Thâu tóm, truyền thông và liệu pháp “viên thuốc độc”

Thứ hai, 09/04/2012, 10:59
Cuộc trao đổi dưới đây với chuyên gia ngân hàng - tài chính Nguyễn Trí Hiếu có thể sẽ làm sáng tỏ một số thắc mắc xung quanh hiện tượng “loạn” tin đồn sáp nhập, thâu tóm trên thị trường ngân hàng nội địa thời gian vừa qua.




chuyên gia tài chính - ngân hàng
Nguyễn Trí Hiếu


Muốn thôn tính, làm PR cho tốt!

Từ khi Chính phủ bật đèn xanh cho các ngân hàng TMCP tự “tìm đường” tái cấu trúc, tin đồn thâu tóm, sáp nhập ngân hàng rộ lên như nấm sau mưa. Theo ông, những đồn đoán như trường hợp Eximbank – Sacombank hay mới đây là SHB và Habubank liệu có đáng lưu tâm?

Tôi sẽ không đưa ra lời bình luận xung quanh bất cứ trường hợp cụ thể nào. Điều gì cũng có thể xảy ra, vấn đề là tính xác thực hay nói trắng ra là có động cơ nào đằng sau hay không mà thôi. Mà muốn biết sự thật thì chẳng có cách nào ngoài việc chờ đợi kết quả cuối cùng…

Nhưng ông cũng là người hoạt động trong ngành đấy thôi…

Tất nhiên là tôi có thông tin, nhưng vì tôi đã và đang là đồng nghiệp của họ nên tôi xin phép không đưa ra ở đây. Thậm chí ở một khía cạnh nào đó, tôi và họ còn là đối thủ trên thị trường. Bởi vậy, tốt hơn hết xin được nhắc lại: Tôi sẽ không đi vào bất cứ trường hợp cụ thể nào.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu thế nào về động cơ thật sự phía sau những tin đồn trên, thưa ông?

Có một thực tế là các doanh nhân sẽ không làm bất cứ điều gì nếu không có lợi cho họ. Chúng ta có thể hiểu nôm na họ tung tin và chờ đợi một điều gì đó hoặc gây bất lợi cho đối phương hoặc mang lại thuận lợi cho mình và đồng minh.

Trong trường hợp của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP phát triển nhà Hà Nội (Habubank), không nên vội vàng phát xét hoặc có những hành động tương tự về thông tin ai là người chủ động. Biết đâu một nhóm các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu SHB tung tin, với hy vọng giá trị sẽ tăng vọt như của cổ phiếu của Sacombank thời gian hậu tin đồn thì sao?! Điều gì cũng có thể xảy ra, bởi thế chưa chắc HĐQT và Ban Tổng giám đốc của Habubank đã trực tiếp nhúng tay vào việc này.

Truyền thông có vẻ như là yếu tố được tính đến trước tiên trong cái cách mà các doanh nghiệp thôn tính nhau phải không thưa ông?

Trên thực tế, có hai cách để nhà đầu tư hoặc một nhóm đầu tư thực hiện thâu tóm đối thủ.

-  Thứ nhất là thân hữu và cách còn lại là thù địch. Giải thích một cách đơn giản, thì cách thứ nhất cũng giống hình ảnh hai người bạn bắt tay nhau để làm mạnh cho tổ chức mình đã, đang và sẽ cùng quản lý.

-  Cách thứ hai thì chúng ta không cần bàn nhiều. Việc họ tìm cách hạ bệ, giảm uy tín nhau để nắm quyền chủ động luôn có trong kế hoạch ngắn và trung hạn của dự án thâu tóm.

Về yếu tố truyền thông, trước hết tôi xin được khẳng định thế này: Truyền thông luôn chiếm vị trí đặc biệt trong kinh doanh nói chung, bởi khả năng ảnh hưởng nhanh, ảnh hưởng lớn đến dư luận. Thông qua truyền thông, đối tượng các bên nhắm tới trước hết chắc chắn chính là các cổ đông.

Nếu nhóm này được tác động tích cực, nhận được thông tin chính xác, có lợi cho họ, thì có thể tâm lý cũng như quyết định đầu tư sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, thông tin sáp nhập, thôn tính còn có tác dụng đánh động cổ đông của ngân hàng hoặc doanh nghiệp mục tiêu.

