Bóng ma thiếu vốn đe dọa các ngân hàng châu Âu

Thứ ba, 22/05/2012, 15:16
Ám ảnh về các vấn đề vốn một lần nữa lại đang bám lấy các ngân hàng châu Âu, ngay cả khi Ngân hàng Trung ương châu ÂU đã bơm ra hơn 1 nghìn tỷ EUR (1,3 tỷ USD) khoản vay chi phí thấp kỳ hạn 3 năm cho hàng trăm ngân hàng.

>> Hạ tín nhiệm: Cơn ác mộng của các ngân hàng châu Âu
>> 800 ngân hàng châu Âu vay tiền kỷ lục từ ECB
>> Các ngân hàng châu Âu trông chờ vào nguồn tiền châu Á

 


 

Hệ thống tài chính của châu Âu vẫn hết sức dễ bị tổn thương trước triển vọng tâm lý lo sợ của các khách hàng có thể kéo theo động thái rút tiền ồ ạt từ các tài khoản tiền gửi của các ngân hàng được coi là không vững chắc.

Nguy cơ này tác động mạnh tới các điểm nóng trong tuần trước khi người gửi tiền rút ra hơn 700 triệu EUR từ các ngân hàng Hy Lạp chỉ trong một ngày. Làn sóng rút tiền, nhằm đối phó với khả năng ngày càng lớn rằng Hy Lạp sẽ rút khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu, thể hiện sự leo thang trong hai năm qua của dòng vốn tiền gửi ngân hàng, dù chậm nhưng đều đặn, thoái lui khỏi hệ thống ngân hàng mất ổn định của quốc gia này.

Giờ, lo ngại giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và phân tích là việc các hệ thống ngân hàng tại các quốc gia vùng rìa châu Âu dễ phải trải qua một cuộc khủng hoảng tương tự. Nếu điều này xảy ra, các nhà hoạch định chính sách và thống đốc ngân hàng chắc chắn sẽ phải một lần nữa thúc đẩy các gói giải cứu.

Nếu Hy Lạp rời bỏ khu vực đồng tiền chung châu Âu, gần như Hy Lạp chắc chắn sẽ ngăn cấm các khách hàng chuyển tiền của mình ra khỏi đất nước. Điều này có thể làm dấy lên tâm lý e ngại đối với người gửi tiền tại các quốc gia đang gặp khó khăn như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha với suy nghĩ rằng “Nếu điều này có thể xảy ra tại Hy Lạp, nó cũng có thể xảy ra tại nước mình”, Philippe Bodereau, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tín nhiệm châu Âu tại PIMCO, cho hay.

Người gửi tiền, theo đó, có thể sẽ chủ động chuyển tiền của mình ra khỏi đất nước nhằm tránh việc tiền gửi của mình bị chuyển đổi nhanh chóng thành đồng tiền pesetas bị mất giá của Tây Ban Nha hay đồng escudos của Bồ Đào Nha.

“Đó là điều mà các thị trường đang bắt đầu lo sợ”, ông Bodereau nhận xét. “Nó sẽ đưa bạn tới một cuộc khủng hoảng thanh khoản ở một mức độ hoàn toàn khác.”

Trong tuần trước, những đồn đoán về làn sóng rút tiền của các khách hàng từ một ngân hàng lớn của Tây Ban Nha đã khiến chính phủ và các quan chức của ngành ngân hàng nước này rơi vào một tình thế không mấy dễ chịu khi phải đứng ra phủ nhận việc họ đang phải trải qua hiện tượng rút tiền ồ ạt.

Trong khi đó, các khách hàng Anh đã rút khoảng 200 triệu GBP (316,4 triệu USD) ra khỏi chi nhánh của ngân hàng Tây Ban Nha Banco Santander SA tại Anh vào hôm thứ Sáu vừa qua, theo sau quyết định hạ xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng này và trong bối cảnh những lo ngại về khả năng chịu ảnh hưởng của ngân hàng này từ những vấn đề của Tây Ban Nha. Lượng tiền được rút ra khỏi ngân hàng trong ngày thứ Sáu vừa qua tương đương với chỉ 0,2% tổng tiền gửi tại Santander UK.
 


Trong hai tháng vừa qua, hệ thống ngân hàng châu Âu dường như an toàn trước nguy cơ thanh khoản. Chương trình tín dụng khổng lồ của ECB, được thực hiện từ cuối năm ngoái nhằm ngăn ngừa các ngân hàng cạn vốn, bơm tiền cho các ngân hàng đủ để trang trải cho các khoản trái phiếu đáo hạn trong năm 2012.

