Miền Tây điêu đứng vì cá tra

Chủ nhật, 08/04/2012, 07:02
Chưa bao giờ ngành sản xuất chế biến cá tra Việt Nam lại rơi vào tình thế hết sức khó khăn như hiện nay. Nông dân lỗ nặng, doanh nghiệp điêu đứng, công nhân mất việc...

 

Rơi vào mức lỗ

Gần một tháng nay, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long - những địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn của vùng liên tục lao dốc mạnh, từ mức giá gần 28.000 đồng/kg đã nhanh chóng giảm xuống mức giá 22.000 - 23.000 đồng/kg.

Theo báo cáo của Hiệp hội thủy sản An Giang, giá cá tra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (cá có trọng lượng 0,8-0,9 kg/con, thịt trắng) được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trong tỉnh thu mua có giá từ 24.000 - 25.000 đồng/kg; 22.500 - 23.000 đồng/kg đối với cá có chất lượng thịt xấu hơn.

 

Nông dân nuôi cá tra đang đứng trước nguy cơ phá sản. Trong ảnh là nông dân huyện Tân Hồng, Đồng Tháp đang cho cá ăn


Tuy nhiên, ông Trần Văn Tách, xã Phú Bình, huyện Châu Phú, An Giang cho biết, thực tế hiện cá tra nguyên liệu bà con nông dân bán cho thương lái chỉ 23.000 - 23.500 đồng/kg đối với cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và 22.000 đồng/kg đối với cá loại 2.

Tại Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, những ngày qua nông dân cũng đang điêu đứng vì giá cá tra nguyên liệu liên tục sụt giảm mạnh, đẩy nông dân có nguy cơ rơi vào cảnh lỗ lã.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, thành viên Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp thiếu vốn nên hạn chế thu cá nguyên liệu, trong khi đó, những doanh nghiệp có năng lực tài chính thực sự lại “ra sức” thao túng thị trường bằng cách hạ giá thu mua khiến giá cá giảm mạnh.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, giá cá nguyên liệu giảm mạnh là do ảnh hưởng của những bất ổn về tài chính, chứ không phải do nguyên nhân cá nguyên liệu dư thừa gây ra.

Theo tính toán của bà con nuôi cá tra tại An Giang, để nuôi được 1 kg cá tra nguyên liệu, bà con tốn ít nhất 22.000 - 23.000 đồng (tùy kinh nghiệm của mỗi người nuôi), gồm tiền thức ăn, con giống, nhân công, điện nước, thuốc ngừa bệnh các thứ. Với giá bán như hiện nay (22.000 - 23.000 đồng/kg-PV), người nông dân nuôi cá tra đang rơi vào cảnh lỗ.

“Nếu tình hình giá cá tra nguyên liệu cứ “đánh đu” ở mức này, chắc chắn tình trạng “treo ao” do nông dân hết vốn đầu tư sẽ lại tiếp diễn”- ông Nguyễn Văn Hoàng, xã Tân Bình, huyện Châu Thành, Đồng Tháp cho biết.


Công nhân mất việc

Bước sang năm 2012, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam liên tiếp chứng kiến nhiều sự kiện lớn, ban đầu là doanh nghiệp nợ nần phá sản, kế đến là nông dân lỗ lã. Đặc biệt là ngay cả những người làm công ăn lương như anh chị em công nhân cũng buộc phải gánh chịu ảnh hưởng từ những tác động này.

Ông Võ Hùng Dũng, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, An Giang có trên dưới 900 công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất chế biến và xuất khẩu thủy sản đã phải nghỉ việc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những con số được thống kê đối với những công nhân được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều.

Tại Cần Thơ, sau vụ lùm xùm của Công ty cổ phần thủy sản Bình An (Bianfishco), đã có hàng ngàn công nhân phải nghỉ việc. Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch công đoàn các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố Cần Thơ cho biết, tính đến nay, hàng ngàn công nhân Bianfishco vẫn chưa thể trở lại làm việc được và nhiều khả năng sẽ chuyển sang các doanh nghiệp thủy sản khác ở trong và ngoài tỉnh.

“Hiện ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp Cần Thơ đã làm việc với các doanh nghiệp thủy sản trong và ngoài tỉnh như Hậu Giang, Đồng Tháp và có phương án di chuyển công nhân của Bình An sang các doanh nghiệp thủy sản đó khi doanh nghiệp có yêu cầu cũng như công nhân có mong muốn”- ông Tuấn cho biết.

Theo anh chị em công nhân làm việc tại Công ty Bình An, hiện họ đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống do mất việc, tiền lương thì vẫn chưa nhận được. Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định cũng không được hưởng vì phía Công ty Bình An chưa thanh toán tiền cho bên bảo hiểm.

 

 

Theo TBKTSG

 

 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn