Cử tri cả nước lo lắng về ‘sức khỏe’ của nền kinh tế
Thứ hai, 21/05/2012, 16:32
Tổng hợp của Mặt trận Tổ quốc trước kỳ họp Quốc hội cho thấy người dân đang bày tỏ sự lo ngại về hàng loạt vấn đề, đặc biệt là tình hình kinh tế như lạm phát, giá cả, tình trạng sản xuất đình đốn, người lao động mất việc làm.
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 13, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của hơn 1.200 cử tri và người dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc sáng 21/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm cho biết, người dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa bền vững của nền kinh tế; lạm phát, giá cả vẫn ở mức cao; sản xuất, đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa tốt; cải cách thủ tục hành chính còn chậm, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi.
Theo phản ánh của cử tri, tình hình sản xuất hiện nay gặp nhiều khó khăn, thách thức như: tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm đạt thấp, sức mua giảm sút, hàng hoá tồn kho lớn, hàng ngàn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất. Đi liền với tình trạng sản xuất đình đốn là người lao động mất việc làm tăng, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn do lãi suất cho vay giảm chậm, thủ tục, điều kiện vay vốn phức tạp. Nhiều cử tri cho rằng, tình hình hiện nay, cả người gửi tiết kiệm và người đi vay đều phải chịu thiệt, còn được lợi là các ngân hàng…
"Sức khỏe" của nền kinh tế là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân cả nước.
Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm có giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước được đầu tư lớn về vốn, đất đai và nhiều ưu đãi khác nhưng kết quả hoạt động không tương xứng; nhiều tập đoàn đầu tư ngoài ngành hiệu quả thấp, lâm vào tình trạng khó khăn, khó thu hồi vốn, thậm chí có tập đoàn làm ăn thua lỗ.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu về vốn, về các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước, về đầu tư công… nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, trả được vốn vay trong và ngoài nước.