Nhưng sự cộng hưởng giữa những lo ngại mới rằng Hy Lạp sẽ rời bỏ khu vực đồng tiền chung châu Âu và sự bất ổn ngày càng lớn trong hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha đã nhanh chóng dập tắt tâm lý lạc quan trước đó.

Sau ba tháng ấm lên của các thị trường, các ngân hàng châu Âu một lần nữa phần lớn bị chặn khỏi các thị trường vốn đại chúng. Nhờ vào khoản vay của ECB, các ngân hàng có thể vượt qua vấn đề này. Nhưng theo các nhà phân tích và đầu tư, các ngân hàng này không được chuẩn bị trước cho làn sóng rút tiền ồ ạt của người gửi tiết kiệm.

Tìm cách dập tắt mối nguy này, một số quan chức Liên minh châu Âu đã xem xét tới khả năng đưa ra một kế hoạch nhằm đảm bảo tiền gửi của người gửi tiết kiệm tại các ngân hàng.

Một lý do khiến giới đầu tư và phân tích phải lo ngại chính là vì phần lớn tiền gửi ngân hàng tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italy có thể bị rút ra trong một khoảng thời gian ngắn. Không có điểm dừng cho những khách hàng chuyển tiền tiết kiệm của mình từ một ngân hàng tại một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu sang một ngân hàng khác thuộc khối 27 nước châu Âu.

Tại Tây Ban Nha, nơi hệ thống ngân hàng đang gánh chịu hậu quả nặng nề của sự đổ vỡ bong bóng bất động sản, khoảng 30% tổng tiền gửi thương mại và hộ gia đình của nước này được gửi với kỳ hạn qua đêm, đồng nghĩa với việc lượng tiền gửi này có thể được rút ra bất kỳ lúc nào khách hàng muốn, theo quan điểm của Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha.

Tại Italy, khoảng 48% tiền gửi nội địa có thể được rút ra nhanh chóng, cũng như khoảng 21% tiền gửi cá nhân tại Bồ Đào Nha, theo dữ liệu từ ngân hàng trung ương của hai quốc gia này.

Nhà phân tích Stefan Nedialkov thuộc Citigroup tuần trước đã ước tính các ngân hàng tại Ireland, Bồ Đào Nha, Italy và Tây Ban Nha có thể nhanh chóng mất đi khoảng 90 tỷ EUR tới 340 tỷ EUR tiền gửi nếu Hy Lạp rời bỏ khu vực đồng tiền chung châu Âu, với lượng tiền rút ra từ Tây Ban Nha có thể ở khoảng 38 tỷ EUR tới 130 tỷ EUR.

Ước tính của ông một phần được dựa trên sự kiện rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng của Argentina trong cuộc khủng hoảng tài chính của nước này đầu những năm 2000.

Những con số kể trên tương đương với gần 10% tổng tiền gửi quốc gia, do đó một làn sóng rút tiền khỏi các ngân hàng có thể gây ra một hậu quả khủng khiếp. Một số ngân hàng sẽ lâm vào tình trạng cạn tiền và sụp đổ. Ngay cả những ngân hàng vững chắc nhất cũng sẽ phải cắt giảm các khoản cho vay và đẩy bớt tài sản nhằm bảo toàn nguồn vốn ít ỏi.

Nhưng ông Nediakov nhận định rằng làn sóng rút tiền này chưa chắc đã là một thảm họa. Ông cho rằng ECB chắc chắn sẽ đưa ra gói cứu trợ với việc khởi động một chương trình tín dụng giá rẻ mới được biết tới dưới cái tên LTRO.

Một động thái như vậy có thể gây ra những tranh cãi, dấy lên những lo ngại rằng hệ thống ngân hàng châu Âu sẽ trở nên vĩnh viễn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của ngân hàng trung ương và không có khả năng tự đứng vững. Nhưng nếu thay vào đó là tình trạng khủng hoảng tài chính, “Tôi nghĩ hầu hết mọi người sẽ lựa chọn gói LTRO”, ông Nedialkov cho hay.

Bên cạnh những tín hiệu trên, khó có thể nói chính xác điều gì đang thực sự diễn ra đối với các khoản tiền gửi. Báo cáo dữ liệu của các ngân hàng trung ương châu Âu chỉ được đưa ra sau nhiều tuần thực tế đã diễn ra. Tại Hy Lạp, quy mô của làn sóng rút tiền trong tuần trước sẽ không rõ ràng cho tới tận khi ngân hàng trung ương nước này hé lộ dữ liệu tháng vào cuối tháng 6.

Tại Tây Ban Nha, các ngân hàng đang nỗ lực xoa dịu những khách hàng và tránh khỏi kịch bản như của Hy Lạp.



Theo Stox

Các tin cũ hơn