Vinalines: Chi gần 23 nghìn tỷ đồng để "già hóa" đội tàu

Thứ hai, 21/05/2012, 13:48
Không chỉ mua ụ nổi cũ nát gây lãng phí vốn đầu tư, Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) còn bỏ ra 22.853 tỷ đồng để mua 73 tàu, phần lớn là tàu của nước ngoài, đã qua sử dụng. Có nhiều tàu quá cũ, không đủ điều kiện đăng kiểm ở Việt Nam.
Tàu Hoa Sen sau vụ bị bắt giữ đã bị đối tác hủy hợp đồng thuê. 


Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), hầu hết dự án mua tàu được lập sơ sài, nội dung và thực tế thực hiện không thống nhất.
 
Dự án nào cũng nêu hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hồi vốn nhanh nhưng thực tế chỉ có 5/27 tàu đóng mới; có 34/73 tàu mua về đưa vào khai thác trong giai đoạn 2005-2010 lỗ, thậm chí có tàu lỗ nặng phải bán tháo.
 
Mặc dù các tàu có quy mô, tính năng kỹ thuật, giá mua và khi đưa vào khai thác có ảnh hưởng khác nhau đối với kinh tế vận tải biển (tàu Inlaco Sping có giá mua thấp nhất là 16,6 tỷ đồng, tàu Nosco Glory có giá mua cao nhất là 1.210,538 tỷ đồng) nhưng quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án không có sự phân biệt.
 
Đáng chú ý hơn, có 17/73 tàu trên 15 tuổi không đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam, thậm chí tàu Lively Falcon 30 tuổi vẫn mua, được Bộ GTVT cho phép đăng ký và treo cờ nước ngoài. Điển hình, các tàu do Cty Cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam mua có tuổi đời bình quân là 26 năm.
 
TTCP cho rằng, việc mua tàu có nhiều năm tuổi chưa phù hợp với chủ trương trẻ hóa đội tàu của Chính phủ, việc tàu phải đăng ký và treo cờ nước ngoài làm xấu đi hình ảnh đội tàu quốc gia, giảm sức cạnh tranh.
 
Tàu Vinalines liên tiếp bị bắt giữ
 
Theo TTCP, việc Vinalines chủ yếu sử dụng tàu để cho thuê định hạn làm lệch hướng phát triển vận tải biển, chưa bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để phát triển thị trường vận tải biển.
 
Mặt khác, tổ chức vận chuyển phân tán, manh mún, thiếu kinh nghiệm trong điều hành là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tàu của Vinalines bị phạt, bị giữ nhiều.
 
Đặc biệt, thời gian qua xảy ra 5 vụ tranh chấp lớn dẫn đến tàu của Vinalines bị nước ngoài bắt giữ phải ngừng hoạt động, người thuê tàu hủy hợp đồng, phát sinh chi phí nộp phạt, giảm hiệu quả kinh doanh.
 
Điển hình, tàu Vinalines Global bị bắt giữ tại Trung Quốc 28 ngày, gây thiệt hại hơn 1 triệu USD bao gồm tiền phạt và các chi phí giải quyết vụ kiện.
 
Hay như việc Vinashinlines không kịp thời nộp bảo lãnh 4,15 triệu USD trong tranh chấp tiền thuê tàu, dẫn đến việc bị nước ngoài bắt giữ liên tiếp 4 tàu. Đến khi giải quyết xong vụ kiện, tàu Hoa Sen bị đối tác hủy hợp đồng thuê.
 
Qua thanh tra cho thấy, kết quả kinh doanh của cả đội tàu Vinalines trong giai đoạn 2005-2010 thấp, nếu hạch toán đầy đủ chi phí, kết quả khai thác tàu trong giai đoạn này của Cty mẹ lỗ 935 tỷ đồng, 7 Cty thành viên lãi 847 tỷ đồng.

"Ngày 11-8-2008, theo chỉ đạo của Tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc, Chi nhánh Vinalines TPHCM đã cho Cty Cổ phần Vận tải dầu khí (Falcon) vay 1 triệu USD để trả ngân hàng về khoản vay mua tàu Diamond Falcon.
 
14 tháng sau, Falcon đã trả hết tiền gốc vay, nhưng không phải trả lãi vay. Việc Vinalines cho Falcon vay mà không tính lãi là không đúng với quy chế quản lý tài chính"- Trích kết luận của Thanh tra Chính phủ.
 
Ngày 18-5-2012, ông Mai Văn Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, Vụ phó Vụ Vận tải - Bộ GTVT, bị cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt giam về hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn