Điểm chung của những ngân hàng đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh riêng lẻ quý II là lợi nhuận giảm mạnh so với quý I, nợ xấu và tiền dành để dự phòng trích lập rủi ro tăng lên.
Đến tối muộn ngày 20/7, hầu hết các nhà băng trong số 8 ngân hàng niêm yết đều đã có báo cáo tài chính riêng lẻ hoạt động quý II của ngân hàng mẹ.
Các ông lớn như Vietcombank, Vietinbank, ACB, Eximbank, Quân đội đồng loạt thông tin, lợi nhuận không như mong muốn. Điển hình, một số nơi nợ xấu tăng cao, tiền dự phòng rủi ro cũng nhiều lên so với trước.
Vietcombank cho biết, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt trên 1.200 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, số lợi nhuận sau thuế đạt 856 tỷ đồng vào hết quý II, còn tính chung 6 tháng là hơn 2.100 tỷ đồng. Ngân hàng Công thương (Vietinbank), trong quý II cũng chỉ lãi sau thuế 565 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ 2011. Số này so với lợi nhuận sau thuế quý I là gần 1.400 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 1/3.
Nợ xấu tại Vietcombank tăng vọt lên 3,47% từ mức 2% đầu năm.
Ngược lại, Eximbank báo cáo lợi nhuận quý II là hơn 640 tỷ đồng, còn gộp 6 tháng đầu năm là hơn 1.300 tỷ. Hai chỉ tiêu này đều tăng, nếu so với cùng kỳ năm 2011.
Con số lợi nhuận tại ACB trong quý II là hơn 686 tỷ đồng, cả 6 tháng hơn 1.393 tỷ.
Về tăng trưởng cho vay, các ngân hàng có sự phân hóa rõ nét. Trong khi những nhà băng lớn báo cáo chỉ tiêu này tăng ổn định trong những tháng nửa đầu năm, thì một số nhà băng quy mô nhỏ hơn lại cho biết có khó khăn trong kích tín dụng. 6 tháng đầu năm, Vietcombank tăng trưởng cho vay đạt 2,96% so với cuối 2011, còn chỉ số này tại Vietinbank là -3,11%.
Dư nợ tín dụng của Vietinbank hết quý II đạt hơn 282.800 tỷ đồng, giảm so với mức hơn 291.000 tỷ đồng cuối 2011. Ở những nhà băng khác như Eximbank, ACB, mức này lần lượt là 0,97% và 0,86%. Ngân hàng có quy mô nhỏ nhất trong khối các ngân hàng niêm yết là Nam Việt, từ đầu năm, tỷ lệ cho vay tăng trưởng 2,4%.
Riêng tỷ lệ nợ xấu, báo cáo chung của các ngân hàng niêm yết cho thấy đều tăng so với trước.
Ở Vietcombank, số nợ xấu đã tăng từ 2% của đầu năm lên 3,47%. Nợ có khả năng mất vốn lên tới gần 3.900 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, nhà băng này cũng đã chi một số tiền không nhỏ để dự phòng rủi ro là hơn 2.000 tỷ đồng, riêng từ tháng 3 đến tháng 6 là 1.088 tỷ đồng.
Với ngân hàng mẹ có tỷ lệ tín dụng âm 3,11% là Vietinbank, đến ngày 30/6, số tiền dùng để dự phòng rủi ro các khoản nợ xấu đã lên tới gần 1.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank là 2,45% (hết quý I là 1,82%), Eximbank là 1,73% so với mức 1,61% đầu năm 2012.
Còn ACB, trước đó, Phó tổng giám đốc Nguyễn Thanh Toại cho biết về cơ bản, 6 tháng đầu năm gần đạt hết những chỉ tiêu đề ra.
Nhưng sau khi công bố báo cáo tài chính ngân hàng mẹ ACB cho thấy, nợ xấu hết 30/6 là 1,53%, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.300 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ 2011.
Cả năm 2012, ACB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là hơn 5.500 tỷ đồng (sau thuế khoảng 4.125 tỷ đồng).
Các chuyên gia cho rằng, vẫn cần chờ báo cáo hợp nhất quý II của các ngân hàng vì nếu chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh từ báo cáo riêng lẻ sẽ khó đánh giá được chính xác.
“Khi có báo cáo tài chính hợp nhất, nhà đầu tư và người dân sẽ biết được rõ ràng tình hình tài chính, kinh doanh cũng không chỉ của ngân hàng mẹ, mà còn nắm được số vốn sẽ đầu tư vào công ty con có kết quả như thế nào, lãi lỗ ra sao”, một chuyên gia ngân hàng nhận xét.
Song về cơ bản, theo đánh giá của ông này, hầu hết các ngân hàng đều gặp khó khăn lớn trong 6 tháng đầu năm 2012. “Bi kịch” lợi nhuận ảo sẽ có thể diễn ra, đúng như những gì một số lãnh đạo nhà băng và chuyên gia trước đó phân tích.