Tăng giảm giá xăng nên tính theo tuần

Thứ hai, 14/05/2012, 10:22
Theo PGS- TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả, Bộ Tài chính, việc áp dụng Nghị định 84 trong kinh doanh xăng dầu hiện nay có rất nhiều điểm bất cập cần sửa ngay.

>>Hiệp hội vận tải: Giá xăng dầu giảm quá thấp
>>“Doanh nghiệp xăng dầu đang được độc quyền kép”
>>Tăng giá xăng dầu: Người lao động khốn đốn

PGS- TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả.
Điều hành méo mó

Ông đánh giá việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 thời gian qua thế nào?

Thực tế cho thấy, điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua, làm sai với quy định. Quy định là 30 ngày mới điều chỉnh nhưng mới 18 ngày giá biến động đã cho điều chỉnh.

Nghị định 84 cũng quy định giá theo thị trường sẽ do doanh nghiệp tự quyết định. Quy định như vậy là sai về bản chất, vì thị trường còn độc quyền mà để doanh nghiệp tự định giá là không đúng.

Cũng như thị trường viễn thông trước đây, khi chỉ có một mình VNPT thì giá do họ tự quyết định. Khi có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh thì ngay lập tức giá do thị trường quyết định. Doanh nghiệp đua giảm giá, khuyến mãi để kích cầu. Đây là vấn đề cần xem xét.

Cái sai nữa là, Nghị định 84 đã quy định khi thị trường có biến động, doanh nghiệp sẽ được phép điều chỉnh ở một mức độ nhất định.

Nhưng thực tế, mỗi lần giá thế giới tăng thì doanh nghiệp cũng không được điều chỉnh mà phải do cơ quan quản lý quyết định. Không thể có một cơ chế nửa vời trong quản lý giá thị trường. Một là doanh nghiệp định giá, hai là nhà nước định giá.

Việc quản lý, thực thi chính sách méo mó như vậy, phải chăng để dễ dàng lợi ích nhóm chi phối, nhằm trục lợi, thưa ông?

Doanh nghiệp thì bao giờ cũng kêu lỗ. Như trước đây chưa kiểm toán thì kêu lỗ nhưng khi kiểm toán xong thì lại lòi ra vấn đề không phải như vậy.

Nên cơ quan chức năng cần phải có năng lực và công tâm. Ở các nước họ rất nghiêm ngặt trong kiểm soát để tránh tình trạng vận động để được tăng giá bán.

Cơ quan quản lý và doanh nghiệp luôn nói giá xăng dầu minh bạch nhưng cần lưu ý các số liệu về mức thuế, phí, hao hụt định mức, hoa hồng, lợi nhuận định mức là những số cố định.

Tuy nhiên, các thông tin do doanh nghiệp, cơ quan quản lý đưa ra có minh bạch, chính xác hay không lại là một vấn đề.

Còn về cơ cấu giá thì rất rõ ràng rồi. Minh bạch ở đây là độ trong sáng, tính chính xác của thông tin. Đưa thông tin ra cũng là minh bạch nhưng vấn đề có chính xác hay không lại là chuyện khác.

Vậy tới đây, theo ông cần sửa Nghị định 84 ra sao?
 
Trước tiên phải xác định thị trường xăng dầu hiện nay có phải thị trường độc quyền hay không. Đây là điều cực kỳ quan trọng do theo nguyên tắc về quản lý giá, tùy theo tính chất thị trường sẽ có hình thức quản lý giá phù hợp.

Nếu là thị trường độc quyền thì nhà nước định giá và không trái với quy luật. Ngay trong dự thảo Luật Giá sắp được ban hành, các sản phẩm độc quyền sẽ do Nhà nước định giá. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch.

Nếu là thị trường cạnh tranh thực sự thì giá cả sẽ do thị trường quyết định, Nhà nước chỉ giám sát xem việc thực thi thế nào.

Phải xem lại cơ cấu giá xăng dầu và quyết định Nhà nước hay doanh nghiệp được tự định giá. Cùng với đó phải xem lại cơ cấu giá cơ sở đã hợp lý chưa.

Theo quy định của Nghị định 84, việc thực hiện trong thời gian qua là không đúng quy định.

Thứ nhất, thị trường xăng dầu hiện nay chưa phải là thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Nó thể hiện ở chỗ có vài doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối chiếm thị phần rất lớn.

Cộng lại Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro là chiếm hơn 80% thị phần, trong đó riêng Petrolimex hiện chiếm hơn 60%. Chiếu theo Luật Cạnh tranh thì Petrolimex đang đơn vị thống lĩnh thị trường.

Ở các nước, để đánh giá vị thế độc quyền của một doanh nghiệp người ta dựa trên tỉ trọng chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp.

Về nguyên tắc, 3 doanh nghiệp chiếm thị phần hơn 70% đã là độc quyền. Luật Cạnh tranh cũng quy định doanh nghiệp chiếm trên 30% thị phần cũng đã là độc quyền.

