Làm sao để không có thêm những Vinashin, Vinalines?

Thứ hai, 21/05/2012, 16:46
Sau vụ Vinashin, nay lại đến lượt lãnh đạo tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines bị khởi tố vì có hành vi vi phạm quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Không ít người băn khoăn tự hỏi sau những đơn vị này liệu còn ai, còn tập đoàn hay tổng công ty nào nữa sẽ lâm vào tình trạng tương tự?
 
Kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra của một số cơ quan bảo vệ pháp luật như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra Tài chính (bộ Tài chính), ngành công an... trong một, hai năm gần đây cho thấy việc vi phạm luật pháp với nhiều mức độ khác nhau không phải là ít ở khối tập đoàn, tổng công ty nhà nuớc.

Có những vụ việc phải chuyển cơ quan điều tra truy tố, như Thanh tra Chính phủ chuyển cơ quan điều tra truy tố một vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Vinalines, hoặc chính cơ quan công an vào cuộc ngay từ đầu như vụ Vinashin; cũng có những vụ việc mới dừng lại ở xử lý kỷ luật hành chính người đứng đầu (như trường hợp ông Đào Văn Hưng, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhiều cán bộ cao cấp khác của EVN đang bị tổ chức kiểm điểm do để xảy ra những yếu kém, sai phạm trong điều hành, quản lý khiến EVN Telecom thua lỗ); hay trường hợp ông Đoàn Văn Kiển, nguyên uỷ viên Trung ương Đảng, chủ tịch tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam bị kỷ luật, cho nghỉ hưu sớm do có những sai phạm trong quản lý, v.v.


 
Vinaline thất thoát hàng nghìn tỷ đồng dưới thời ông Dương Chí Dũng.


Có một vấn đề được đặt ra từ sau các phát hiện vi phạm nói trên là những quy định của pháp luật trong việc quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước như thế nào mà hành vi vi phạm lại có thể xảy ra và xảy ra tương đối phổ biến đến như vậy. Câu hỏi này, thật ra, không phải đến bây giờ mới được đặt ra, thậm chí, người ta đã tìm cách trả lời nó từ nhiều năm trước, khi “con tàu Vinashin” chưa đổ bể.

Đầu năm 2010, một đoàn giám sát gồm nhiều chuyên gia giỏi của uỷ ban Kinh tế Quốc hội thực hiện việc giám sát trên diện rộng ở các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước và đã kết luận: có một khoảng trống rất lớn – thiếu vắng nhiều quy định, chính sách về quản lý vốn, tài sản công tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Ngay tại thời điểm đó, uỷ ban Kinh tế đã kết luận: việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền của chủ sở hữu vốn nhà nước tại các công ty mẹ – tập đoàn kinh tế nhà nước – chưa được quy định đầy đủ, chưa gắn được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các chủ thể tham gia thực hiện các quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; từ đó dẫn đến hiệu quả quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu của chủ sở hữu nhà nước đề ra; chưa có cơ quan đầu mối theo dõi, giám sát và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của doanh nghiệp ở những phần việc được phân công.

Đến cuối năm 2010, khi đó còn là nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI, nhiều kiến nghị từ uỷ ban Kinh tế, uỷ ban Tài chính – ngân sách, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế đề xuất phải nhanh chóng xây dựng những quy định chặt chẽ, đầy đủ hơn thông qua việc xây dựng các dự án luật như quản lý vốn đầu tư công, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp... để có thể ràng buộc trách nhiệm và quản lý chặt hơn hành vi của những người đại diện phần vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, những người điều hành doanh nghiệp nhà nước. Những đề xuất dự án luật được cho là vô cùng cấp thiết đó, đến giờ, khi kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá XIII khai mạc, vẫn chưa thấy đâu!

Những nguyên tắc, quy định pháp luật cụ thể trong điều hành, quản lý, sử dụng vốn nhà nước được xây dựng đầy đủ, cụ thể và chặt chẽ có thể không ngăn chặn được hoàn toàn sai phạm của người quản lý, điều hành nhưng chí ít, nó cũng là một barie buộc lãnh đạo doanh nghiệp phải cân nhắc, hãm phanh trước mọi quyết định có thể dẫn đến hậu quả xấu.

Còn nhớ cách đây hơn một năm, khi vụ Vinashin đổ bể, không ít người đã đặt vấn đề cần phải tổng kết ngay việc thí điểm thực hiện mô hình tập đoàn, tổng công ty nhà nước (trên thực tế là đã kéo dài quá lâu) để trên cơ sở đó xây dựng, hoàn thiện các quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước trong các mô hình doanh nghiệp này. Cho đến nay, ý kiến đó một lần nữa lại được đặt ra, gay gắt và cấp bách.

Cùng với việc hình thành khung pháp lý hoàn chỉnh nói trên, việc công khai, minh bạch hơn nữa thông tin liên quan đến sản xuất kinh doanh, đến công tác quản lý, điều hành tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ góp phần giúp người dân, các cơ quan dân cử giám sát hoạt động nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi sai phạm có thể làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước ở các doanh nghiệp này hiệu quả hơn.
 

Theo SGTT

Các tin cũ hơn