Doanh nghiệp kinh doanh vàng có 7 tháng để chuyển hướng

Thứ bảy, 07/04/2012, 07:59
Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ có hiệu lực từ ngày 25-5, tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định trên cho phép các doanh nghiệp có thêm 6 tháng để chuyển hướng.

 

Tin liên quan

>> Nhiều thương hiệu bị gạt khỏi 'cuộc chơi vàng miếng'
>> Vàng “phi SJC” sẽ ra sao?
>> Cấm vàng miếng thì bán vàng trang sức
>> Nghị định 24: Chấm hết với đầu cơ vàng
>> Tiệm vàng sẽ đóng cửa hàng loạt
>> Từ 25/5, Nhà nước chính thức độc quyền sản xuất vàng miếng
 

Như vậy, các đơn vị hiện đang kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ có ít nhất 7 tháng rưỡi nữa, tính từ khi Nghị định 24 được ban hành, để tiếp tục kinh doanh và làm thủ tục xin cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc chuẩn bị chuyển hẳn sang sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Nghị định.
 

Trước những lo ngại của người dân về việc các loại vàng miếng khác, không phải SJC, sẽ bị mua lại với giá thấp, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối, NHNN cho biết, Nghị định 24 không phân biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác. Các loại vàng miếng trên, bao gồm cả vàng miếng SJC và vàng miếng khác thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ, được mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sau thời hạn chuyển tiếp do NHNN quy định.
 

Doanh nghiệp nhỏ vẫn được mua bán vàng miếng trong 6 tháng sau khi thông tư hướng dẫn có hiệu lực.


Theo ông Trần Quý Hải, chủ một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng ở Bình Thạnh, TPHCM, đối với các doanh nghiệp tư nhân, hoạt động kinh doanh vàng miếng mang lại lợi nhuận chủ yếu, trong khi mảng nữ trang thường chỉ chiếm 1/5 doanh thu vì vậy với nghị định 24 nhiều doanh nghiệp tư nhân sẽ không còn tiếp tục kinh doanh kim hoàn nữa.

Ông cũng cho biết, ông sẽ tận dụng thời gian chuyển tiếp để tính toán thu tiền về và đầu tư vào các lĩnh vực khác.

 

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, Tổng giám đốc Công ty kinh doanh vàng Agribank cho rằng, với nghị định 24 sẽ chỉ còn 10-20 công ty kinh doanh vàng hoạt động, bên cạnh một số ngân hàng, như vậy thị trường sẽ bị thu hẹp nhiều.

Mạng lưới tiêu thụ vàng của các công ty cũng bị tác động không nhỏ, do trong thời gian qua các doanh nghiệp vàng phân phối sỉ cho các cửa hàng nhỏ lẻ, trước khi vàng đến tay người tiêu dùng.

 

Nghị định 24 cũng quy định các hoạt động kinh doanh vàng khác sẽ chỉ được phép thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp phép.

Trên trang web của mình, NHNN lý giải là do thực tế hoạt động kinh vàng trên tài khoản, hoạt động phái sinh về vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt tạo điều kiện cho hoạt động đầu cơ, gây bất ổn thị trường vàng, ngoại hối, ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ và quyền lợi của người dân cho nên việc cho phép thực hiện các hoạt động này phải tùy thuộc vào điều kiện thực tế trong từng thời kỳ.

 

Sau khi yêu cầu 5 ngân hàng và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn báo cáo mạng lưới mua bán vàng miếng, thì vào hôm qua, NHNN cũng yêu cầu Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Agribank TPHCM, Công ty cổ phần tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji và Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận báo cáo về việc triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng.


Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích