Đô thị Việt Nam có nguy cơ méo mó

Thứ sáu, 20/04/2012, 09:02
Dường như các đô thị ở Việt Nam đang phát triển theo chiều rộng thay vì theo chiều sâu. Chẳng hạn, Hà Nội đã trở thành một trong những thành phố rộng nhất thế giới. So với thủ đô Seoul của Hàn Quốc, dân số ở Hà Nội đang sống trên diện tích lớn gấp bốn lần.


Tin liên quan
>> Quy hoạch, quản lý sử dụng đất tại TP.HCM: Đụng đâu sai đó
>>Quy hoạch các tuyến đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh

 

Quy hoạch nhà cửa thiếu bài bản

So với thủ đô Seoul của Hàn Quốc, dân số ở Hà Nội đang sống trên diện tích lớn gấp bốn lần.

Ngày 18.4, viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã công bố báo cáo đánh giá đô thị hoá Việt Nam.

Ông Dean Cira, chuyên gia trưởng về đô thị của Ngân hàng thế giới cho rằng, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của đô thị hoá và chuyển dần sang giai đoạn giữa. Tỷ lệ dân đô thị trên toàn quốc tăng 3,4%/năm với 34% dân số Việt Nam sống ở đô thị.

Khoảng 20 - 30 năm nữa, một nửa dân số Việt Nam sẽ sống ở thành thị. Do tốc độ tăng dân số khá nhanh, đặc biệt là ở hai khu vực đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM, khiến nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong sử dụng đất. Chi phí giao dịch và vận chuyển ở cả Hà Nội lẫn TP.HCM còn rất cao.

Theo ông Cira, có hai vấn đề quan trọng là cung cấp đủ nhà ở cho dân và duy trì việc đi lại thuận tiện của người dân. Phần lớn người dân tại Việt Nam sống ở nhà phố nhỏ hoặc nhà thấp tầng, còn những khu đô thị xây dựng quy củ bài bản chiếm tỷ trọng nhỏ.

Rất ít người dân ở đô thị có đủ tiền mua những căn nhà, đất ở khu quy hoạch tốt. Phần lớn nhà ở Việt Nam là do người dân tự xây dựng, manh mún. Điều đó có nghĩa là sẽ có những nút thắt cổ chai do quy hoạch thiếu bài bản. Giá nhà đất ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với thu nhập của người dân, đặc biệt là ở Hà Nội. Giá đất ở Việt Nam “chạy” nhanh hơn phát triển kinh tế, nếu không được điều chỉnh tức thời sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.

 

Phát triển chiều rộng hơn chiều sâu

Mặt khác, dường như các đô thị ở Việt Nam đang phát triển theo chiều rộng thay vì theo chiều sâu. Chẳng hạn Hà Nội đã trở thành một trong những thành phố rộng nhất thế giới. So với thủ đô Seoul của Hàn Quốc chẳng hạn, dân số ở Hà Nội (hơn 6,5 triệu người) đang sống trên diện tích lớn gấp bốn lần Seoul (hơn 10,5 triệu người). Tức là Hà Nội chưa sử dụng tối ưu hoá đất đai. Khi mở rộng như vậy, chính quyền sẽ phải đầu tư rất nhiều vào các đô thị vệ tinh trong khi nhu cầu chính lại nằm ở Hà Nội. Về khía cạnh bền vững, điều đó gây ra chi phí khổng lồ cho người nộp thuế.

Đối với quản lý hành chính, ông Cira cho rằng việc phân loại thành phố như hiện nay tạo ra nhiều động lực méo mó. Một thành phố được tăng hạng (về xếp loại đô thị) sẽ được rót nhiều nguồn lực hơn nhưng hiện có nhiều đô thị mới mọc lên rất xa thành phố, nơi không tập trung nhiều nhu cầu thật sự của dân chúng. Mối nguy hiểm của những đô thị mới này là chúng ngốn nhiều tiền của để xây dựng và kết nối với các đô thị có sẵn, trong khi việc trước tiên là cần tập trung cải thiện các trung tâm đô thị trước khi mở rộng.

Tại hội nghị, TS Nguyễn Trọng Hoà, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện nay với sự phát triển của thị trường bất động sản có vẻ vượt qua sự phát triển của đô thị, đặc biệt thị trường thứ cấp, chuyển đổi từ đất nông nghiệp thành đất ở diễn ra quá mạnh, đáng ra phải đi sau đô thị hoá nhưng việc chuyển đổi đất trong một số trường hợp đi trước cả quy hoạch.

Tương tự, quá trình phát triển của các khu công nghiệp - khu chế xuất - khu kinh tế còn nhiều điểm đi trước quá trình đô thị hoá. Nhiều nơi thu hút lực lượng lớn lao động, dẫn tới quá trình đô thị hoá tự phát mà không kèm theo sự nâng cấp của chính quyền địa phương. Vấn đề đô thị nảy sinh hằng ngày nhưng chính quyền địa phương không được trang bị nguồn lực tài chính, con người để xử lý.


Theo SGTT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích