Khó khăn, nhiều làng nghề truyền thống đang sống thoi thóp. Dân làng nghề phải tìm đủ mọi cách để tồn tại do hàng hoá ế ẩm, giá đầu vào tăng mạnh và sự cạnh tranh quyết liệt.
Hạ giá sản phẩm là lựa chọn bắt buộc của một số làng nghề.
Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, Hà Đông vốn là một làng rèn nổi tiếng với nhiều sản phẩm có độ bền, sắc cứng hơn bất cứ sản phẩm nào khác trên thị trường Bắc Bộ. Tuy nhiên hiện nay, Đa Sỹ đang vấp phải sự cạnh tranh về giá cũng như sự phong phú mẫu mã của hàng cùng loại sản xuất tại Nam Định, Bắc Ninh,... đặc biệt là của Trung Quốc.
Giá nhiều mặt hàng tương tự của các đối thủ thấp hơn khoảng 40%, thậm chí thấp hơn một nửa, khiến các sản phẩm của Đa Sỹ trở nên rất kén khách. Nhiều dân buôn đã ngoảnh mặt với hàng Đa Sỹ vì khó có thể kiếm lãi, người tiêu dùng thì đua nhau mua đồ rẻ Trung Quốc.
Chính điều này đã buộc các thợ rèn trong làng quyết định hạ giá thành sản phẩm. Ví như kéo cắt vải cỡ lớn trước có giá 50.000-60.000 đồng, nay hạ xuống 45.000 đồng, dao nhỏ trước là 20.000 đồng nay hạ xuống 15.000 đồng...
Bác Nguyễn Bá Khẩn, cụm dân cư số 2, thôn Đa Sỹ, cho biết: "Muốn có tiền để quay vốn phải hạ giá để bán thôi, không thể để ế hàng cả tháng được. Mọi thứ đều tăng trừ giá sản phẩm giảm, khốn đốn lắm chứ nhưng cầm chừng vậy thôi". Bác ví dụ, trước rèn một cái kéo, trừ mọi chi phí lãi khoảng 30.000 đồng, nhưng hiện nay giảm còn 15.000 đồng.
Làm nghề không đủ sống khiến nhiều gia đình muốn bỏ nghề (ảnh ĐT)
Chia sẻ về khó khăn hiện tại của làng nghề, bác Lê Thanh Yến, chủ tịch Hội làng nghề cho rằng: "Dân làng chúng tôi chủ yếu làm thủ công nên năng suất khó có thể cạnh tranh với các đối thủ. Nhưng chúng tôi luôn tập trung vào chất lượng sản phẩm để giảm mức giảm giá thành xuống thấp nhất có thể. Hiện làng cũng đang tổ chức các lớp học cho các hội viên mới, chưa có trình độ cao để phát triển làng hơn".
Bỏ nghề ra đi
Làng Đa Sĩ có từ 60% đến 70% số hộ gia đình làm nghề rèn, với số hộ gia đình làm nghề lớn những tưởng làng nghề sẽ nhộn nhịp tiếng đe, tiếng búa. Nhưng khi bước chân tới làng sẽ thấy một âm thanh ngược lại, ngôi làng khá yên ắng.
Phải đi sâu vào trong làng mới thấy một vài hộ gia đình đang đỏ lửa lò rèn. Nhiều gia đình đã không rèn từ nhiều ngày nay.
Than và thép là hai nguyên vật liệu chính để cho ra được một sản phẩm của làng Đa Sĩ, nhưng chỉ trong hơn một năm trở lại đây, hai mặt hàng này đã tăng "phi mã", khiến người dân làng nghề gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất.
Cụ thể thép tăng 30% với giá hiện tại là 25.000 đồng/kg và than tăng 33% với mức giá từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg.
Giá đầu vào tăng là thế, nhưng người tạo ra sản phẩm không dám tăng giá bán vì lo sợ sẽ làm mất khách hàng.
Cô Mão, chủ một tiệm rèn dao đầu làng, nói rằng: "Đang trong thời buổi kinh tế khủng hoảng, mặt hàng nào cũng bán chậm. Nếu tăng giá bán sản phẩm theo giá nguyên liệu thì khách hàng sẽ không lấy sản phẩm của mình nữa. Vô lý là thế, nhưng vẫn phải chấp nhận, vì kế sinh nhai".
Hiện tại đất nông nghiệp tại làng Đa Sĩ đã bị thu hồi 2/3 cho những dự án khu đô thị, vậy nên ngoài nghề rèn, người làng nghề không có một kế mưu sinh gì khác. Trông chờ vào nghề rèn là thế nhưng sức tiêu thụ lại giảm đi đáng kể, do những khách hàng không đến thu mua, hàng hóa ế ẩm, có khi hàng tháng không có tiền do hàng bán chậm và nhiều khi là bị ế.
Anh Nguyễn Xuân Hải, một thợ rèn kéo ở làng chia sẻ: "Mấy tháng gần đây, hàng bán chậm. Trước khoảng một tuần, khách hàng đến lấy hàng một lần, nhưng hiện nay nửa tháng, có người cả tháng mới đến lấy hàng".
Hàng hóa ế ẩm nên nhiều người làng đã bỏ nghề rèn để tìm những công việc có mức thu nhập cao hơn, như nghề xây dựng, lao động tự do..v..v.
Bác Lê Thanh Yến, chủ tịch làng nghề Đa Sĩ, buồn bã: "Trước đây có khoảng 90% người dân trong làng theo nghề rèn, nhưng hiện tại chỉ có từ 60 đến 70%. Phần lớn thanh niên chọn con đường ra đi". Không những thanh niên, nhiều thợ rèn lâu năm cũng không mấy gắn bó với nghề.
Không áp dụng nhiều khoa học vào sản xuất đồng nghĩa với việc số lượng sản phẩm vẫn giữ nguyên. Với quy trình làm kéo một ngày chỉ được tối đa 20 sản phẩm, với rèn dao loại nhỏ thì được vài chục sản phẩm. Chính vì thế thu nhập từ lò rèn không nhiều.
Theo anh Hải, hiện tại, muốn đầu tư một hế thống máy móc hoàn chỉnh cho nghề rèn cần tối thiểu 200 triệu đồng. Đây là một số tiền không nhỏ so với thu nhập hàng tháng của người làng nghề. Vì thế, nhiều gia đình vẫn chọn lối làm thủ công truyền thống.