Chuyện người trồng khoai Bình Tân (Vĩnh Long) bỗng chốc thành triệu phú, tỷ phú, có người làm cán bộ nhà nước cũng bỏ chức đi “theo khoai”; chuyện người dân xứ dừa Bến Tre hà tiện không dám uống nước dừa vì giá cao chót vót đều là có thật.
Rồi ngay sau đó, như một cuốn phim tình huống bất ngờ lật ngược hoàn toàn, dừa khô, khoai lang đang thế thượng phong bị dồn vào “thế bí”. Cung cầu thị trường hay “chiến trường” kinh tế? Vì đâu?
Chú Năm Keng chỉ bán được 7 trái dừa “đủ chuẩn” trong hàng chục “dừa hột”.
Từ Vĩnh Long, vừa qua khỏi Chợ Lách- Cái Mơn với làng kiểng lâu đời, những vườn dừa đã bắt đầu hiện ra. Bên cây cầu mới Hàm Luông, dừa xanh nối tiếp dừa xanh soi bóng nước.
Câu chuyện dưới vườn dừa
Khắp ĐBSCL này, không ở đâu dừa bằng Bến Tre. Không chỉ nhiều về diện tích (52.000ha), Bến Tre còn có rất nhiều chủng loại dừa. Anh Bùi Văn Hùng- thương lái dừa thâm niên trên 20 năm kể cho chúng tôi nghe: dừa bị, dừa ta, dừa xiêm, dừa dứa, dừa lửa, dừa ẻo,… có tới vài chục loại. Có loại “chuyên dừa khô” nhờ cơm dày, gáo bự. Có loại chỉ dùng uống nước vì trái nhỏ mà nước ngọt lại thơm.
Nhưng giờ đây, dừa gì cũng… khổ như nhau. Giá cả sau khi lên tuốt mây xanh “có lúc lên tới trăm rưỡi một chục (12 trái) hồi năm ngoái, bỗng tuột luốt xuống chỉ còn sáu chục, năm chục, bốn chục, rồi giờ chỉ ở mức tối đa là 15.000 đ/chục dừa nhất, mà mỗi ngày đi mua giá mỗi sụt”- anh Hùng cho biết.
Cô Lê Thị Dung năm nay 77 tuổi, sống một mình trong căn nhà tình thương và 20 gốc dừa cám cảnh: “Trước đây, mỗi tháng cũng thu được trên dưới 1 triệu đồng, nhưng giờ chỉ được 100.000 đ/tháng. Không biết tính sao đây?”
Chị Nhiến- vợ anh Hùng vừa xiên vỏ dừa cột thành từng cặp để gánh ra xe, vừa nói: Dừa đang rớt giá, nhưng cô đây là mối quen nên cũng ráng mua dùm, chồng tôi trèo hái luôn. Chớ để bả mướn người hái thì mỗi cây đã tốn 4.000đ, còn tiền đâu mà ăn.
Vợ chồng cô Phạm Thị Chỉ ở xã Cấm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam thì gặp được chúng tôi nói “bữa nay ngủ ngon” vì được “trút hết nỗi niềm”. Cô Chỉ có 6 công dừa, nói: “Lúc trước, một trái dừa cũng không dám uống vì sợ… tốn tiền, để dành bán. Còn bây giờ, lớp để rụng xuống mương, lớp cho heo ăn “mặc sức mập”.
Cô nói “chuyện vui” của xóm cô là có doanh nghiệp dừa hôm trước mới vái hễ lỗ được 1 tỷ đồng thì mần bò ăn mừng. Nhưng rốt cuộc cũng không có thịt bò ăn, vì lỗ lã đã lên tới vài ba tỷ.
Tại một vựa thu mua dừa cũng ở huyện Mỏ Cày Nam, chú Năm Keng chở đằng sau xe máy một bao “dừa hột” (dừa khô lột vỏ), phía trước thêm một giỏ to, đến bán. Một người đàn ông Trung Quốc đeo kính đen nãy giờ nhìn chúng tôi lườm lườm đích thân ra tay chọn từng trái một.
Ông ta vừa lựa vừa cân, phàn nàn lơ lớ: “Dừa đen quá, khô quá. Dừa lột vỏ bằng dao, phạm vô hột nè”. Bao dừa đổ ra lăn lóc chỉ bán được 7 trái “đủ chuẩn”: rám vàng, trọng lượng 1,2kg và vỏ hột không bị xước, giá 2.650 đ/trái. Số còn lại, chú Năm cho vào bao, chất lên xe, nói tiếp tục chở đi bán cho lò dừa sấy, giá chỉ 1.000 đ/trái, nhưng trái nào bán cũng được.
