty, tập đoàn có liên quan luôn được coi là đồng nghĩa với sự tồn tại và phát triển của các ngành đó. Do vậy, sự phá sản của tập đoàn, hay tổng công ty có liên quan bị coi là 'phá sản" của ngành kinh tế đó của đất nước.

 

Ví dụ điển hình trong trường hợp này vụ Vinashin. Thực trạng nói trên cũng đã dẫn đến thực trạng là sự bảo hộ của nhà nước đối với một ngành nào đó trên thực tế đã chuyển thành bảo hộ đối với các DNNN, tập đoàn, tổng công ty có liên quan.

 

Chưa kể, các tập đoàn, tổng công ty luôn có quan hệ chặt chẽ về chính trị với các công chức, cán bộ lãnh đạo. Ngược lại, trong vai trò là người đại diện chủ sở hữu và người hoạch định chính sách, các cơ quan và công chức nhà nước có liên quan có can dự trực tiếp và nhiều mặt trong việc ra các quyết định đầu tư, kinh doanh và cả nhân sự ở các tập đoàn, tổng công ty. Vì vậy, sự thất bại hay phá sản của tập đoàn (nếu có) đều sẽ ảnh hưởng không tốt đến các cơ quan, công chức có liên quan. Các khiếm khuyết hay thất bại dường như được giảm nhẹ về quy mô và mức độ; và chắc chắn, sẽ khó có các quyết định buộc tập đoàn, tổng công ty phá sản, nếu chúng lâm vào tình trạng phá sản.

 

Ngoài ra, xét về mặt tổ chức kinh doanh, các tập đoàn, tổng công ty có cơ cấu kim tháp với công ty mẹ và các thế hệ công ty con, cháu. Cơ cấu này, nếu không có giám sát chặt chẽ và minh bạch, thì chúng có thể trợ cấp, bao cấp chéo trong nội bộ, giúp các công ty, con cháu tránh được nguy cơ đổ vỡ dây chuyền; có khả năng che đậy thực trạng tài chính thiếu lành mạnh và hiệu quả kinh doanh kém .

 

Hơn nữa, các tập đoàn, tổng công ty còn độc quyền và nắm chi phối ba trường hợp sau: các quyền và cơ hội kinh doanh trong các ngành liên quan (như hệ thống, mạng chuyển tải, phân phối điện, xăng dầu, viễn thông, ..v..v..); chi phối quyền và cơ hội kinh doanh trong các ngành kinh tế thông qua cơ chế và thể chế có liên quan, như quy hoạch phát triển ngành, chiến lược phát triển ngành; chi phối cơ hội kinh doanh các sản phẩm nhà nước quản lý như xuất khẩu gạo, khai thác các loại khoáng sản quan trọng,..v.v...

 

Do có quan hệ thân thiết với các công chức, hoặc dễ dàng tạo lập các quan hệ như thế, khi cần thiết, nên các tập đoàn, tổng công ty tiếp cận dễ hơn, thuận lợi hơn với các quyền và cơ hội kinh doanh theo cơ chế "xin-cho". Đó là chưa kể, đối tượng DN này còn có lợi thế hơn hẳn trong tiếp cận tín dụng.

 

Áp đặt kỷ luật của thị trường

 

Hầu hết các chuyên gia kinh tế tại diễn đàn đều khẳng định, cần tư duy lại về vai trò "xương sống", "chủ đạo" của loại hình DNNN; xoá bỏ mọi ưu đãi với các DNNN, buộc các DN này phải cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, đồng thời đối diện với giá thị trường, đặc biệt là các loại giá cơ bản như lãi suất, tỷ giá, đất đai và năng lượng...

 

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc áp đặt kỷ luật của thị trường cạnh tranh bằng cách loại bỏ các đặc quyền, lợi thế của tập đoàn, tổng công ty là không hề dễ. Con đường nhanh nhất, ngắn nhất để áp đặt kỷ luật thị trường cạnh tranh là cổ phần hóa gấp các DNNN, trong đó nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần thiểu số.

 

Cụ thể, ngay trong năm nay, cần đột phá khởi động lại quá trình cổ phần hóa DNNN đã bị chậm lại một cách đáng kể gần đây, như hoàn thành cổ phần hoá 89 doanh nghiệp độc lập thuộc bộ, 239 doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý, đặt mục tiêu tối thiểu hoàn thành cổ phần hoá các doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 3 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, nhất là các công ty chuyển đổi từ DNNN, trong đó, giảm tới mức tối đa số trường hợp trong đó nhà nước tiếp tục nắm cổ phần chi phối.

 

Trước hiện tượng đầu tư ngoài ngành tràn lan tại các tập đoàn, tổng công ty như thời gian qua, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khuyến nghị, "không phải là kiểm soát hay giám sát nữa, mà phải kiên quyết cấm các DNNN đầu tư ngoài ngành". Bởi, việc này không những đi ngược lại bản chất của DNNN mà còn tạo ra nhiều kẽ hở để lợi dụng "qua mặt" cơ quan giám sát tài chính DNNN.

 

Về tổng thể, liên quan đến chủ trương tái cấu trúc khu vực DNNN, ông Nguyễn Quang Thái cho rằng, các giải pháp cần tập trung vào sắp xếp lại các DNNN, đổi mới quản trị, đổi mới cơ chế quản lý, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN và đặt các DNNN vào môi trường cạnh tranh thống nhất trong điều kiện đổi mới và hội nhập. Trong đó, theo TS. Võ Trí Thành, Viện quản lý Kinh tế TƯ, Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán tham gia, sẽ tạo dựng môi trường cạnh tranh hơn, tự do hơn, minh bạch hơn và sức ép cạnh tranh lên DNNN rất tốt, phù hợp với chủ trương tái cấu trúc DNNN mà Việt Nam đang đeo đuổi.


Theo VEF

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn