Bloomberg: Kinh tế VN tăng trưởng chậm nhất kể từ 1999
Thứ hai, 21/05/2012, 16:16
"Kinh tế Việt Nam đang chậm lại rõ rệt", Art Woo, GĐ hãng xếp hạng tín dụng Fitch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết hôm 14/5. Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng chậm nhất kể từ năm1999, hãng tin Bloomberg nhận định.
Bà Nguyễn Thị Hà thở dài nhìn vào đống đựng gạch men đủ loại đang bám đầy bụi và mạng nhện trong nhà máy của bà ngay ven sông Hồng.
"Chúng tôi đang vật lộn để duy trì doanh nghiệp", bà Hà cho biết đã cho 60 công nhân nghỉ việc trong năm nay do một resort ven biển Đà Nẵng tạm hủy đơn hàng. "Nếu tình hình không được cả thiện, sẽ rất khó để chúng tôi tồn tại qua năm nay."
Nhà máy của bà Hà là một trong số vài ngàn doanh nghiệp Việt Nam phải cắt giảm sản lượng hoặc thậm chí đóng cửa trong năm nay sau khi các nhà lập sách đưa ra chính sách kiềm chế việc thả nổi cho vay và hạn chế nợ xấu. Khi nhu cầu từ Trung Quốc và Châu Âu chậm lại, tình trạng phá sản của các doanh nghiệp bùng nổ từ năm 2002-2007 đang làm chậm lại tăng trưởng kinh tế và có thể ảnh hưởng đến cuộc chạy đua chứng khoán đã đưa Việt Nam thành TTCK hoạt động tốt thứ 3 thế giới trong năm nay.
Nhiều doanh nghiệp Việt đang trong tình trạng "thoi thóp"
"Chẳng có cách nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay khi có quá nhiều công ty đang trong tình trạng nguy kịch", chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết. "Nhiều doanh nghiệp đang thoi thóp".
Với khoảng 18.000 doanh nghiệp đã dừng hoạt động trong 4 tháng và chính phủ đang ra tay ngăn chặn sự sụp đổ của một số ngân hàng, Việt nam đang cố gắng tìm ra con đường tăng trưởng bền vững sau nhiều năm dễ dàng cho vay đối với các nhà sản xuất hàng hóa giá rẻ và gây ra lạm phát cao nhất châu Á.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bốn tháng đầu năm 2012, 17.735 doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, trong đó có hơn 400 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tăng 10% so với năm ngoái. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 32%.
Theo Bloomberg, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm VP Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ có phiên thảo luận trong tuần này về đề cương tái cấu trúc kinh tế. Kế hoạch này được xây dựng sau khi S&P và Moody đã cắt giảm xếp hạng tín dụng của Việt Nam hồi tháng 12/2010 do các khoản nợ xấu và lạm phát cao ở mức 23% đã làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình đòi tăng lương ở một số nhà máy.
Chỉ số VNIndex đã giảm 9,4% tuần trước, so với mức giảm 5,2% của chỉ số MSCI AC Asia Pacific Index. Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi TTCK Việt Nam trong năm nay về mức 24% sau khi giảm 27% trong năm 2011.
Các nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy kinh tế có thể giúp nhiều công ty lớn nhất hồi phục sau sự suy giảm gần đây vì họ có tiềm lực tài chính mạnh hơn, ông Ngô Thế Triệu, GĐ Đầu tư công, Công ty Quản lỹ quỹ đầu tư Eastspring Investment cho biết.
Sáu doanh nghiệp chiếm hơn một nửa khối lượng giao dịch thị trường, trong đó có Vingroup, Vinamilk.
Cổ phiếu tại các thị trường mới nổi đã giảm một phần do lo ngại khủng hoảng nợ Hy Lạp đang trở nên tồi tệ hơn, và trong bối cảnh một cơn suy thoái sâu có thể diễn ra tại Trung Quốc. Chỉ số MSCI Emerging Margets đã giảm hơn 6% trong tuần này.
"Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động bằng tiền vay ngân hàng, với chỉ số nợ/vốn lên đến 9-10 lần, như vậy là không bền vững. Các công ty đang có thử thách tài chính sẽ sớm vấp ngã. Những công ty tồn tài được sẽ là chốn đầu tư tốt trong dài hạn".
Ông Triệu cho biết, TTCK Việt Nam có thể phục hồi 30% trong năm nay nếu NHNN tiếp tục giảm lãi suất và các NHTM giảm lãi suất cho vay về mức hợp lý, cũng như cải thiện tỉ lệ nợ xấu, nợ khó đòi.
Hôm 9/5, Thủ tướng cho biết NHNN đang tăng tốc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ DN. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết từ tháng 3/2012, cơ quan tiền tệ sẽ cắt lãi suất 100 điểm trong quý II, III và IV.
"Kinh tế Việt Nam đang chậm lại rõ rệt", Art Woo, GĐ hãng xếp hạng tín dụng Fitch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết hôm 14/5. "Suy giảm kinh tế có thể vẫn ảnh hưởng đến khối ngân hàng. Chất lượng tài sản đang xấu đi".
Năm 2007, tăng trưởng GDP đã đạt 8,5%. Chính phủ phải "ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô", ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Ủy ban Cố vấn chính sách tiền tệ và tài chính quốc gia cho biết, "Tỉ lệ lạm phát cao trong vài năm qua đã khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng mỏi mệt".