Như vậy, khi đã xác định thị trường xăng dầu là thị trường độc quyền thì phải có cơ chế quản lý giá phù hợp, trong đó phải xem lại cơ cấu giá cần bao gồm các khoản gì.

Ngay cả với việc hình thành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng cần xem lại. Xác định lại việc lập quỹ thì ai đứng ra thu, thu khi nào.

Cơ quan quản lý giá luôn vin lý do phải tính giá xăng dầu theo mức dự trữ bình quân 30 ngày. Vậy ở các nước họ tính giá xăng dầu dự trữ trong cơ cấu hình thành giá như thế nào và với Việt Nam thế nào là phù hợp?

Vừa rồi tôi có đi Mỹ, tôi hỏi họ điều hành giá xăng dầu thế nào. Họ tính dự trữ xăng dầu đảm bảo ít nhất 2 tháng nhưng không lấy đó làm mốc thời gian để tính giá xăng dầu.

Tính như vậy thì chết. Giá thế giới biến động phức tạp, nên việc điều hành của họ rất linh hoạt.

Thực tế, nếu yêu cầu doanh nghiệp tính dự trữ bình quân dài quá sẽ dẫn tới ứ đọng vốn còn dự trữ ngắn quá cũng nguy hiểm.

Về nguyên tắc, dự trữ lưu thông càng dài càng tốt nhưng theo quan điểm của tôi, việc điều hành tính giá xăng dầu bình quân nên rút từ 30 ngày như hiện nay xuống còn 7 ngày là vừa, không nên để dài hơn thời gian trên.

Việc điều hành cũng cần xác định giá bình quân tính theo giá thời kỳ hay thời điểm. Thời điểm có thể là một ngày, còn giá thời kỳ có thể tính theo một tháng, một năm.

Vì thế nên căn cứ mức biến động của giá bình quân thế giới trong một tuần để tính thay đổi giá bán trong nước. Phải đi theo giá thị trường chứ không phải để 30 ngày như cách tính hiện nay.

Trong tình hình biến động như hiện nay, việc yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải giữ giá để bình ổn thị trường cũng là khong phù hợp.

Mở cửa cho doanh nghiệp ngoại

Doanh nghiệp cũng hay kêu, chi phí định mức 600 đồng/lít xăng dầu hiện nay là không còn phù hợp. Theo ông, nên tính định mức chi phí thế nào?

Việc quy định chi phí định mức cố định như hiện nay là không còn phù hợp, cần thay đổi. Vì chi phí bình quân của mỗi doanh nghiệp là khác nhau.

Nếu ông phải chở hàng đi toàn quốc, phải đưa đi các vùng sâu vùng xa chi phí sẽ cao hơn doanh nghiệp chỉ chở hàng đi theo đoạn ngắn hay chỉ chở hàng ở đồng bằng.

Vì vậy, trước tiên phải điều chỉnh mức hao hụt khi vận chuyển của mỗi doanh nghiệp như thế nào.

Thứ hai, nên áp dụng chi phí định mức theo tỷ lệ lợi nhuận nhất định. Có thể quy định mức tính theo mức vốn doanh nghiệp bỏ ra cộng thêm mức lãi bình quân của xã hội. Theo tôi, tính theo mức lãi từ 5 – 10% là phù hợp.

Việc tính chi phí định mức của mỗi doanh nghiệp cũng không nên để doanh nghiệp tự tính toán, rồi trình cơ quan quản lý thông qua, mà phải để cơ quan độc lập xác định và công bố chi phí định mức của mỗi doanh nghiệp.

Ở các nước, cụ thể ở Mỹ trước đây, khi Microsoft chiếm thị phần quá lớn là cơ quan chức năng yêu cầu thực hiện việc chia tách. Vậy theo ông, có cần chia tách Petrolimex ra?

Việc chia tách thì chưa thể thực hiện được do chúng ta có chủ trương xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh. Như ở các nước, khi thấy một tập đoàn nào lớn quá là họ thực hiện việc tách để tránh độc quyền.

Với Việt Nam hiện nay, trước tiên có thể thực hiện từng bước, từ cổ phần hóa rồi mới đến chia tách. Cùng với đó, cần phá thế độc quyền của doanh nghiệp bằng cách tạo sân chơi cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường.

Bộ Tài chính từng đề cập phải đưa Quỹ bình ổn giá về bộ này đề quản lý. Theo ông có cần thiết làm việc này?

Để quỹ ở đâu cũng được. Điều quan trọng là phải đưa tiền về một quỹ tập trung (không để rải rác ở các DN như hiện nay) và làm sinh lời số tiền này. Nguồn tiền dự trữ có sinh lời này sẽ giúp việc giải quyết rủi ro tốt hơn.

Cảm ơn ông!
 
Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn