Nợ công Việt Nam có thực sự an toàn?

Thứ sáu, 20/04/2012, 08:30
Dù được khẳng định vẫn trong giới hạn an toàn, song đã có một số dấu hiệu cho thấy "độ nóng"ngày càng gia tăng của Nợ công trong thời gian gần đây, cả về định tính và định lượng, với mấy điểm nhấn đáng chú ý.


Tin liên quan
>> ECB không thể điều trị tận gốc 'bệnh' nợ công
>> Nợ công Việt Nam: Có còn an toàn?

 


Ảnh minh hoa
 

Thứ nhất, quy mô nợ tăng nhanh vượt dự báo

Theo Bản tin nợ nước ngoài -Bộ Tài chính, đến 31/12/2009, tổng nợ nước ngoài của Việt Nam (gồm nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ do Chính phủ bảo lãnh) là 27,929 tỷ USD, tương đương với khoảng 479,5 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, nợ nước ngoài của Chính phủ là trên 23,9 tỷ USD. Đến 31/12/2010, tổng nợ nước ngoài của Việt Nam lên tới hơn 32,5 tỷ USD, chiếm 42,2% GDP (so với mức 38,8% GDP mà Chính phủ dự kiến hồi cuối năm 2010) và tăng 4,6 tỷ USD so năm 2009, đạt mức nợ cao nhất kể từ năm 2005; Trong đó, 62% là nợ nước ngoài của Chính phủ, 38% là nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Đối với nợ của Chính phủ, 93% nợ là vốn ODA và nợ ưu đãi (trong đó 74% là vốn ODA). Đây là các khoản nợ dài hạn và có lãi suất thấp,chủ yếu có lãi suất cố định từ 1 - 2,99%/năm.

Trước những quan ngại của nhiều đại biểu về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết thêm: tính đến 31/12/2010, tỷ lệ nợ Chính phủ là 45,7% GDP, nợ nước ngoài là 42,2%, nợ công là 57,3%.

Trong kế hoạch trình Quốc hội, ước đến 31/12/2011, nợ công là 54,6%, đến 31/12/2012 là 58,4% GDP. Chỉ số này được tính trên cơ sở dự kiến kịch bản tăng trưởng 6%, nếu như kịch bản tăng trưởng đạt được mức 6,5%, tỷ lệ nợ công sẽ thấp hơn đáng kể.

Về phương pháp tính cũng có khác nhau, các nước phát triển tính tỷ lệ theo giá trị đồng tiền, Việt Nam tính theo phương pháp giá trị danh nghĩa. Nếu quy theo giá trị đồng tiền, tỷ lệ nợ công của Việt Nam còn thấp hơn.

Tuy vậy, Chính phủ cũng tính toán cơ cấu này đã và sẽ có thay đổi khi mà khoản ODA và ưu đãi đang trả dần, khoản vay thương mại đang có xu hướng tăng lên vì Việt Nam đã được đưa vào danh sách là nước có thu nhập trung bình.

Ngày 8/11/2011, Quốc hội đã thông qua nâng trần Nợ công của Việt Nam đến 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP và dư nợ quốc gia không quá 50% GDP (so với mức đề nghị của Chính phủ là nợ quốc gia không quá 50%, nợ Chính phủ không quá 53%, nợ công khoảng 60-65% GDP).


Thứ hai, điều kiện nợ ngày càng ngặt nghèo hơn

Cũng theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, về cơ cấu nợ công, trong tổng nợ công của Việt Nam, nợ ODA chiếm 75%, vay ưu đãi khác 19%, vay thương mại chỉ 7%. Vay ODA có thời gian rất dài và lãi suất ưu đãi.

Khi so với các nước cần chú ý cơ cấu này, nhất là đối với những nước đang phát triển và các nước đã thoát khỏi ngưỡng nghèo, tỷ trọng nợ công phần vay thương mại chiếm rất nhiều.

Các khoản vay nước ngoài của Việt Nam đa số có lãi suất thấp, trong tổng nợ cuối năm 2009 thì  vay ODA chiếm tỷ trọng 74,67%, vay ưu đãi chiếm 5,41%, vay thương mại 19,92%...

Sang năm 2010, vay nợ với lãi suất thấp 1 - 2,99%/năm chiếm khoảng 65,5% tổng dư nợ. Đặc biệt, các khoản vay có lãi suất cao từ 6 - 10%/ năm trong năm 2010 cũng đã lên tới 1,89 tỷ USD, gấp hơn 2 lần năm 2009.

Hiện các chủ nợ chính của Việt Nam vẫn là Nhật Bản, Pháp, ADB, WB... Các chủ nợ này đã nâng lượng nắm giữ trái phiếu Chính phủ Việt Nam lên hơn 2 tỷ USD trong năm 2010 (so với con số hơn 1 tỷ USD của năm 2009).

Thực tế cũng cho thấy, lãi suất vay nợ của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên cả do Việt Nam đã bị giảm mức nhận ưu đãi vì gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, cũng như do ít nhiều giảm cả mức tín nhiệm quốc gia (theo một vài đánh giá cá biệt là từ BB+ xuống BB) vì những e ngại bất ổn của kinh tế vĩ mô và sự kiện Vinashin...


Thứ ba, dịch vụ nợ tăng nhanh, hệ số an toàn nợ giảm

Theo Bản tin Nợ  nước ngoài của BTC, dịch vụ nợ nước ngoài của Việt Nam trong năm 2010 là 1,67 tỷ USD, trong đó riêng tiền lãi và phí là hơn 616 triệu USD, tăng gần 30% so với con số 1,29 tỷ USD của năm 2009...

Theo đại biểu quốc hội Trần Du Lịch, Nợ nước ngoài của Việt Nam hiện tương đương 50 tỉ USD, lớn gấp 3 lần so với dự trữ ngoại hối (khoảng 14-15 tỉ USD).

Năm 2011, dự kiến trả nợ 86.000 tỉ đồng, chiếm 12,5% tổng  thu NSNN; năm 2012 sẽ phải trả 100.000 tỉ đồng, chiếm 13,5% tổng thu NSNN-Một con số không hề nhỏ trong quy mô khiêm tốn của NSNN hiện nay (trong khi Nợ công của Thái Lan chỉ có 44,1% GDP và dự trữ ngoại hối là 176 tỉ USD;  Indonesia, Malaysia nợ công chỉ có 26,9% GDP, Philippines 47,3%...).

Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, hiện nay tổng số dịch vụ nợ (trả nợ cả gốc và lãi) của Chính phủ chiếm khoảng 14% - 16% tổng ngân sách nhà nước. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, mức dịch vụ nợ an toàn là không quá 30% tổng thu ngân sách.

Đặc biệt, theo cảnh bảo của Bộ Tài chính, dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2010 chỉ còn tương đương 187% tổng dư nợ ngắn hạn, giảm mạnh so với con số 290% và 2.808% của các năm 2009 và 2008; trong khi mức khuyến nghị của Ngân hàng thế giới WB là trên 200%.

Cần nhấn mạnh rằng, việc mua vào thêm 4-7 tỷ USD trong những tháng đầu năm 2011 ít nhiều đã cải thiện tỷ lệ an toàn nợ/dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Song, việc mua vào này không phải là giải pháp bền vững xét dưới góc độ chống lạm phát tiền tệ, vì nó dễ trở thành nguồn xung lực làm tăng lạm phát tiền tệ ở nước ta, nhất là khi chậm thu hồi các khoản tiền đã chi thông qua bán trái phiếu Chính phủ .

Ngoài ra, cần thấy rằng khả năng trả nợ từ nguồn thu NSNN đang và sẽ có thể gặp căng thẳng trong bối cảnh mà, khác với thông lệ hằng năm đều vượt thu, dự toán thu ngân sách năm 2011 được Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá là "chưa năm nào khả năng tăng thu căng thẳng như năm nay và có dấu hiệu chững lại từ tháng 7-2011".

Đặc biệt, nguồn thu thuế từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý II/2011 giảm 83% so với quý I, quý III dự kiến giảm 40% so với 6 tháng đầu năm...với 50% số doanh nghiệp khai lỗ.

Trong khi đó, theo Bộ KH&ĐT, với khu vực kinh tế tư nhân trong nước thì số doanh nghiệp giải thể, phá sản và dừng hoạt động không nộp thuế đã xấp sỉ con số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2011...


Theo Tuần Việt Nam

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn