Tin liên quan
>>Vốn rẻ khó với
>>Sếp ngân hàng đòi doanh nghiệp 'lót tay' khi vay vốn
Như tuyên bố trước đây của Ngân hàng Nhà nước, mỗi quý sẽ giảm trần lãi suất 1%. Khởi động từ Quý 1/2012 vừa qua, trong tháng 3, NHNN đã điều chỉnh trần lãi suất như đã hứa từ 14%/năm xuống còn 13%/năm. Ngay khi bước vào quý II/2012, thị trường tại chính khá bất ngờ khi NHNN điều chỉnh giảm tiếp 1% trần lãi suất xuống mức 12%/năm.
Ngoài ra các loại lãi suất điều hành khác cũng được điều chỉnh giảm, như lãi suất tái cấp vốn từ 14%/năm xuống 13%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 15%/năm xuống 14%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 12%/năm xuống 11%/năm.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyên Văn Bình, xu hướng giảm lãi suất sẽ tiếp tục nếu nền kinh tế diễn biến khả quan như hiện nay. Với việc hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất mới như hiện nay, lãi suất cho vay của nhóm đối tượng sản xuất kinh doanh không thuộc diện không khuyến khích sẽ ở khoảng 13%-16%. Trong nhóm 14 ngân hàng thương mại lớn nhất trong hệ thống, đã có ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn mức 13%/năm.
Trước đó nhiều chuyên gia kinh tế dù kỳ vọng lãi suất sẽ hạ nhưng quyết định nhanh đến bất ngờ của NHNN khiến thị trường tài chính thêm hứng khởi.
Tuy vậy, thay vì vui mừng trước động thái này, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra nghi ngại, thậm chí không tin rằng doanh nghiệp có tài chính tốt, sản xuất kinh doanh tốt như lời Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói sẽ được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ (14%-16%/năm).
Giám đốc một doanh nghiệp có sản xuất mặt hàng thép xuất khẩu cho biết,theo như Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nói: “doanh nghiệp nào tốt đủ điều kiện vay vốn theo các quy định hiện hành thì hoàn toàn có thể vay vốn ở mức 14-16%/ năm...”, thì doanh nghiệp của ông là doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu nghĩa là nằm trong nhóm đối tượng được ưu đãi vay, dù không nợ đọng thuế, tình hình tài chính minh bạch, sản xuất vẫn đều và có thị trường tiêu thu tạm ổn định, nhưng doanh nghiệp tự đánh giá là khó khăn vẫn chồng chất. Hiện doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất là 20%/năm.
Tiếp cận với ngân hàng sau đợt hạ lãi suất, ngân hàng vẫn không có mức lãi suất cho vay khả quan hơn. Theo vị giám đốc tính toán, trong năm 2011 dù dư nợ không tăng hơn, tức là doanh nghiệp vẫn chỉ vay như mức năm 2010 nhưng lãi vay phải trả đã tăng gấp 2,4 lần so với năm cũ. Vị giám đốc này cũng tiết lộ, nếu như năm 2010, doanh nghiệp phải trả lãi ngân hàng khoảng 21 tỷ đồng, thì năm 2011 con số trả lãi đã tăng lên tới 48 tỷ đồng. Trong quý I/2012, doanh nghiệp đang lo lắng vì nguy cơ lỗ “chổng vó”.
Một số doanh nghiệp khác cũng cho rằng, giảm lãi suất để cứu doanh nghiệp nhưng trong trường hợp này ngân hàng là người được cứu đầu tiên. Trong khi Ngân hàng Nhà nước tìm cách hạ lãi suất điều hành thì ngay chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, các ngân hàng lách trần lãi suất hết sức tinh vi đến mức không dễ phát hiện. Chính vì vậy, để vay được vốn với lãi suất thấp sẽ càng khó, dù ở ngân hàng này, ngân hàng nọ vẫn đang rầm rộ quảng bá các gói hỗ trợ tín dụng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu Aproximex cũng chia sẻ, hiện doanh nghiệp đang vay với lãi suất trung bình khoảng 18,5%., thậm chí có ngân hàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất 20%/năm.
Theo ông Lý, để cứu doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng thiết yếu, ngân hàng cần có chính sách lãi suất đặc biệt ưu tiên đối với một số ngành như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, giao thông vận tải… Mức lãi suất đặc biệt có thể giảm xuống tới 10%.
Một số doanh nghiệp sản xuất cho rằng, dù nhiều ngân hàng dành các gói ưu đãi hàng nghìn tỷ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn rẻ rất hiếm hoi.
Giám đốc một doanh nghiệp than thở: "Nói là gói hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vừa tung ra, ngày hôm sau vốn này đã bị mỗi nơi thân quen "xẻo" một tí, lúc đến tay doanh nghiệp thì chẳng còn gì...". Nên chăng, khi các ngân hàng công bố các gói hỗ trợ cũng cần có sự minh bạch, giám sát nguồn vốn đó có được sử dụng đúng mục đích, đối tượng được thụ hưởng hay không. Qua đây cũng thấy, khâu thanh kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước cần phải được tăng cường hơn nữa.
Theo Stockbiz