>> Giá vàng quay đầu giảm
>> Toshiba ngừng sản xuất tivi tại Nhật
>> Mỏ than "ngoại" khai thác vượt hạn mức
>> ĐBQH Trần Du Lịch: "Không nên vì Vinashin, Vinalines mà hắt hủi kinh tế biển'
Chợ tiền tỉ hoang vắng.
Thờ ơ với chợ văn hóa?
Theo Quyết định số 4673/QĐ-UB của UBND TP.Hà Nội, dự án chợ Cổ Loa được xây dựng với tổng trị giá 3,940 tỉ đồng do huyện Đông Anh làm chủ đầu tư, nhằm cải tạo, nâng cấp chợ đáp ứng nhu cầu mua bán, phục vụ khách tham quan khu di tích Cổ Loa và của nhân dân trong khu vực.
Chợ được dựng trên nền đất của chợ Sa cũ. Dự định khi hoàn thành, chợ VHDL sẽ được cho thuê các gian hàng, đồng thời tạo điểm đến hút khách du lịch, cùng với quần thể thành Cổ Loa.
Tuy nhiên, tháng 4.2005, chợ hoàn thành, huyện Đông Anh phát hồ sơ, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mời đấu giá, nhưng không có đơn vị, cá nhân nào đăng ký.
Nguyên nhân được xác định do công năng của chợ không phù hợp với thực tế: Khu di tích Cổ Loa chỉ đi vài tiếng đồng hồ là đã hết, lượng du khách cũng không nhiều; phần lớn diện tích chợ chỉ dùng để kinh doanh các mặt hàng vải, quần áo, giày dép, hàng khô, hàng điện tử, kim khí, sành sứ, đồ gia dụng và hàng lưu niệm; vẻn vẹn có 151m2 cho nhân dân họp chợ ngoài trời, không đủ chỗ ngồi cho các hộ kinh doanh...
Dù nằm ngay trên trục đường nối từ quốc lộ 3, gần lối vào khu di tích Cổ Loa, song mỗi dịp có sự kiện tổ chức tại chợ cũng chỉ lèo tèo người dân tại địa phương tham dự, họa hoằn mới có đám khách lẻ đến từ nơi xa... Từ năm 2005 đến nay, duy nhất chỉ một lần vào dịp Tết Nguyên đán - 2011, chợ được thuê để mở hội chợ hàng tiêu dùng.
Chợ cóc thi nhau mọc tại cầu Ngòi.
Tài sản nhà nước bị hoang hóa
Hiện toàn bộ khu vực chợ văn hóa này bị xuống cấp nghiêm trọng và bỏ hoang. Toàn bộ cửa gỗ bị phá khóa, tháo dỡ, cửa kính thì bị đập vỡ tan hoang, hệ thống cửa cổng bằng sắt bị hoen gỉ. Các gian hàng bên trong chợ bị rác xâm chiếm, không người thu dọn, các cột trụ bị bôi bẩn, bong tróc đáng kể. Toàn bộ sân bêtông trước cửa chợ văn hóa bị cày nát, là nơi tập trung của các xe đẩy rác.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Trung - Chủ tịch UBND xã Cổ Loa - cho biết: "Dựng chợ tạm là giải pháp trước mắt để hỗ trợ cho người dân buôn bán, còn về khu vực chợ VHDL nằm ngoài thẩm quyền của xã, nên chúng tôi đã kiến nghị để huyện có hướng xử lý".
Theo những người dân nơi đây, nguyên nhân chợ DLVH trở nên "ế ẩm" là do lượng khách đến tham quan không nhiều. Khu di tích Cổ Loa khá nhỏ hẹp và nằm rải rác, đi khoảng hai giờ đồng hồ là cũng hết các đền, chùa, nên khách không nán lại lâu.
Về hiện trạng của chợ Cổ Loa, ông Hoàng Mạnh Lâm - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh - cho biết: Việc đề xuất xây dựng chợ không phải của huyện, mà huyện chỉ là chủ đầu tư và được thành phố chuyển giao quản lý, nhưng chợ không hoạt động, nên huyện cũng chưa thể quản lý theo đúng nghĩa.
Ông Lâm cũng cho biết thêm: "Huyện đã báo cáo và kiến nghị với UBND thành phố cho chuyển đổi công năng của chợ để quản lý, khai thác, sử dụng chợ sao cho hiệu quả, nhưng chưa được phê duyệt".
Công trình tiền tỉ không được sử dụng, ngày càng trở nên hoang tàn, nhếch nhác, ảnh hưởng đến mỹ quan khu du lịch Cổ Loa. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần sớm xem xét, có biện pháp giải quyết, khai thác, sử dụng chợ DLVH Cổ Loa hợp lý, hiệu quả; đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc khảo sát, lập dự án không khả thi, gây lãng phí tài sản của Nhà nước.
Theo Laodong