Tin liên quan
>>Doanh nghiệp kinh doanh vàng có 7 tháng để chuyển hướng
>>Nhiều thương hiệu bị gạt khỏi 'cuộc chơi vàng miếng'
>>Vàng “phi SJC” sẽ ra sao?
>>Nghị định 24: Chấm hết với đầu cơ vàng
>>Từ 25/5, Nhà nước chính thức độc quyền sản xuất vàng miếng
Tính đến cuối năm 2011, cả nước có khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh vàng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng. Tuy nhiên, đa số là các công ty quy mô nhỏ, với số vốn không đến 100 tỷ đồng.
Bên cạnh trang sức, vàng miếng vẫn là mặt hàng chủ lực của những công ty này. Tuy nhiên, sắp tới họ sẽ không được tiếp tục mua bán vàng miếng nữa khi Nghị định vừa ban hành quy định chỉ doanh nghiệp nào có vốn điều lệ 100 tỷ đồng trở lên mới được tham gia. Theo tiêu chuẩn này, cả nước sẽ chỉ còn vài chục công ty được phép kinh doanh vàng miếng, một tổng giám đốc ngành vàng nhận xét.
Nhiều cửa hàng tính bỏ nghề hoặc chuyển sang bán trang sức. Ảnh: TB |
Tại Hà Nội, nhiều cửa hàng vàng đang rục rịch tìm hướng đi mới ngay từ sau dự thảo quản lý kinh doanh vàng miếng cách đây không lâu. Chị Nguyễn Thu Hồng, chủ một cửa hàng vàng nhỏ trên phố Cầu Giấy cho biết, sau Nghị định này, chị quyết định chuyển nghề, không kinh doanh vàng miếng hay trang sức gì nữa. "Nhiều tháng gần đây cửa hàng tôi toàn lỗ. Thị trường ảm đạm, khách giao dịch ít. Thời gian tới vàng bị siết chặt thì việc buôn bán chắc chắn cũng khó khăn", chị tâm sự.
Còn trên con phố vàng bạc, đôla Hà Trung, không khí mua bán vàng thời gian gần đây cũng chậm hẳn lại do giá liên tục giảm, vàng mất dần sức hấp dẫn. Một chủ hàng tiết lộ tuy mang tên công ty vàng bạc, nhưng nguồn thu chủ lực lâu nay vẫn là thu đổi ngoại tệ. "Nên sắp tới không được mua bán vàng miếng nữa thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến những công ty vàng nhỏ quanh đây. Tuy nhiên, về cơ cấu hoạt động có thể phải thay đổi", chủ hàng này cho biết.
Còn tại TP HCM, chủ hiệu vàng Vân Nga trên đường Lê Thánh Tôn, quận một than: "Với quy định mới, chúng tôi không thể nào đáp ứng đủ vốn điều lệ 100 tỷ đồng chứ nói chi đến những điều kiện khác. Thôi thì đành chuyển toàn bộ sang nữ trang chứ biết làm sao", bà chủ nói.
Ông chủ một cửa hàng vàng trên đường Lê Lợi, quận một bộc bạch, mức vốn điều lệ của doanh nghiệp ông chỉ tầm 3 tỷ đồng, còn thuế đóng hàng năm vài chục triệu là cùng. Giờ lấy đâu ra vốn điều lệ 100 tỷ hay tiền thuế 500 triệu mỗi năm. "Với điều kiện này, thử hỏi cả nước được mấy nơi đáp ứng được", ông chia sẻ.
Trong khi đó, với những nơi kinh doanh vàng miếng là chủ lực, việc phải ngưng mua bán vàng miếng khiến họ thất thu lớn. Chủ một doanh nghiệp vàng tư nhân gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh tính toán, ngày cao điểm, hiệu vàng ông có thể bán được 30-70 lượng. Trừ đi rủi ro và phải mua bán liền tay, mỗi lượng cũng lời khoảng vài chục nghìn đồng. "Nay không được bán nữa, chúng tôi chắc chắn sẽ gặp khó khăn", ông chủ tâm sự.
Ngoài ra, Nghị định quy định rõ là doanh nghiệp hay tổ chức tín dụng không được thực hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm, đã chặn đứng cơ hội của các cửa hiệu bán vàng miếng nhỏ lẻ làm đại lý. Trong khi đó, bản thân những công ty vàng quy mô lớn như SBJ, hơn 90% doanh thu cũng từ các tiệm vàng lớn nhỏ làm đại lý mà ra.
Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP HCM, cái lớn nhất của Nghị định vàng là dẹp vàng miếng ra khỏi chức năng thanh toán. Thứ hai là chống được vàng hoá nền kinh tế, và thông qua hệ thống ngân hàng sẽ khai thông được vàng trong dân.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Mở TP HCM lo ngại, với hơn 10.000 đơn vị đang kinh doanh vàng nếu bị cấm mua bán, liệu họ có chịu từ bỏ mặt hàng vàng miếng, hay tiếp tục bán "chui" như ngoại tệ để thu lợi nhuận.
Tiến sĩ Thuận cho rằng, mục tiêu chống vàng hoá nền kinh tế là đúng đắn, nhưng cái cốt lõi là phải nâng cao được giá trị đồng nội tệ; muốn vậy phải giải quyết được bài toán về lạm phát. Còn việc dùng các biện pháp hành chính can thiệp mạnh vào thị trường vàng chỉ là phần ngọn và mang tính chất tình thế.
Trong khi đó, giới các doanh nghiệp vàng lớn lại tỏ ra vui mừng. Đại diện một doanh nghiệp vàng lớn tại Hà Nội cho biết công ty ông đủ điều kiện đều tiếp tục kinh doanh mặt hàng này. "Việc kinh doanh vàng từ nay sẽ chỉ tập trung ở một số công ty lớn, do đó Nhà nước sẽ có lợi là dễ quản lý thị trường giá cả hơn. Còn người dân cũng được yên tâm vì việc giao dịch của họ được Nhà nước bảo vệ", ông này phát biểu.