Tăng ít nhất 300-600 đồng/lít
Đại diện SaigonPetro cho biết, việc đề xuất về giá xăng dầu đã được gửi tới Liên Bộ từ hôm thứ 3 vừa qua, 17/4. Tuy nhiên, doanh nghiệp đều không dám thẳng thắn xin tăng mà chỉ dám đề là kiến nghị xem xét.
Theo phản ánh của công ty này, giá bình quân 30 ngày từ 10/3 đến 9/4, xăng A92 đã lỗ 900 đồng/lít, dầu diesel lỗ 300 đồng/lít, dầu hỏa lỗ 650 đồng/lít và dầu madut lỗ 350 đồng/kg.
Tuy nhiên, trong giá cơ sở này, đã bao gồm cả 300 đồng/lít lợi nhuận định mức, 600/lít chi phí hoa hồng.
"900 đồng này chỉ tạm đủ chi phí chứ doanh nghiệp không có lãi. Đừng tưởng là cứ tính 300 lợi nhuận định mức là có lãi bởi chi phí kinh doanh quy định cứng 600/lít là lạc hậu rồi lắm rồi", đại diện này than thở.
Tăng ít nhất 300-600 đồng/lít |
Đại diện của SaigonPero cho hay, sau khi gửi báo cáo lên Bộ ngày 17/4 thì tới ngày 18/4 mức giá thành phẩm có giảm nhẹ 2 USD/thùng. Lúc này, xăng còn 130USD/thùng, dầu diezen 132,5 USD/thùng, dầu hỏa 132 USD/thùng và dầu madut 722 USD/tấn. Nếu chu kỳ 30 ngày dự trữ tính cộng tới ngày 18/4 thì mức lỗ xăng có giảm nhẹ. Xăng chỉ còn lỗ 500 đồng/lít, dầu hỏa lỗ 200 đồng/lít, còn dầu diezen và madut thì tạm hòa vốn.
Ông nói, xu hướng tăng giá thế giới vẫn là nguyên nhân chủ đạo khiến các doanh nghiệp chịu lỗ. Kỳ thực, đợt tăng giá mạnh tới 2.100 đồng/lít xăng cách đây một tháng rưỡi chỉ đủ cho doanh nghiệp tạm hòa vốn rồi lại chuyển sang lỗ ngay sau đó. Lỗ chồng lỗ và kéo dài đang là tình trạng chung của các doanh nghiệp xăng dầu.
Nên có giá trần cho xăng dầu
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh chia sẻ: chúng ta bàn mãi chuyện giá xăng dầu theo cách hiện nay thì sẽ không có lối ra. Những chuyện như nên tăng bao nhiêu, tăng lúc nào, giật cục hay tăng dần, có kiềm hãm hay không, rồi Nhà nước lùi thuế cỡ nào... vẫn chỉ là những chuyện nhỏ lẻ trong toàn cục vấn đề này.
"Phải thay đổi căn bản cách thức điều hành thị trường xăng dầu và quản lý giá xăng dầu. Bao giờ có thị trường thị mới cho thị trường. Đừng nói thị trường khi chưa hiểu thị trường là gì? Vì thế, theo tôi, xăng dầu nên thiết lập cơ chế giá trần. Trong đó, Nhà nước sẽ tính toàn phần Nhà nước bao nhiêu, doanh nghiệp hưởng bao nhiêu... Từ năm 2008, tôi đã gửi bản kiến nghị này tới Bộ Tài chính nhưng Bộ không hồi âm", TS Vũ Đình Ánh cho biết.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, kiến nghị của chúng tôi xuất phát từ công thức tính giá cơ sở thôi. Tại thời điểm chúng tôi tửi báo cáo ngày 11/4, đối với xăng đã lỗ hơn 600 đồng/lít, còn lại tùy mặt hàng dầu mức độ lỗ khác nhau, từ 200-300 đồng/lít tùy từng mặt hàng. Đến ngày 19/4, nếu tính thêm cả việc vừa trích, vừa sử dụng Quỹ bình ổn nữa thì đối với xăng lỗ khoảng 400 đồng.
Tuy nhiên, các tính toán lỗ này chỉ là danh nghĩa, vì trong công thức tính giá, chỉ cho phép tính chi phí kinh doanh là 600 đồng/lít. Thực tế, doanh nghiệp có mức chi phí kinh doanh lớn hơn nhiều nên mức lỗ thực tế sẽ phải lớn hơn con số trên.
"Tuy vậy, khi báo cáo liên Bộ, chúng tôi cũng không dám xin tăng giá cụ thể, chỉ đặt vấn đề: một là Liên bộ quyết định xem xét lại việc giá, hai là cho doanh nghiệp vận hành theo Nghị định 84", ông Nam nhấn mạnh.
Trả lời cho câu hỏi cần phải tăng bao nhiêu là "vừa đủ", ông Trần Ngọc Năm cho rằng, mức tăng giá hợp lý nhất hiện nay là khoảng 300 đồng/lít đối với dầu và khoảng 600 đồng/lít đối với xăng. Tính toán này có thể hợp với Petrolimex nhưng với các doanh nghiệp khác, chưa chắc đã đủ bù lỗ.
Ông Năm cho hay, "Quý I đã lỗ. Khi đã kinh doanh thì chúng tôi đều mong muốn là phải hòa, nếu kéo dài lỗ sẽ rất khó khăn".
Doanh nghiệp sợ đại lý, cổ đông
Không chỉ vì giá thế giới tăng, các doanh nghiệp xăng dầu cũng đều than phiền về sức ép từ phía đại lý.
Hiện, Petrolimex chiết khấu cho đại lý ở mức rất thấp, chỉ 200-250 đồng/lít. Ông Năm bày tỏ, mức này không thể đủ cho đại lý trang trải chi phí được. Nhưng nếu không hạ mức chiết khấu xuống, rồi các đại lý cũng sẽ bị đánh giá là không chia sẻ với doanh nghiệp, người dân.
Khác với các doanh nghiệp Nhà nước khác, Petrolimex giờ đã cổ phần hóa, đã lên sàn chứng khoán. "Cứ khó khăn, xăng dầu lỗ thê này, chúng tôi cũng không biết ăn nói thế nào với các cổ đông", ông Năm bày tỏ.
Theo đại diện của SaigonPetro, công ty đang chiết khấu cho các đại lý ở mức 400 đồng/lít hoa hồng, riêng phần vận chuyển đại lý chịu. Với mức này, các đại lý kêu ca, chiết khấu quá thấp và đòi hỏi chiết khấu cho họ phải tối thiểu 600 đồng mới đủ vận hành.
Nếu cứ điều hành theo cách như hiện nay, kiềm giá kéo dài, sẽ sinh lắm chuyện, các doanh nghiệp này bày tỏ như vậy.
SaigonPetro cho rằng, thà Liên Bộ cho phép tăng ở mức nhỏ, như 500-700 đồng/lít theo đà tăng của thế giới, sẽ còn đỡ sốc hơn cho người dân và giảm được khó khăn cho doanh nghiệp.
Nếu như, Liên Bộ lại tiếp tục chờ khi doanh nghiệp phải lỗ tới 2.000-2.500 đồng/lít như hồi tháng 2-3, khi phải tăng, sẽ lại gây sốc, không đồng thuận trong dư luận. Giải pháp khác như xả bù từ Quỹ bình ổn xăng dầu cũng không còn giá trị thực tế, vì hiện Quỹ đã hết sạch, nhiều doanh nghiệp còn bị âm. Việc yêu cầu tăng xả Quỹ bình ổn nhằm giữ giá chỉ đơn thuần là biện pháp hành chính, còn ở góc độ kinh doanh, các doanh nghiệp buộc phải ăn vào vốn của mình, chờ lúc có lời thì... bù lại.
Theo kiến nghị của SaigonPetro, Chính phủ nên cho phép vận hành Nghị định 84 hiện hành. Khi đó, giá xăng dầu trong nước có thể tăng từ từ, ở mức độ nhẹ, dễ chấp nhận hơn.
Ngày 29/9/2011, Thủ tướng đã có kết luận về việc điều hành xăng dầu ở thông báo 233. Theo đó, thông báo đã nêu rõ Chính phủ đã chỉ đạo điều hành kinh doanh xăng dầu nhất quán theo cơ chế thị trường quy định ở Nghị định 84. Thời gian tới, việc điều hành giá bán lẻ phải thực hiện nghiêm theo quy định tại Nghị định 84, các Bộ Tài chính- Công Thương chịu trách nhiệm công bố công khai các yếu tố chi phí, cấu thành giá.
Thông báo này còn nêu rõ: Doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá theo đúng quy định tại Nghị định 84. Nhưng cho tới nay, thực tế điều hành thị trường xăng dầu đã khác hẳn với chỉ đạo trên.
Sau đợt tăng giá gây sốc hôm 8/3, mặt hàng xăng đang giữ kỷ lục giá ngoài tưởng tượng của người dân, tới 22.900 đồng/lít, dầu diezen có giá 21.400 đồng/lít, dầu hỏa 20.200 đồng/lít và dầu madut 18.800 đồng/kg. Sau nhiều lần tăng rồi lại giảm thì các mức giá này đều cao nhất. Cùng đó, Quỹ bình ổn vừa vẫn duy trì trích 300 đồng/lít để hình thành Quỹ, đồng thời lại tiếp tục xả ra 300 đồng/lít để bù. Đồng loạt các sắc thuế cho các mặt hàng xăng dầu đều đã về 0%.
Theo VEF