Tìm cách “đánh thức” tiềm năng cây dừa

Thứ bảy, 07/04/2012, 15:57
Liên kết tiêu thụ còn lỏng lẻo ở từng công đoạn; không có sự liên kết chặt chẽ giữa thương lái với đại lý; giữa đại lý với doanh nghiệp chế biến dừa.

Tin liên quan
>>Những cây dừa độc nhất vô nhị ở miền Tây
>>5 phút biến dừa ôi thành tươi rói
>>Một triệu trái dừa Bến Tre phục vụ EURO 2012

Lợi nhuận của người nông dân cũng như giá trị kinh tế mang lại từ cây dừa trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ chưa đạt hiệu quả.

Đó là những vấn đề được các chuyên gia và doanh nghiệp mổ xẻ tại hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa” được tổ chức tại Bến Tre vào sáng 6/4 bên lề Festival dừa lần thứ 3.

Bỏ quên tiềm năng

Thạc sĩ Lê Thị Lệ Thủy, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Bến Tre cho biết, hiện Việt Nam có đến 144.000 héc ta dừa, tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung và các tỉnh ĐBSCL, bằng 3,8% diện tích dừa của Indonesia, 4% của Phlippines, 7,8% của Ấn Độ.

Bà Thủy cho biết: “Theo đánh giá của các quốc gia thành viên Hiệp hội dừa Châu Á - Thái Bình Dương thì giá trị sử dụng và giá trị tăng thêm của cây dừa Việt Nam tương đương 1 triệu héc ta của các nước khác, đây là lợi thế không phải quốc gia nào cũng làm được”.

Tiềm năng cây dừa Việt Nam vẫn chưa phát huy hết lợi thế phát triển do chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức

“Tiềm năng phát triển của cây dừa hiện rất lớn, có thể dùng làm thực phẩm chức năng, đảm bảo nguồn năng lượng duy trì sự sống cho con người. Ngoài ra, ở các nước phát triển họ dùng làm kem thoa mặt, dầu sức tóc, thậm chí son môi.

Vì vậy, nếu chúng ta khai thác được tiềm năng này thì giá trị của cây dừa sẽ tiếp tục được nâng lên rất nhiều nhiều” - ông Nguyễn Trung Chương, Phó Giám đốc Dự án DBRP về phát triển cây dừa ở Bến Tre, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre khẳng định.

Ông Trần Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre thì cho biết: “Hiện tiềm năng cây dừa rất lớn, tất cả các phần từ dừa đều có thể phát triển thành các sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và chế biến trong công nghiệp.

Trong 3 tháng đầu năm nay, công ty tôi đã xuất khẩu được trên 4.000 tấn cơm dừa sấy, các sản phẩm chỉ sơ dừa được 2.000-3.000 tấn, tăng hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, thu về 4 triệu đô la Mỹ, chủ yếu được xuất sang thị trường Châu Âu, Trung Đông, các nước Châu Phi, Bắc Mỹ”.

Dù tiềm năng cây dừa mang lại rất lớn, tuy nhiên hiện vẫn chưa được tận dụng triệt để những ưu thế này. Ông Chương cho rằng: “Sản xuất của ngành dừa còn mang nhỏ lẻ, manh mún nên các tác nhân liên kết trong chuỗi giá trị ngành dừa chưa thể phát huy. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến dừa sử dụng công nghệ còn thấp nên rất ít có khả năng cạnh tranh với các nước trên thế giới. Vốn đầu tư ít nên rất khó bảo đảm có chiến lược lâu dài cho ngành dừa”.

Thạc sĩ Lê Thị Lệ Thủy cho biết: “Hiện nay ngành dừa của mình đang tồn tại 2 điểm yếu cần được quan tâm, làm sao đưa cây dừa trở thành cây trồng mang tính chiến lược quốc gia để có sự quan tâm đầu tư đúng mức từ các bộ ngành giúp ngành dừa phát triển. Cây dừa phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ và công nghệ chế biến, thực tế việc tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp mình còn yếu, cho nên khi ở thị trường nào làm ăn được thì các doanh nghiệp lại tập trung vào thị trường đó dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh”.

Để cây dừa phát triển

Để nâng cao chuỗi giá trị cây dừa từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp thu nhập của người nông dân được nâng lên là một vấn đề quan trọng phải giải quyết để ngành dừa phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Trung Chương nói: “Muốn ngành dừa phát triển, thứ nhất chúng ta cần quy hoạch lại sản xuất ở từng địa phương để có phân công sản xuất và phân chia sản phẩm theo hướng: loại nào đưa vào chế biến, loại nào phục vụ xuất khẩu. Thứ 2, cần phải có chiến lược nâng cấp giống, kỹ thuật canh tác để phát triển ngành dừa dưới sự tham gia của các cơ quan liên quan. Thứ 3, các xí nghiệp dừa cần tìm kiếm thêm thị trường mới, ổn định và bền vững hơn. Thậm chí, cần chủ động đẩy mạnh thâm nhập thị trường Trung Quốc chứ không chỉ thụ động sản xuất chế biến và tiêu thụ trong nước. Thứ 4, nhất thiết cần có mối liên kết giữa các tỉnh trong việc kêu gọi các dự án đầu tư giúp cho ngành dừa phát triển ổn định hơn”.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Thủy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre, muốn tiềm năng cây dừa phát triển, thứ nhất, cần nhanh chóng đầu tư về công nghệ chế biến cũng như đổi mới về công nghệ phục vụ cho ngành dừa. Thứ 2, cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các doanh nghiệp nghiên cứu các thiết bị khoa học công nghệ mới, thứ 3, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ mới phục vụ sản xuất.

“Đối với khâu thu mua sản phẩm dừa cho nông dân, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn từ sản xuất đến tiêu thụ. Thực tế, mình cũng đã có chủ trương này, nhưng thời gian qua thực hiện chưa hiệu quả, nếu nghiêm chỉnh thực hiện sẽ hạn chế được các khâu trung gian rất lớn. Các doanh nghiệp cần liên kết với nông dân để giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, nông dân thì có địa chỉ tiêu thụ với giá cao mà quan trọng hơn giúp hạn chế các khâu trung gian”- thạc sĩ Thủy cho biết.

Theo 24h

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn