EVN thoái vốn ngoài ngành: Lỗ đành phải chịu

Chủ nhật, 22/07/2012, 09:55
Giữa lúc nhiều Tập đoàn kêu ca ách tắc thoái vốn thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại tuyên bố chắc nịch sẽ lãi lớn khi thoái vốn ở bất động sản, ngân hàng và bảo hiểm. EVN chỉ bị kẹt hơn 100 tỷ đồng khi chứng khoán ế ẩm, rớt giá.
Tính đến nay, EVN còn khoản vốn 1.100 tỷ đồng đầu tư ở 4 lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm. Theo yêu cầu của Thủ tướng, đến năm 2015, Tập đoàn này phải dứt điểm thoái vốn xong ở 4 ngành ngoài này.
 
Ngân hàng, bảo hiểm... có lãi
 
Tuy nhiên, đánh giá mới đây của ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho thấy, tình hình thoái vốn đang có nhiều thuận lợi.
 
Đối với ngân hàng, EVN đang tồn khoản đầu tư 757 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP An Bình (Anbinhbank), tương đương với 25% vốn điều lệ.

Theo phương án thoái vốn trình Thủ tướng, EVN dự kiến sẽ bán đi khoảng 6% vốn tại An Binh Bank, tương đương 300 tỷ đồng. Khó khăn lớn hiện nay trong thoái vốn ngân hàng nói chung là phụ thuộc vào giá cổ phiếu OTC đang rất thấp.
 
Theo khảo sát của EVN, giá cổ phiếu ngân hàng Anbinhbank mới chỉ dao động từ 7.000-7.200 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá gốc có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu trước đây. Tuy nhiên, vừa qua, EVN đã tìm được đối tác chuyển nhượng mới là Tập đoàn Geleximco và dự kiến bán ngang với mệnh giá gốc.

Như vậy, nếu so với giá OTC, EVN sẽ có lãi lớn, nhưng so với giá gốc thì coi như hòa vốn. Tuy nhiên, phần lợi nhuận trước đây tại Anbinhbank đã được chia cho các cổ tức nên kết quả chung cuộc là EVN vẫn có lãi.
 
Ông Đinh Quang Tri cho biết, dự kiến tuần tới, nếu Thủ tướng đồng ý thì EVN sẽ thoái vốn xong 300 tỷ đồng. Phần vốn còn lại ở ngân hàng này, EVN sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác khác.
 
Đến năm 2015, Tập đoàn EVN phải dứt điểm thoái vốn ngoài ngành
 
Ở lĩnh vực thứ hai là bảo hiểm là Công ty bảo hiểm Toàn Cầu - GIC , ông Tri cũng khẳng định chắc nịch, sẽ có lãi. Hiện EVN đã đầu từ 125 tỷ đồng, tương ứng mức nắm giữ 22,5% vốn điều lệ.

Thực hiện thoái vốn, EVN đã có kế hoạch chuyển nhượng cổ phiếu sang cho công ty bảo hiểm ERGO - một công ty bảo hiểm hàng đầu của Đức và cũng là đối tác chiến lược của GIC.

Theo tiết lộ của vị đại diện EVN này, mức giá lúc lên phương án thoái vốn là 40.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp 4 lần so với mệnh giá gốc 10.000 đồng/cổ phiếu mà EVN đầu tư trước đây. Vì vậy, bán được cho ERGO, EVN cũng sẽ thu được khoản lời đáng kể.
 
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là tỷ lệ sở hữu vốn của cổ đông nước ngoài đối với lĩnh vực bảo hiểm. Hiện, ERGO đã nắm giữ 20% vốn của GIC, là mức tối đa theo quy định của Bộ Tài chính.

Vì vậy, để thương vụ thành công, Bộ Tài chính sẽ phải đồng ý cho phép mở room cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào GIC nhưng hiện, Bộ này chưa có trả lời cụ thể nên kế hoạch thoái vốn tại đây của EVN đang tạm thời chưa có kết quả.
 
Lĩnh vực bất động sản vốn đang xuống dốc nhưng vẫn được ông Tri lạc quan cho hay, thoái vốn sẽ không lỗ.

Hiện nay, công ty điện lực miền Trung của EVN tham gia đầu tư ở Công ty bất động sản Sài Gòn với tổng vốn hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án tại đây còn hiện trạng là đất đai, chưa xây dựng công trình cao tầng nên khả năng lỗ sẽ ít. Theo Nghị quyết đã được thông qua, EVN sẽ bán toàn bộ diện tích đất đai, tài sản đang sở hữu để trả lại tiền cho cổ đông.
 
Đấu giá cổ phiếu nên chấp nhận lỗ
 
Lĩnh vực khó khăn duy nhất trong kế hoạch thoái vốn của EVN là công ty chứng khoán An Bình. Theo ông Tri, do thị trường OTC đang thấp nên EVN chưa tìm được đối tác để bán cổ phần tại đây.

Tuy nhiên, mức ảnh hưởng tới kế hoạch thoái vốn chung sẽ không lớn vì số vốn EVN đầu tư ở chứng khoán là nhỏ, chỉ 100 tỷ đồng. Thời gian giới hạn mà Thủ tướng cho phép là tới năm 2015 nên EVN vẫn còn 3 năm nữa để trông chờ tín hiệu thị trường.
 
Tuy nhiên, EVN cũng đã chủ động phương án. Nếu cần phải thu hồi vốn ngay, EVN đề nghị Chính phủ cần cho phép cơ chế đấu giá cổ phiếu chứng khoán này. Khi đó, thị trường cho kết quả đấu giá bao nhiêu thì bán với giá bấy nhiêu, nễu lỗ thì phải chịu.


Còn nếu đảm bảo yêu cầu bảo toàn vốn, phải bán với giá ngang hoặc cao hơn giá trên sổ sách thì bắt buộc phải chờ tín hiệu thị trường chứng khoán hồi phúc.
 
Tuy nhiên, theo ông Đinh Quang Tri cho biết, toàn bộ phần vốn lãi thu hồi được, EVN sẽ hạch toán vào doanh thu chung chứ không thể đưa vào hạch toán phần sản xuất kinh doanh điện để bù lỗ cho điện. Khi đưa vào hạch toán chung, phần lãi khi thoái vốn ngành ngoài sẽ góp phần giảm lỗ. Phần vốn thu hồi lại sẽ được dùng làm vốn đầu tư cho các dự án điện.
 
Năm 2012, với việc tăng giá điện và thoái vốn thì nhiều khả năng, EVN sẽ có lãi.
 
Từ nay tới năm 2015, theo công bố của ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, tổng số tiền thoái vốn hiện chỉ còn 1.100 tỷ đồng. Trong khi trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận tổng vốn đầu tư ngành ngoài của EVN là hơn 4.000 tỷ đồng.

Ông Tri cắt nghĩa: Kết luận của Kiểm toán là ở thời điểm năm 2010, bao gồm cả phần vốn hơn 2.000 tỷ đồng EVN đã đầu tư cho Công ty Viễn thông điện lực (EVN Telecom) và 1.100 tỷ đầu tư thành lập công ty Tài chính điện lực (EVNFinance).

Đến nay, Tập đoàn đã chuyển giao xong EVN Telecom cho Vietel. Đối với lĩnh vực bất động sản, EVN cũng đã bán xong cổ phiếu cho cổ đông ngoài trị giá 1 tỷ đồng ở công ty EVNland Nha Trang.

Riêng lĩnh vực tài chính, Thủ tướng đã cho phép EVN sẽ rút chân sau, đến năm 2015 sẽ tính toán cụ thể.
 

Theo VEF

Các tin cũ hơn