Người mua nhà sợ bị bẫy lãi suất

Chủ nhật, 22/07/2012, 15:28
Nhiều dự án đang tung “chiêu bài” hỗ trợ lãi suất, mới nghe qua tưởng rẻ nhưng thực tế không phải như vậy.
Việc lãi suất cho vay bất động sản (BĐS) được các ngân hàng dồn dập kéo giảm trong thời gian qua là điều ai cũng thấy, song khách hàng vẫn chưa dám mở hầu bao bởi nhiều lý do, trong đó nổi bật là vì sợ tiến độ thực hiện dự án của chủ đầu tư và sự chập chờn lãi suất của khoản vay.

Giảm giá trá hình?

Trước đây, với các chủ đầu tư dự án, nguyên nhân thị trường BĐS đóng băng là do lãi suất lên cao, ngân hàng siết tín dụng nên người dân không có tiền mua nhà. Khi các ngân hàng bắt đầu “mở lòng”, ai cũng nghĩ rằng thị trường sẽ được hâm nóng nhưng ngay sau đó, thị trường vẫn trầm lắng và khá dè dặt.

Kể từ tháng 5, song song với những gói tín dụng của các ngân hàng thương mại dưới hình thức hỗ trợ, nhiều chủ đầu tư tiếp tục hỗ trợ thêm phần lãi suất cho khách hàng 4%-5% nữa khiến lãi vay giảm về mức 7%-11%/năm. Cách làm này đã thu hút được sự chú ý của người mua nhà đang khát vốn.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng tỏ ra thận trọng. Vấn đề được nhiều người vay tiền mua nhà hiện nay quan tâm là sau thời gian hỗ trợ lãi suất thì ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất như thế nào và lấy gì chắc chắn rằng lãi suất mới không tăng?

Hiện nay, trong hầu hết các hợp đồng mua nhà đều có cam kết vay vốn, các ngân hàng chỉ để thời gian vay vốn với mức lãi suất rẻ khoảng 3 - 6 tháng hoặc 1 năm đầu tiên. Trong khi đó, thời gian trả nợ có thể kéo dài 3-10 năm.
 
Khách hàng ngần ngại mua nhà có thể vì lo dự án chậm tiến độ. Ảnh  minh họa
 
Kịch bản lãi suất năm 2011 từng là bài học xương máu cho người đi vay vì tăng vọt từ 13%-14% lên 25% - 26%/năm. Nhiều người vay tiền mua nhà khi đó như “ngồi trên lửa” bởi tiền thì vẫn phải đóng đều đặn theo đợt trong khi lãi ngân hàng tăng lên chóng mặt.

Thậm chí, cho đến nay, khi chính sách hạ lãi suất bắt đầu triển khai, các khoản vay của họ vẫn phải ôm lãi suất cao ngất ngưởng vì những điều kiện ràng buộc trước đó.

Giám đốc một sàn BĐS đánh giá: Hình thức tài trợ vốn cho các dự án là một cái cớ để gây chú ý. Mặt khác, về bản chất, đây là một chiêu giảm giá trá hình của các chủ đầu tư thông qua lãi suất, thay vì giảm giá trực tiếp trên hợp đồng một cách chính thức. Không ít dự án mới nghe qua có vẻ giá rẻ nhưng tính một cách chi li đến khi nhận bàn giao sản phẩm thì giá không hề rẻ.

Ngờ vực tiến độ dự án

Tình hình tài chính của các chủ đầu tư đang khó khăn và việc cố gắng đưa ra các phương thức như kể trên rốt cuộc cũng chỉ hướng đến một mục đích là thu tiền mặt về. Do đó, sự chần chừ của các khách hàng hiện nay là vì họ cho rằng dù được hưởng lãi suất ưu đãi nhưng tiến độ dự án thì rất đáng lo.

Không có yếu tố nào bảo đảm rằng sau khi tiền đã đóng hết theo hợp đồng thì nhà sẽ được giao. Trên thực tế, hơn 90% dự án đang chậm tiến độ, thậm chí có dự án chậm triển khai hoàn toàn sau khi huy động tiền của khách hàng.

Vì vậy, người mua cân nhắc về tiến độ dự án trước khi xuống tiền là điều dễ hiểu. Còn nhớ, hồi đầu năm 2012, nhiều người mua nhà đã lâm vào cảnh chết đứng khi tham gia khuyến mãi “khủng”.

Những chiêu khuyến mãi như mua nhà được tặng ô tô, xe Vespa hay đồ nội thất... đã thu hút nhiều người mua. Sau khi huy động tiền về, chủ đầu tư đã dùng tiền đó trả nợ, gửi ngân hàng…, còn dự án thì vẫn nằm đắp chiếu và chưa biết khi nào mới bàn giao.

Nếu nhìn vào bản đồ dự án của thị trường BĐS trên cả nước thì đâu đâu cũng thấy một bản danh sách dài các dự án treo hoặc chậm tiến độ. Chính vì thế, nhiều người mua đang hết sức thận trọng đối với các dự án đang ưu đãi lãi suất.

Theo anh Ngọc Minh, một nhà đầu tư: “Rủi ro lớn nhất mà khách mua nhà nhận ưu đãi “khủng” có thể gặp phải là dự án đang dở dang, chủ đầu tư huy động vốn rồi sau đó không triển khai tiếp. Lâm vào tình cảnh này, người mua chịu thiệt nhất bởi tiền đã đóng, nhà thì chưa thấy đâu còn muốn rút vốn ra cũng rất khó...”.
 
Giao dịch sẽ tăng trong các quý tới
 
Theo ông Trần Như Trung, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn Công ty Savills, những chính sách vừa qua là một tín hiệu tốt cho thị trường BĐS nhưng chưa có tác động rõ ràng trong quý II/2012.
 
Tuy vậy, từ nay đến cuối năm, các chính sách vĩ mô như cắt giảm lãi suất sẽ đi vào sản xuất, sức mua, các dự án... thì thị trường sẽ có chuyển biến.
 
Theo thống kê của Savills, tổng nguồn cung sơ cấp trong quý II là 13.700 căn, tăng 11% so với quý trước. Từ năm 2013 đến 2016, thị trường căn hộ TPHCM sẽ có thêm khoảng 74.000 căn.
 

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn