“Không nên thấy doanh nghiệp khó khăn quá lại bung ra”

Thứ hai, 23/07/2012, 11:17
“Chúng ta không nên làm được một chập, thấy doanh nghiệp khó khăn quá lại bung ra”, đó là phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị đối thoại ngân hàng và doanh nghiệp vừa diễn ra ngày 20/7/2012.

>> Hạ lãi suất: Doanh nghiệp - ngân hàng, chúng ta cần nhau ! 
>> “Giảm lãi đại trà thì ngân hàng chết!”
>> Đục nước, béo... ngân hàng !
>>  Nhiều doanh nghiệp 'chết' oan 

Buổi sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội đã biến thành diễn đàn đối thoại giữa Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhằm giải quyết vấn đề nóng hổi hiện nay: hạ lãi suất tiền vay, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp.

Không làm mất cơ hội của doanh nghiệp tốt

Bà Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, tính đến 15/7, hầu hết các đơn vị trong số 12 ngân hàng thương mại, 8 công ty tài chính có hội sở tại địa bàn thành phố đã đưa lãi suất tiền vay nợ cũ về 15%/năm và nợ mới từ 11- 13%/năm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm. Riêng Vietcombank, BIDV đã đưa tất cả các khoản cho vay cũ về 15%/năm. 

“Chúng tôi phấn đấu hết tháng 7/2012, sẽ hoàn tất giảm lãi suất các khoản vay cũ về 15%/năm”, bà Mai Sương nói.

Từ đầu 2012 đến nay, tín dụng chỉ tăng 0,76%, nếu tính các hình thức na ná tín dụng như đầu tư trái phiếu, ủy thác đầu tư thì cũng chỉ 1,44%.

Còn theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được báo cáo từ các tổ chức tín dụng đã và đang thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hạ lãi vay cũ và cơ cấu nợ cho doanh nghiệp. 

“Tuy nhiên, gần đây, Ngân hàng Nhà nước vẫn nghe đâu đó từ các phương tiện thông tin đại chúng những bức xúc quanh việc một số tổ chức tín dụng chưa hạ lãi vay nợ cũ về 15% và cơ cấu, giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước rất muốn biết đơn vị nào chưa triển khai và doanh nghiệp nào chưa được hưởng lợi chính sách này”, Thống đốc Bình nói.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, tính từ đầu năm đến nay, Hapro đã được hưởng 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay từ các ngân hàng thương mại mà đơn vị này có quan hệ. Nếu như trước đây, lãi suất tiền vay trên 25%/năm thì hiện tại, các khoản vay mới chỉ còn 11-13%/năm. Còn với các khoản vay cũ đều được đưa về 15%/năm. Riêng lãi vay tiền USD từ 4,5- 4,6%/năm.

Một trường hợp khác là ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà cũng cho biết, đến nay, hầu hết các khoản vay mà doanh nghiệp này quan hệ với ngân hàng đều đang được hưởng lãi suất 14,2%/năm nhưng đối với các khoản vay cũ thì không phải tất cả đều được hưởng 15%/năm. 

Vì thế, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là ngân hàng thương mại cổ phần phải nhanh chóng thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Riêng với Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex thì sự hưởng lợi từ ngân hàng có phần rõ nét hơn. Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc doanh nghiệp này “khoe”: hàng năm, doanh số xuất khẩu của Intimex chiếm tới 90% cơ cấu doanh thu; tốc độ tăng trưởng từ 20-50%, tương ứng 500 triệu USD. Năm 2012, doanh thu kỳ vọng lên tới 1 tỷ USD. Và thành quả này có sự góp sức rất lớn của 3 ngân hàng mà Intimex đang quan hệ kinh doanh. 

“Đừng nói là ngân hàng bóp chẹt nếu như doanh nghiệp có dòng tiền ổn định, quản trị điều hành tốt. Nhiều năm nay, chúng tôi kén chọn ngân hàng chứ không phải cầu cạnh họ và chỉ quan hệ với 3 ngân hàng. Intimex không quan hệ với ngân hàng sáng cho vay, chiều đòi lại, lãi vay lại cao ngất ngưởng. Có một ngân hàng đã đề nghị Inimex dồn hết quan hệ về với với họ nhưng đã bị khước từ vì e ngại sau này bị bắt chẹt”, ông Nam cho biết.

Sóng cả có vững tay chèo?

Một thực tế kéo dài từ 2008 đến nay, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ thường xuyên trong tình trạng giật cục. Mỗi khi lạm phát lên cao, nhà điều hành lại thắt chặt tiền tệ; đến khi doanh nghiệp kêu khó thì nới lỏng và lạm phát tái diễn.

Đơn cử, năm 2009, sau khi thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát cao, hàng loạt doanh nghiệp lâm vào phá sản, nhà nước buộc phải tung ra gói hỗ trợ lãi suất và đổi lại, cuối 2010, lạm phát bùng lên.

Đến đầu năm 2011, Chính phủ cấp tốc ban hành Nghị quyết 11 với nội dung cốt lõi là giảm tổng cầu để kiềm chế lạm phát. Theo đó, từ chỗ tăng trưởng tín dụng của năm 2010 là 37% được kéo xuống còn trên 20% vào 2011 nhưng đó là mục tiêu, còn thực tế thì chỉ trên 10%. 

Và từ đầu 2012 đến nay, tín dụng chỉ tăng 0,76%, nếu tính các hình thức na ná tín dụng như đầu tư trái phiếu, ủy thác đầu tư thì cũng chỉ 1,44%. Tất nhiên, sụt giảm tín dụng sẽ tổn thương nhiều đến doanh nghiệp, đặc biệt là số doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng.

Gần một năm qua, Ngân hàng Nhà nước cố gắng điều hành chính sách đi theo hướng tránh giật cục và cam kết thực hiện những tín hiệu hoặc thông điệp đã phát ra thị trường.

Ví dụ, từ quý 4/2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đưa ra một số thông điệp và đều được hiện thực hóa như: giảm lãi suất tiền vay về mốc 17%/năm vào cuối năm 2011 và 15%/năm trong 2012; tỷ giá năm 2012 không biến động quá 3%.

Lẽ thường, không bao giờ chính sách vĩ mô lại có thể phủ kín mọi lợi ích trong nền kinh tế. Trong buổi đối thoại nói trên, có một trường hợp được nêu ra được coi khá hi hữu từ bức “tâm thư” rất cảm động của một doanh nghiệp nhỏ gửi cho Ngân hàng Nhà nước, mô tả tình trạng khó khăn do không vay được vốn ngân hàng và mong muốn Ngân hàng Nhà nước cứu giúp.

Tuy nhiên, khi soi vào các chỉ số tài chính doanh nghiệp này thì rất khó tin vì vốn tự có chỉ 5 triệu đồng nhưng vay ngân hàng tới 3 tỷ đồng và sau một thời gian kinh doanh đã bị mất sạch. Vì thế, doanh nghiệp này đã viết “tâm thư” cho Ngân hàng Nhà nước và muốn được vay thêm 3 tỷ nữa!

Hoặc, khi tỷ giá ổn định, đồng nội tệ tăng giá, đã khiến cho nhiều nhà đầu cơ ngoại tệ không thể tạo “sóng sánh” để kiếm lời và họ không muốn điều đó xảy ra.

Thực tế này cho thấy, khi thực hiện mục tiêu cốt lõi: giảm tổng cầu, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế thì cái giá phải trả là những doanh nghiệp ốm yếu sẽ bị sàng lọc bên cạnh những doanh nghiệp có nền tảng vững chắc, vẫn trụ được qua khó khăn.

Và lúc này là thời điểm để Chính phủ và đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước có đủ sức vượt qua thực trạng doanh nghiệp phá sản để đổi lấy những mục tiêu đã đặt ra hay không.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: “Các quan điểm của văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11, Nghị quyết TW 3, cũng như các Nghị quyết 11 năm 2011 và Nghị quyết 01 năm 2012 của Chính phủ đều nhấn mạnh: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu xuyên suốt cho 5 năm 2011-2015. Điều đó sẽ giúp chính sách mang tính chất dài hạn hơn. Chúng ta không nên làm được một chập, thấy doanh nghiệp khó khăn quá lại bung ra. Việc không kiên định với mục tiêu đã xác lập thì những chu kỳ “nới lỏng – lạm phát – thắt chặt” sẽ tái diễn chưa biết đến bao giờ”.


Theo Thời Báo Ngân Hàng

Các tin cũ hơn