Đồng lương “còm” của công nhân lại bị hao hụt thêm vì đủ các loại phí ATM.
Thực tế, ngoài loại phí chưa thu duy nhất kể trên, chủ thẻ ATM hiện đã bị thu hàng loạt các loại phí khác: Phí quản lý thẻ (theo tháng), phí chuyển khoản, phí vấn tin số dư tài khoản, in sao kê, giao dịch ngoại mạng…
Thêm một loại phí mới?
Từ 1/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã thu thêm “Phí quản lý thẻ”, đối với các loại thẻ ghi nợ do Vietcombank phát hành. Cụ thể, từ 1/4, chủ thẻ ATM loại thẻ Connect 24 phải chịu mức phí 3.300 đồng/tháng, mức phí với thẻ Connect 24 Visa là 5.000 đồng/tháng.
Ngoài hai loại phí kể trên, chủ thẻ Connect 24 còn phải chịu ít nhất 2 loại phí thường xuyên khác là phí chuyển khoản tại ATM của Vietcombank và tại ATM của ngân hàng khác với mức thu 3.300 đồng/giao dịch.
Nếu thực hiện chuyển khoản tại ATM của ngân hàng khác, thực tế khách hàng có thể phải chịu thêm khoản phí do ngân hàng đó thu vì thông báo của Vietcombank ghi rõ, các khoản phí trên “không bao gồm phí do ngân hàng khác thu, nếu có”.
Thực tế, phí giao dịch ngoại mạng và phí chuyển khoản đã được hầu hết các ngân hàng áp dụng từ lâu. Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank), một đơn vị đứng hàng đầu trong việc phát hành thẻ ATM cũng đã thu phí chuyển khoản từ 15/9/2010 theo Quyết định số 1125 của chính ngân hàng này.
Cụ thể khách hàng thực hiện chuyển khoản tại thiết bị của Agribank sẽ chịu phí “0,05%/số tiền giao dịch; tối thiểu là 3.300 đồng”. Ngoài ra, Agribank cũng thực hiện thu phí vấn tin số dư tài khoản (có in hóa đơn giấy) và in sao kê với mức 550 đồng/giao dịch từ 15/9/2010.
Ngoài các loại phí, khách hàng phải chi thường xuyên khi sử dụng dịch vụ thẻ như phí quản lý, phí rút tiền ngoại mạng, chuyển khoản, vấn tin… người sử dụng thẻ còn phải mất các khoản phí được xem như “đương nhiên”.
Cụ thể, mức chung phổ biến hiện nay của các ngân hàng là: 50.000 đồng/1 thẻ phát hành thường; 100.000 đồng/1 thẻ phát hành nhanh; Thông báo thẻ bị mất/đánh cắp 10.000 đồng/lần; Thay đổi mã Pin do lỗi của chủ thẻ 10.000 đồng/lần…
Theo công bố của Vietcombank thì riêng loại thẻ ghi nợ nội địa Connect 24, Vietcombank hiện có hơn 5 triệu thẻ. Như vậy, ước chừng một tháng riêng với loại phí quản lý thẻ cho thẻ Connect 24, ngân hàng này đã có thể thu về gần 17 tỷ đồng.
Nếu các ngân hàng khác đồng loạt theo Vietcombank thu loại phí này, thì với khoảng hơn 40 triệu thẻ (thống kê của Hiệp hội thẻ tính đến cuối năm 2011), riêng số tiền phí quản lý thẻ hệ thống ngân hàng cũng thu về hơn trăm tỷ đồng mỗi tháng, cả nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Chỉ ngăn được một loại phí
Cách nói chung chung “thu phí ATM” dường như đã đánh lừa được nhiều người, khi thực tế cho đến nay, sau rất nhiều lần cụm từ này được đưa ra thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chỉ ngăn được duy nhất một loại phí đó là “phí giao dịch rút tiền mặt tại ATM”. Các ngân hàng đã tỏ ra nghiêm chỉnh chấp hành yêu cầu này của NHNN, trong khi họ đã dần dần từng bước thu hết loại phí này đến loại phí khác.
Việc thu phí giao dịch rút tiền mặt tại ATM đã nổi lên từ năm 2007 và đặc biệt là năm 2008, khi Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam “năm lần bảy lượt” đề nghị thu khoản phí này. Dư luận chỉ tạm lắng xuống khi ngày 27/11/2008, NHNN phát đi thông báo ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, chưa chấp thuận với đề xuất thu phí ATM từ ngày 1/12 của Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam.
Cũng tại thông báo này, NHNN cho biết sẽ có hướng dẫn cụ thể việc thu phí và các ngân hàng thương mại phải xây dựng lộ trình tiến hành việc thu phí. Đến nay, lộ trình cụ thể thì chưa thấy NHNN công bố, nhưng các loại phí thì vẫn được các ngân hàng thực hiện thu theo công bố của riêng mình. Ngày 21/1/2009, Vietcombank cho biết bắt đầu thu phí từ ngày 9/1 với 4 loại giao dịch ngoài hệ thống.
Trong đó, phí rút tiền mặt cao nhất, 3.300 đồng cho mỗi lần giao dịch. Ba loại giao dịch còn lại là truy vấn số dư, in sao kê và chuyển khoản cùng chịu mức 1.650 đồng/lần. Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng áp dụng mức thu phí tương tự. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thu phí phải giải trình.
Đến nay kết quả xử lý vẫn chưa được NHNN công bố, chỉ biết, các loại phí giao dịch ngoại mạng được áp dụng như một thực tế hiển nhiên không phải bàn cãi, ngoài ra, còn thêm hàng loạt các loại phí mới phát sinh: Phí chuyển khoản và mới nhất là “quản lý thẻ”...
Trong bản tin ngày 7/5, công bố về việc chưa thu phí giao dịch rút tiền mặt ATM nội mạng trong năm 2012 của NHNN cũng có kèm theo thông điệp, việc thu phí này sẽ được tiến hành theo lộ trình cụ thể, do NHNN đưa ra trên cơ sở tính toán đầy đủ của các Vụ chức năng, về các chi phí liên quan đến đầu tư kinh doanh ATM của các ngân hàng thương mại hiện nay.
Không biết trong khi chờ các đơn vị chức năng của NHNN tính toán lộ trình thu phí “giao dịch rút tiền mặt nội mạng”, các ngân hàng có còn “phát sinh” thêm loại phí nào nữa với các loại thẻ ATM hay không.