Dự kiến, dự án sẽ được triển khai công tác đầu tư trong năm 2013 và đi vào khai thác sử dụng trong năm 2015.
Khu vực quy hoạch sân bay tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: Chiến Thắng. |
Theo nội dung quy hoạch được trình bày tại buổi công bố, Cảng hàng không Quảng Ninh có diện tích gần 285.000 ha, có tổng mức đầu tư hơn 5.100 tỉ đồng, công suất 2-5 triệu khách/năm với các hạng mục công trình như: đường cất hạ cánh, hệ thống đường lăn, hệ thống sân đỗ máy bay, đài kiểm soát không lưu, hệ thống dẫn đường, khu nhà ga hành khách và nhà ga hàng hóa, nhà điều hành, nhà làm việc Cảng vụ hàng không và các cơ quan nhà nước khác.
Nằm trên địa bàn xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, Cảng hàng không Quảng Ninh là Cảng hàng không nội địa đón được các chuyến bay quốc tế, sử dụng chung dân dụng và quân sự, thuộc cấp 4E (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO). Quy hoạch sân bay này đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt ngày 16-3 trong Quyết định số 576/QĐ-BGTVT.
Trả lời báo chí bên lề lễ công bố quy hoạch, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo quy hoạch được duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 5.128 tỉ đồng (tương đương 250 triệu đô la Mỹ); trong đó, giai đoạn đến năm 2020 là 3.459 tỉ đồng (tương đương 168,7 triệu đô la Mỹ), giai đoạn định hướng đến năm 2030 là 1.669 tỉ đồng (tương đương 81,4 triệu đô la Mỹ).
Về nguồn vốn huy động, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, những hạng mục đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu của sân bay sẽ do Nhà nước đảm nhiệm, bởi chi phí đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn thấp, khó đầu tư từ khu vực tư nhân. Do tính chất quan trọng của các hạng mục công trình này, cần thiết phải duy trì vai trò quản lý điều hành của Nhà nước trong hoạt động khai thác sau đầu tư.
Đối với các hạng mục khác như nhà ga hành khách, nhà điều hành Cảng hàng không, nhà cảng vụ, khu xăng dầu, cấp điện, cấp nước, đường trục vào sân bay, sân đỗ ôtô trước ga, đường giao thông nội bộ… có thể huy động nhiều nguồn vốn khác ngoài Nhà nước.
Phối cảnh dự án |
Ông Đọc cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh, cho phép đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao), hoặc các hình thức thích hợp khác.
Hiện nay Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc và Công ty TNHH Jionus (Hàn Quốc) đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ đề xuất báo cáo các bộ ngành trung ương xét duyệt cho phép được đầu tư dự án sân bay Vân Đồn theo hình thức BOT.
Ông Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh, với những lợi thế của mình, Quảng Ninh hiện thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và mong muốn được triển khai đầu tư dự án cụm cảng hàng không Vân Đồn.
Về lộ trình, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2012, nhà đầu tư (Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc và Công ty TNHH Jionus) sẽ hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư và lập dự án khả thi trình cấp có thẩm quyền xét duyệt. Dự án sẽ triển khai công tác đầu tư trong năm 2013 và dự kiến sẽ đi vào khai thác sử dụng trong năm 2015.
Quy hoạch cảng hàng không Quảng Ninh (Sân bay Vân Đồn) - Địa điểm: Xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (Khu vực quy hoạch xây dựng cảng hàng không nằm trên địa bàn của 3 thôn Đồng Cậy, thôn Giữa và Cây Thau thuộc Xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn). - Đường cất hạ cánh (CHC): Xây dựng 1 đường cất hạ cánh kích thước 3.000m x 45m, đảm bảo khai thác máy bay Boeing B777 hoặc tương đương. - Hệ thống sân đỗ máy bay: Xây dựng sân đỗ máy bay đạt tối thiểu 4 vị trí đỗ giai đoạn đến năm 2020, mở rộng sân đỗ đảm bảo đạt tối thiểu 7 vị trí đỗ máy bay giai đoạn định hướng đến năm 2030 cũng như sân đỗ máy bay quân sự có diện tích 36.000m2 được đầu tư khi có nhu cầu. - Quy hoạch sử dụng đất: Tổng diện tích 284,625ha (trong đó diện tích dùng chung 196,91 ha, diện tích khu hàng không dân dụng là 63,6ha, diện tích khu quân sự là 24,115 ha). - Các chỉ tiêu của quy hoạch: Cấp sân bay 4E (theo phân cấp của ICAO) giai đoạn đến năm 2020, số vị trí đỗ máy bay tối thiểu 4 vị trí (dự kiến 2 vị trí cho Airbus A321, 2 vị trí cho Boeing B777), công suất tiếp nhận hành khách là 2 triệu hành khách/năm, lượng hàng hoá là 10.000 tấn/năm. Giai đoạn định hướng đến năm 2030: Cấp sân bay 4E (theo phân cấp của ICAO), tối thiểu 07 vị trí đậu máy bay, loại máy bay tiếp nhận là Boeing B777 và tương đương, công suất tiếp nhận hành khách là 5 triệu/năm, lượng hàng hoá là 30.000 tấn/năm. |
Theo TBKTSG