Quãng thời gian đổ dốc ngắn hạn chưa đủ để nói vàng đang đổ dốc tiếp "xuống đáy". Vàng phải được coi là tài sản trú ẩn trong một danh mục đầu tư lâu dài.
Tác giả xem lại tác động của chính sách nới lỏng định lượng của FED trên những chuyển động mạnh của giá vàng từ ngày 8/8/2007 (lúc bắt đầu với QE I) cho tới nay khi giá vàng đang xuống khi có dấu hiệu QE đã ngưng lại và đang đổi chiều do chính sách tiền tệ Mỹ bắt đầu thay đổi chú trọng hơn về lạm phát. Vàng có thật sự sẽ đổ dốc?
Nhìn lại vài năm qua, vàng vẫn ở trong khuynh hướng tăng giá lâu dài. Tuy nhiên từ 3 tháng nay giá chợt tụt xuống dưới 1.700 USD/ounce rồi dưới 1.600 USD và phá luôn mức chống đỡ 1.540 USD ngày 16/5/2012 làm giới đầu tư, nhất là giới đầu cơ, lo ngại. Đâu là những lý giải cho các diễn biến giá cả phức tạp của món hàng hóa "siêu" này?
Từ 2004 đến tháng 7/2007, giá vàng tiếp tục đi lên mạnh do phản ánh lạm phát, nhất là do giá dầu quốc tế đi lên từ mức 20 USD/thùng tới trên 140 USD/thùng.
Nhưng từ tháng 8/2007 và đến tháng 8/2011 2011, giá vàng lại tiếp tục "đột phá" các kỷ lục mới lên tới trên 1.900 USD/ounce, do quyết định nới lỏng định lượng (QE--quantitative easing) của Fed và nhất là vai trò "tài sản trú ẩn" do vàng mới tìm thấy, mặc dù lạm phát nói chung trên thế giới có chiều hướng sút giảm mạnh do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008.
Diễn tiến của chính sách QE của Fed được tóm tắt trong các hình sau đây:
Hình 1: Do QE, Fed MUA VÀO trái phiếu của chính phủ Mỹ (Treasury bonds), và tài sản có (assets) của Fed tăng vọt trên 3 lần từ trên 860 tỷ USD vào tháng 8/2007 lên trên 2.800 tỷ USD vào tháng 8/2011; giá vàng lên đỉnh (record) cao trên 1.900 USD vào tháng 8/2011;
Hình 2: Từ tháng 8/2011 đến nay, tài sản có của Fed không thay đổi nhiều loanh quanh mức 2.800 tỷ USD, và giá vàng tụt xuống từ trên 1.900 USD/ounce xuống 1.600-1.800 USD vào tháng 2/2012;
Hình 3: Đặc biệt từ ba tháng nay, 2/12 đến 16/5/12, tài sản có của Fed có dấu hiệu đi xuống lần đầu tiên từ 5 năm nay, các quan sát viên quốc tế coi đây là dấu hiệu đổi chiều chính sách của Fed, bắt đầu BÁN RA trái phiếu, và chú trọng hơn việc kiềm chế lạm phát lâu dài.
Đặc biệt khi vàng "đổ dốc" xuống dưới mức 1.540 USD hôm 16/5/2012 khiến giới quan sát cho là vàng có thể còn xuống nữa về mức 1.400 USD. Tuy nhiên, lời tuyên bố của "ông trùm" đầu cơ quốc tế Soros hôm 17/5 là "chưa nên loại vàng ra khỏi danh mục đầu tư" đã giúp vàng vọt tăng lại 60 USD lên mức gần 1.600 USD vào cuối tuần 20/5. Và rõ ràng là vàng chưa phải đang đổ dốc tiếp "xuống đáy". Vàng phải được coi là tài sản trú ẩn trong một danh mục đầu tư lâu dài (5%-10% tài sản).