FTA EU – Việt Nam và những gam màu

Thứ hai, 09/04/2012, 07:47
Gặp mặt bên lề hội nghị cấp cao ASEAN ở Phnom Penh tuần trước, bộ trưởng bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao uỷ thương mại EU Karel De Gucht đã ký một bản ghi nhớ bao gồm các chủ đề liên quan đến các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU. Xét trên quy mô, tính chất, hay sự va chạm lẫn nhau về lợi ích, bức tranh FTA dù mới trong giai đoạn phôi thai, đã hứa hẹn nhiều nét chấm phá với những gam màu khác biệt.


 

Là màu hồng của sự hy vọng, khi việc cắt giảm thuế đối với hầu hết các sản phẩm trong khuôn khổ FTA sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam nếu so sánh với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU (đặc biệt là những mặt hàng bị sức ép cạnh tranh mạnh từ phía Trung Quốc, nước chưa ký kết FTA với EU).

Hiện nay, năm sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào EU là giày dép, dệt may, càphê, thuỷ sản và đồ nội thất. EU đang áp mức thuế tương đối cao đối với các sản phẩm xuất khẩu này: giày dép: 12,4%; dệt may: 11,7%; thuỷ sản: 10,8%. Một nghiên cứu gần đây của dự án MUTRAP nhận định rằng, FTA này sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào EU từ 10 – 20% với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may hay giày dép.

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu khác mà Việt Nam đang có ưu thế như gỗ hay thuỷ sản sẽ tăng nhanh hơn. Tổng thư ký hiệp hội Sản xuất chế biến gỗ và lâm sản cho rằng FTA này sẽ góp phần ổn định mức thuế suất cho các sản phẩm gỗ xuất từ Việt Nam sang EU.

Tại hội thảo về “Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – EU: cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam”, nguyên bộ trưởng bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đưa ra một góc nhìn khác về những khó khăn hai bên sẽ gặp phải trong quá trình đàm phán, đặc biệt là vấn đề về hàng rào kỹ thuật thông qua các thông số về vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động thực vật hay môi trường trong các sản phẩm hàng hoá muốn đi vào thị trường EU.

Đây là một mặt khác của bức tranh màu hồng mà ngành xuất khẩu của Việt Nam cần phải nhận diện. Phó chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Lê Văn Đạo cùng quan điểm rằng vấn đề xuất xứ cũng sẽ là một rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam trong khi tận dụng lợi điểm về cắt giảm thuế quan.

Xét một cách tổng quát, màu xám của bức tranh lại không nằm ở bên kia sân bạn. Khó khăn lớn nhất mà Việt Nam gặp phải khi tham gia FTA với EU nằm ở sự chênh lệch trình độ phát triển và sức ép cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước. Song song với việc các hàng rào thuế suất cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào EU được cắt giảm, thì Việt Nam cũng phải giảm thuế suất cho hàng hoá xuất khẩu của EU vào Việt Nam, điều này đặt ra câu hỏi về năng lực và khả năng tồn tại của nhiều doanh nghiệp nội. 

Khả năng “thua ngay trên sân nhà” – như nhiều chuyên gia cảnh báo – là viễn cảnh thực tế, khi biết rằng một số mặt hàng hay sản phẩm của EU trong lãnh vực công nghiệp và dịch vụ có lợi thế cạnh tranh cao hơn. Khả năng này vừa là một nguy cơ, vừa là một cơ hội cho chúng ta tự “nhìn” lại mình. Cuộc tranh luận về việc gia nhập WTO năm 2007 vẫn còn nóng hổi với tiền đề đặt ra là sức ép từ bên ngoài thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam thay đổi theo hướng hoàn thiện hơn.

Sự đào thải của các doanh nghiệp có sức cạnh tranh kém hơn sẽ được thúc đẩy nhanh hơn thông qua sự cọ xát với các doanh nghiệp mạnh đến từ bên ngoài, khiến họ phải tự “tái cấu trúc” và tự “thay đổi bản thân”. Lợi ích từ bên trong muốn tiệm cận với lợi ích từ bên ngoài còn cần một quá trình cân bằng về chính sách sao cho các quyết định phân phối tài nguyên, đất đai hay con người là hiệu năng nhất.

Câu hỏi đặt ra là quá trình này tiến hành nhanh tới đâu, để các nhóm bị thiệt hại từ mở rộng mậu dịch tự do có thể tính và lựa chọn sớm được các bước tiếp theo. Giáo sư Trần Văn Thọ từng cảnh báo về cái “bẫy tự do thương mại” với hàm ý: việc dỡ bỏ (hầu hết) các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, trong bối cảnh chưa xây dựng đầy đủ nội lực cho những ngành công nghiệp có tiềm năng, sẽ làm chậm quá trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của những nước đi sau.

Lợi thế so sánh lúc này không thể nâng tầm lên một nấc cao hơn, dựa trên thế mạnh công nghệ hay kỹ thuật, mà chỉ loay hoay xung quanh lợi thế nhân công rẻ hay trưng dụng tài nguyên thô. Tìm được cơ hội trong thách thức mà FTA với EU mang lại, vì thế đòi hỏi sự điều chỉnh hợp lý, rốt ráo từ Việt Nam, không chỉ từ góc nhìn doanh nghiệp, mà còn trong việc định hình chiến lược vĩ mô. Và đừng quên thời gian không chờ đợi bất kỳ ai!


Theo SGTT

Các tin cũ hơn