Nếu thù địch thì truyền thông sẽ là công cụ, gây ảnh hưởng tâm lý đến tổ chức tín dụng đối tượng. Trong trường hợp HĐQT và cổ đông không muốn bán, thì người muốn thôn tính phải sử dụng triệt để mọi thủ thuật nhằm phục vụ mục đích cuối cùng của mình. Cũng có thể họ thành công khi chào mời giá tốt đến cổ đông để họ chuyển nhượng lại cổ phần, còn nhóm thâu tóm cũng có thể thất bại nếu “thương hiệu” của nhóm này chưa đủ uy tín vượt qua chủ thể đang bị nhòm ngó.

Thật ra, cũng không hẳn thù địch người ta mới làm rùm beng mọi việc. Đôi khi để tạo dựng niềm tin nơi cổ đông cũng như khách hàng, các ngân hàng sẽ làm um lên khi mọi việc đã xong xuôi.

Biện pháp phòng thủ

Lúc cần kíp, liệu nhóm bị thâu tóm còn “găm” được biện pháp phòng thủ phút cuối nào không, thưa ông?

Quan niệm anh mà đi thâu tóm trở thành “con ngáo ộp”, có tính chất đe dọa là tối kỵ. Thật ra trong tất cả những giao dịch M&A luôn tồn tại chủ thể mua và đối tác được mua, hoặc cả hai đối tác cùng sáp nhập vào nhau. Người mua dĩ nhiên phải có quyền lợi. Khi bỏ đồng tiền của mình đầu tư vào một giao dịch M&A thì họ cũng cần phải có quyền lợi, trong đó thể hiện rõ nét nhất là quyền lực trong HĐQT.

Bởi vậy, các doanh nghiệp đối tượng phải “nghĩ” ra các điều khoản, theo vào những quy định bất ngờ để làm nản lòng các công ty có ý định thâu tóm. Liệu pháp Viên thuốc độc (Poison pill) là biện pháp phòng thủ phổ biến nhất, với những “liều thuốc” phổ biến như sau: Cổ phiếu ưu đãi (phát hành cổ phiếu ưu đãi trong đó có điều khoản cho phép chuyển đổi sang cổ phiếu thường khi quá trình sáp nhập hoàn tất, dẫn đến tỉ lệ sở hữu của bên thâu tóm bị pha loãng và chi phí của cuộc sáp nhập bị “đội” lên).

-  Điều khoản cho phép cổ đông của công ty cũ được quyền mua cổ phiếu của công ty mới sau khi sáp nhập với giá rất rẻ.

-  Điều khoản cho phép cổ đông hiện hữu được quyền mua thêm cổ phiếu với giá rất ưu đãi khi một cổ đông lớn có tỉ lệ sở hữu quá một tỉ lệ % nhất định.

-  Điều khoản cho phép các cổ đông hiện hữu được quyền chuyển đổi cổ phiếu sang tiền mặt với giá được định sẵn khi quá trình thâu tóm xảy ra.

-  Điều khoản cho phép các nhà đầu tư đang giữ trái phiếu của công ty được quyền nhận tiền trước ngày đáo hạn nếu công ty đang trong quá trình bị “thâu tóm”.

Xin hỏi ông một câu cuối cùng: việc NHNN phân loại các nhóm NH TMCP với chỉ tiêu tín dụng khác nhau ảnh hưởng ra sao đến lãnh đạo và kinh doanh của các ngân hàng đó?

Với lãnh đạo ngân hàng TMCP nhóm 3 và 4, tâm lý của họ bị dao động rất lớn sau khi NHNN đưa ra các tiêu chí phân loại. Vấn đề nợ xấu, thanh khoản và khả năng quản trị vốn còn yếu và tốn kém.

Việc rơi tõm vào nhóm 3 và 4 ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng, trong khi hệ thống ngân hàng của chúng ta hiện gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu này, bởi phần thu từ các loại hình dịch vụ gần như không có. Sẽ rất khó khăn cho các ngân hàng thuộc nhóm 3 và 4, tức là nhóm chỉ được tăng trưởng tín dụng 8% và nằm trong diện bị kiểm soát đặc biệt trong năm 2012.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 Theo Petrotimes

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn