Các tin khác
>>Dự án bất động sản: Bán tháo cũng không dễ!
>>Điêu đứng vì dự án “ma”
>>Hơn 99% dự án chậm tiến độ
Cách đây ba năm, anh Tuấn ký hợp đồng góp vốn ban đầu tại một dự án căn hộ ở Hà Đông với số tiền hơn 300 triệu đồng. Không còn kiên nhẫn để đợi, anh Tuấn đã cùng những người đồng cảnh ngộ như mình làm đơn kiến nghị xin rút số tiền góp vốn. Sau nhiều cuộc họp gay go, anh chỉ nhận được khoản tiền chưa bằng 1/2 số ban đầu góp vốn với lý do đơn phương chấm dứt. Thậm chí, ngay cả số tiền này anh cũng chưa biết bao giờ mới được nhận.
Tương tự như anh Tuấn, vừa qua hàng loạt nhà đầu tư đã phải kêu trời vì tiến độ của các chủ dự án. Thậm chí, họ phải biểu tình, thuê luật sư, và đưa nhau ra tòa. Một dự trong những dự án xôn xao trong thời gian qua là CT1 Vân Canh do công ty AZ Land làm chủ đầu tư. Năm 2010, nhiều hộ dân cũng đã ký hợp đồng mua căn hộ dưới hình thức huy động vốn. Thời hạn vay vốn 9 tháng và kể cả nếu được gia hạn cũng không quá 6 tháng tiếp theo. Mặc dù vậy, khách hàng vẫn phải mua chênh đến hơn 300 triệu đồng cho mỗi căn hộ cho các sàn giao dịch bất động sản.
Sau nhiều lần trì hoãn, tháng 7/2011, dự án mới được khởi công và đến nay chưa xong nổi phần móng. Quá bất bình, khách hàng đã yêu cầu hoàn trả tiền gốc, tiền chênh và tiền lãi của khoản vay nhưng chủ đầu tư "lắc đầu", không thể thực hiện được.
Một trong những dự án cũng đã cho người mua ăn trái đắng là Ecopark Tuần Châu. Cuối năm 2010 và đầu 2011, việc giao dịch chuyển nhượng quyền hợp đồng góp vốn sản phẩm liền kề và biệt thự của dự án diễn ra khá sôi động. Chị Phương, một nhà đầu tư cho biết, một suất liền kề chị mua vào thời điểm năm 2011 có giá 22 triệu đồng/m2 nhưng hiện tại giá xuống chỉ còn 15 triệu đồng/m2, như vậy, chị đã lỗ vài trăm triệu đồng.
Dự án AZland im ắng từ văn phòng làm việc đến công trường |
Điều khiến nhiều nhà đầu tư "ngồi trên đống lửa" bởi tính pháp lý của dự án không đảm bảo, dưới hình thức hợp đồng góp vốn nhiều lô đất đã chuyển nhượng với giá chênh vài trăm triệu đồng, cùng với đó tiến độ dự án vẫn còn đang nằm trên giấy. "Giấc mơ về Tuần Châu trong lòng Hà Nội" có vẻ vẫn còn xa vời.
Dự án Nam An Khánh do Sudico làm chủ đầu tư cũng làm cho nhiều nhà đầu tư mắc kẹt. Kiến nghị tạm dừng thực hiện dự án của Thanh tra Chính phủ và những lình xình tại Sudico đã khiến dự án bị đình trệ. Vừa qua, dự án đã chính thức về tay Sudico sau nhiều lần nâng lên hạ xuống của các cơ quan quản lý.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị tạm dừng dự án khu đô thị Nam An Khánh vì sai phạm trong chuyển nhượng dự án từ tập đoàn Sông Đà sang công ty con là Sudico.
Theo kết luận Chính phủ sau cuộc họp chỉ đạo xử lý sau thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại tập đoàn Sông Đà, Dự án Nam An Khánh vẫn tiếp tục được thực hiện. Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội, Bộ Xây dựng và tập đoàn Sông Đà rút kinh nghiệm đối với việc thực hiện chưa đúng quy định về thủ tục và thẩm quyền khi giao đất, chuyển nhượng Dự án Khu đô thị Nam An Khánh.
Hàng trăm khách hàng sở hữu biệt thự, nhà liền kề của dự án đã lao đao bởi những tác động không nhỏ từ những vụ việc trên. Cũng chính vì thế, giá đất nền tại dự án cũng giảm mạnh, có nhà đầu tư chào bán chịu lỗ 50% so với thời điểm đầu năm 2011.
Ông Nguyễn Đức Anh, một nhà đầu tư cho hay, ông đang còn mắc kẹt lại tại dự án này 3 lô đất. Năm 2009, ông đã đầu tư 5 lô đất, sau cơn sốt ông đã nhanh tay bán vội 2 lô thu lãi vài tỷ đồng. Do chờ giá cao để lướt sóng, ông vẫn còn đọng lại ở đây hàng chục tỷ đồng.
Ông cho biết, thị trường bất động sản đóng băng, các giao dịch ở dự án này hầu như không có, chỉ thấy người bán mà người mua thì ít. Thời gian qua, thông tin ngừng triển khai dự án đã khiến cho nhà đầu tư lo lắng vì số tiền chục tỷ đồng có thể bị chôn vùi tại đây. "Đất nền dự án qua tay nhiều nhiều nhà đầu tư thứ cấp, đây là điều làm cho người mua không tin tưởng vào tính pháp lý của dự án".
Cũng như ông Đức Anh, không ít nhà đầu tư đã chấp nhận bán lỗ để tháo chạy khỏi dự án này. Sàn giao dịch bất động sản Thái Minh Quang đang rao bán gần 10 lô biệt thự với giá chỉ từ 21 đến 26 triệu đồng/m2, vào tên trực tiếp với chủ đầu tư.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng trên là do chủ đầu tư gặp vấn đề về vốn. Do không huy động được số vốn tối thiểu từ khách hàng, hoặc từ nguồn khác để tiếp tục dự án, mà bản thân những doanh nghiệp này gần như hoàn hoàn phụ thuộc vào nguồn vốn này nên họ buộc phải dừng dự án.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đưa ra nguyên nhân dự án chậm tiến độ, trong đó có yếu tố từ nhà thầu. Theo ông Hùng, một số nhà thầu có xu hướng bỏ thầu thấp với mục tiêu muốn trúng thầu bằng mọi giá để có tiền ứng hợp đồng nhằm xử lý vấn đề tài chính trước mắt cho doanh nghiệp.
Đến khi triển khai, tổ chức thi công, giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng đột nhiên tăng cao so với thời điểm bỏ thầu, dẫn đến tình trạng đơn vị thi công thiếu vốn, thiếu phương tiện, thiếu nhân công, nhất là lao động có tay nghề cao, gặp khó khăn về việc cung ứng vật tư, nhiên liệu. Khi thị trường bất động sản trầm lắng giao dịch, kinh tế khó khăn, những điểm yếu này bắt đầu lộ ra.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, một chuyên gia bất động sản nhận định, việc dự án chậm tiến độ, thiệt thòi lớn nhất vẫn là khách hàng gánh chịu. Khách hàng là những người luôn không được làm chủ trong các hợp đồng kinh tế, bản thân họ sẽ gặp nhiều rủi ro về tài sản, tài chính cũng như những thay đổi của chủ đầu tư. Ông Tuấn cũng khuyến cáo, khách hàng nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định đầu tư.
Bản thân ông cũng cho rằng, hiện nay nhiều khách hàng giờ đang nghe ngóng và chờ đợi. Họ muốn thấy các chủ đầu tư hoàn tất các trách nhiệm của mình trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tiện ích trước khi quyết định mua.
Theo VEF