Giảm ngay độc quyền của các tập đoàn

Thứ ba, 22/05/2012, 08:13
Không dùng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để điều tiết kinh tế vĩ mô, tách bạch nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị - xã hội, giảm tối đa sự độc quyền, phải đánh giá lại toàn diện mô hình thí điểm xây dựng các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT).

>> Những trái khoáy của Vinalines dưới thời ông Dương Chí Dũng
>> Lựa chọn khi phát hành trái phiếu quốc tế
>> Doanh nghiệp xăng dầu "đua chiết khấu khủng" cho đại lý
>> Xăng E5 ế ẩm, ethanol bí đầu ra




Tách bạch nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị - xã hội ở các tập đoàn
là yêu cầu bức thiết hiện nay

 

Đó là những đề nghị của Ủy ban Kinh tế (UBKT) Quốc hội trong báo cáo giám sát Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế do Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu báo cáo chiều 21.5. Sau khi thảo luận, các thành viên ủy ban nhất trí đề nghị ưu tiên đầu tiên là xây dựng cơ chế quản lý minh bạch của DNNN, tạo điều kiện cho các DN phải cạnh tranh bình đẳng.

Đồng thời, sử dụng vốn và tài sản có hiệu quả, giảm dần và loại trừ các chi phí ngoài kinh doanh, công bố minh bạch thông tin định kỳ rộng rãi trước công chúng. DNNN có nhiệm vụ đi trước, mở đường ở những ngành, lĩnh vực mà các DN thuộc thành phần khác không đủ năng lực, những ngành đòi hỏi về vốn và công nghệ, tạo nền tảng cơ bản cho những ngành sản xuất công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao.

Việc thoái vốn của các TĐ, TCT nhà nước ra khỏi các ngành kinh doanh không liên quan nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chính, nhất là trong lĩnh vực tài chính cần có lộ trình thực hiện một cách cẩn trọng để tránh gây đột biến lớn đối với nền kinh tế.

Ngoài ra, kiên quyết tách bạch nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận với các nhiệm vụ an sinh xã hội khác không vì mục tiêu lợi nhuận. Cần hạn chế tối đa trách nhiệm chính trị - xã hội đối với các DNNN, nhiệm vụ này do chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội thực hiện.

Cũng theo ông Giàu, Chính phủ cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện chương trình thí điểm mô hình TĐ kinh tế nhà nước để từ đó có chính sách tiếp theo cho phù hợp như: Ban hành luật Quản lý việc sử dụng vốn nhà nước vào mục đích đầu tư, kinh doanh tại các DNNN.

Cải cách hệ thống quản trị và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DN này. Đặc biệt, phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và mô hình hoạt động của TĐ kinh tế, kinh doanh lành mạnh theo nguyên tắc thị trường, trước mắt giảm tối đa tính độc quyền của TĐ, TCT, hoàn thiện mô hình công ty mẹ - công ty con.

Hoàn thiện cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên cơ sở làm rõ địa vị pháp lý, mối quan hệ với cơ quan quản lý vốn, cơ quan quản lý nhà nước.
 

Vẫn còn cân nhắc giảm giá xăng

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội trước phiên khai mạc sáng ngày 21.5, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Vương Đình Huệ cho biết, tín hiệu giảm giá xăng dầu đã rõ, tuy nhiên Bộ còn phải theo dõi diễn biến thêm vài ngày nữa, bởi giá vừa giảm cách đây 9 ngày, trong khi đó chu kỳ lưu kho xăng dầu là 30 ngày.

Lần giảm gần đây, cơ quan quản lý đã tính sát từng đồng, hầu như không còn dư địa lãi. Nếu giá thế giới tiếp tục giảm, ngoài việc cân nhắc giảm giá trong nước, Bộ sẽ cân nhắc tăng thuế nhập khẩu.

Liên quan đến gói hỗ trợ DN, mặc dù UB Tài chính - Ngân sách (TCNS) chưa đồng tình với một số giải pháp, đặc biệt việc giảm 50% thuế VAT cho các cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, suất ăn cho công nhân, ông Huệ khẳng định Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bảo vệ đề xuất của mình khi vấn đề này được đem ra bàn thảo rộng rãi tại Quốc hội.

Cũng theo ông Huệ, lạm phát tăng chậm trong 4 tháng đầu năm, nhưng vẫn ở mức cao nếu so với mặt bằng giá cả cùng kỳ năm ngoái. Với những lao động nghèo, học sinh, sinh viên, tiền thuê nhà chỉ cần giảm vài chục nghìn mỗi tháng cũng là khoản có ý nghĩa, vì vậy Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình để bổ sung các giải pháp hỗ trợ phù hợp cho DN.



Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn