Trao đổi với PV bên lề Quốc hội (QH) chiều 22- 5, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, vụ việc tại Vinalines là giọt nước tràn ly, đặt ra đòi hỏi bức thiết phải có ngay giải pháp chặt chẽ hơn trong việc giám sát tài sản nhà nước mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang quản lý.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân:Giám sát chặt tài sản nhà nhà nước trong các tập đoàn...
Trong những năm qua, chúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ, tài chính. Dẫn tới đầu tư dàn trải, trong khi khả năng kiểm soát của nhà nước không theo kịp.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng vậy, đầu tư lớn nhưng khả năng quản lý nhà nước còn yếu, thể chế không rõ ràng. Nếu các cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, cố ý làm trái sẽ dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng.
Vừa qua, chúng ta nói đến đầu tư công thường chỉ chú ý đến đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ mà để lỏng giám sát đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Thực tế, đầu tư của DNNN rất lớn, trong 5 năm (2006- 2010) tổng vốn đầu tư của DNNN lên tới hơn 310 nghìn tỷ đồng.
Tôi biết Bộ Tài chính đang đẩy nhanh quá trình ban hành các văn bản cụ thể hơn trong việc quản lý tài chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Vụ việc tại Vinalines là giọt nước tràn ly, đặt ra đòi hỏi bức thiết Chính phủ phải có ngay giải pháp chặt chẽ hơn trong việc giám sát tài sản nhà nước mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang quản lý.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thời gian qua ít bị kiểm toán. Có đơn vị báo cáo lãi nhưng kết quả thanh tra là lỗ. DNNN chưa được giám sát như một công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán.
Yêu cầu hiện nay là phải công khai minh bạch báo cáo tài chính. Có như vậy mới tạo điều kiện cho công tác giám sát. Tới đây, cần quy định rõ hơn yêu cầu công bố thông tin, kiểm toán bắt buộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Gắn quyền lợi và trách nhiệm của lãnh đạo các DNNN.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm: Cơ chế quản lý có lỗ hổng
Ông Kiêm nhận định, cơ chế quản lý, giám sát DNNN còn lỏng lẻo, có lỗ hổng.
Theo ông Kiêm, việc tổng kết, đánh giá các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa bài bản, rõ. Hơn nữa, việc tiếp cận, tiếp xúc không giống nhau, đánh giá khác nhau nên các giải pháp đưa ra cũng khác nhau.
Muốn quản lý được DNNN phải nắm rõ được thực trạng. Anh không nắm được, ví như tái cơ cấu Vinashin nhưng lại đẩy một số nợ lớn sang cho Vinalines mà thực chất khi đó Vinalines cũng đang khó khăn lắm rồi.
Điều này chứng tỏ chúng ta chưa nắm rõ được thực trạng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hay như việc đề bạt ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT trả lời không nắm được việc ông Dũng có sai phạm.
Vậy tại sao lãnh đạo Bộ không nắm rõ thông tin về ông Dũng mà cứ đề bạt. Đây là biểu hiện quản lý chưa tốt.
Khâu kiểm tra, giám sát cán bộ yếu, không sát. Chỉ trông chờ vào đạo đức của cán bộ là rất rủi ro. Người nào trong sáng, liêm khiết đến đâu mà không có chế tài, không được quản lý thì cũng dễ dẫn đến sai phạm, dễ sa ngã.
Thêm vào đó, nếu phát hiện sai phạm mà không xử lý nghiêm thì kỷ cương sẽ bị giảm sút. Xuất phát từ cơ chế quản lý lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng thì sẽ có nhiều người lợi dụng. Người nhỏ thì ăn nhỏ, người to ăn to…