Đang làm công trình xây dựng tại Quảng Ngãi cho một doanh nghiệp ở Hải Phòng, vì điều kiện gia đình, anh Phạm Văn Quang (Từ Liêm, Hà Nội) phải nghỉ việc ở đây để chuyển về Hà Nội. Xin nghỉ việc từ tháng 3, chân ướt chân ráo về Hà Nội, chưa có việc làm, anh rất hy vọng sẽ có phần hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp.
Những tưởng, với mức lương cố định trước là 8 triệu đồng/tháng, thì với mức hỗ trợ thất nghiệp 60%, anh tạm thời chưa quá khó khăn về kinh tế. Nhớ trớ trêu thay, anh không thể nhận được một đồng nào, vì cơ quan anh nợ bảo hiểm dù hàng tháng anh vẫn bị trừ tiền.
Anh Quang chia se, 15 ngày sau khi nghỉ việc, tôi đã làm hồ sơ xin hỗ trợ thất nghiệp. Lần đầu, họ hẹn 15 ngày sau xuống để trả lời. Nhưng đến hẹn, tôi mới ngã ngửa người khi biết tôi không được nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Cơ quan bảo hiểm cho biết: Do công ty của tôi nợ bảo hiểm từ tháng 10/2011 nên cơ quan bảo hiểm không chi trả được bảo hiểm cho tôi. Muốn nhận bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan tôi phải thanh toán khoản tiền này.
"Đã không có tiền, tôi vẫn phải lóc cóc từ nhà mò xuống tận Hồng Bàng, Hải Phòng tới 3, 4 lần mà vẫn chưa được giải quyết", anh Quang bức xúc.
Suốt một thời gian dài cơ quan chậm lương, rồi phải nghỉ việc sau khi cơ quan tinh giảm nhân sự để sáp nhập với công ty khác, chị Trần Thị Oanh làm việc tại Công ty truyền thông trên đường Nguyễn Thị Định - Hà Nội rơi vào cảnh thất nghiệp.
Dự định "tạm bấu víu" vào bảo hiểm thất nghiệp của chị tan vỡ khi nghe cơ quan bảo hiểm trả lời, trong số 1 năm 2 tháng làm việc ít ỏi của chị thì có tới 1 năm cơ quan truyền thông của chị chưa nộp bảo hiểm xã hội.
Ngỡ ngàng, chị Oanh khóc chia sẻ: Tháng nào tôi cũng thấy cơ quan trừ tiền bảo hiểm xã hội. Khi thấy có quỹ bảo hiểm thất nghiệp, mình cứ ngỡ có chỗ để dựa tạm thời trước khi tìm việc mới. Bây giờ thì không được xét. Cơ quan bảo hiểm thì đợi cơ quan mình thanh toán tiền nợ. Cơ quan mình thì không trả nổi cả lương thì nói gì đến nợ.
Khi được hỏi về bảo hiểm thất nghiệp, nhân viên phòng BHTN tại Hà Nội cho biết, theo quy định của BHXH thì chỉ sau 3 đến 5 ngày người lao động có quyết định nghỉ việc, doanh nghiệp báo lên BHXH Hà Nội thì cơ quan này sẽ cấp ngay giấy xác nhận tham gia BHTN để người lao động kịp thời gian làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên để làm được việc này với điều kiện DN phải đóng đủ bảo hiểm.
Nhận định đây không phải là tình trạng mới, thậm chí còn có xu hướng tăng lên, ông Đỗ Quang Khánh, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM chia sẻ: Tính đến ngày 31/3/2012, riêng khối doanh nghiệp FDI đã có 1.137 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên.
Trong đó, có tới 81 doanh nghiệp FDI nợ bảo hiểm xã hội trên 12 tháng, với số tiền nợ gần 20 tỷ đồng. Những lao động không may mất việc, xin nghỉ việc trong thời gian doanh nghiệp nợ bảo hiểm sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, Nhà nước hiện có chế tài quy định trong Nghị định 86/2010/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, nhưng mức xử phạt còn thấp.
Theo đó, nếu doanh nghiệp chậm hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thì ngoài việc phải truy đóng đầy đủ, doanh nghiệp còn phải chịu lãi phạt chậm đóng và có thể bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng bảo hiểm xã hội.
Theo đó, mức lãi chậm đóng bằng mức tăng trưởng của quỹ bảo hiểm xã hội khi đưa vào đầu tư. Mà mức tăng này Chính phủ quy định bảo hiểm xã hội cho Ngân sách Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước vay, với lãi suất thấp (khoảng10%/năm), trong khi lãi suất bên ngoài gần 20%/năm, do đó, doanh nghiệp "thích nợ" bảo hiểm xã hội hơn là đóng đúng hạn.
Hơn nữa, nếu doanh nghiệp chậm đóng, thì theo xử phạt vi phạm hành chính tối đa chỉ 30 triệu đồng. Vì vậy, có tình trạng doanh nghiệp xin được nộp phạt để tiếp tục... nợ bảo hiểm xã hội.
Theo VEF