Giữa cái nắng chan ngày hè, bên vệ đường, chú Trần Văn Tư- lái dừa ở thị trấn Mỏ Cày Nam (Bến Tre)- đang chuyển đống dừa khô đen lên mộng trên xe xuống xuồng. Tưởng chú đi bán dừa giống, ai dè “lái dừa đã hơn 20 năm, mới năm nay thấy dừa rớt giá lẹ dữ, lỗ quá trời”.
Chú tiếp: “2 tháng trước, tui mua giá 45.000 đ/chục, tính vựa chờ giá lên lại, không dè sụt hoài, giờ dừa lên mộng hết, đem về bửa dừa sấy gỡ gạc chút đỉnh. Tui mới bửa dừa sấy xong chục thiên, lỗ chừng 20 triệu, còn đợt này 4 thiên nữa chắc lỗ chừng chục triệu nữa. Mình lỗ vầy mà thấy nhà vườn còn tội nghiệp hơn, bán chục dừa chưa mua được ký gạo”.
Chế biến dừa- cũng… chết theo
Cô Dung nói tui 77 tuổi rồi, hồi mới… mở con mắt ra đã thấy dừa trước cổng. Cây dừa cũng lắm thăng trầm. Ông bà từng làm ruộng, trồng dừa, rồi đốn dừa trồng mía, đốn mía trồng cam, đốn cam trồng… dừa trở lại. Tính ra, cây dừa vẫn gắn bó lâu đời nhất. Người Bến Tre tự hào “không bỏ thứ gì từ cây dừa”.
Thân dừa già làm đũa, muỗng, đồ mỹ nghệ; gáo dừa đốt than hoạt tính; nước dừa làm thạch dừa, nước màu dừa; vỏ dừa sợi làm chỉ xơ dừa, “đồ bỏ” làm mụn dừa; cọng dừa, bẹ dừa, lá dừa làm giỏ xách, chao đèn; tàu dừa khô cũng bán 3.000 đ/kg. Người xứ dừa cứ vậy mà bám theo nghề. Công việc đơn giản nhất như đánh mụn dừa, xe chỉ dừa cũng được 5-7 chục ngàn đồng/ngày.
Cô Dung bên đống dừa được bán với giá chỉ 12.000 đ/chục.
Nhưng giờ đây “dừa hột” rớt giá, mọi thứ cũng rớt theo. Anh Võ Duy Nam- chủ cơ sở chuyên đánh sợi, xe chỉ,… cho biết: Công ty có quy định, hễ dừa giảm giá bao nhiêu phần trăm thì mình cũng phải giảm giá chỉ tương ứng, trước chỉ dừa 13.000- 14.000 đ/kg, giờ chỉ còn 2.000 đ/kg. Bởi vậy, trước 1 thiên vỏ dừa 1,8 triệu đồng, giờ chỉ còn 200- 300 ngàn đồng. Còn nước dừa thì thôi khỏi nói, trước thùng 30 lít giá 190.000đ, giờ chỉ 7.000đ.
Xem ra “căn bệnh dừa” không chỉ gây bối rối cho nhà vườn mà hầu như “toàn bộ hệ thống” của xứ dừa.
Anh Sơn- chủ vựa dừa chuyên đi hàng Lạng Sơn trên chục năm nay cho biết: “Nói thương lái Việt Nam mình đè giá nhà vườn là không đúng đâu. Bởi có rất nhiều lái cùng mua, muốn đè giá cũng không được.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc hiện nay đã chững lại, vì các sản phẩm chế biến từ dừa của Trung Quốc đi ra thị trường các nước khác cũng “chậm lắm”, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế chung. Theo tôi, dừa Việt Nam mình luôn được thị trường Trung Quốc chuộng, vì chất lượng tốt hơn hẳn của các nước khác”.
Những xe tải chở dừa đi Lạng Sơn.
Nhưng vấn đề còn ở chỗ chi phí vận chuyển quá cao. Trước đây, anh Sơn chuyên đi “hàng tàu”, mỗi chuyến khoảng 600.000 trái, nhưng mất tới 10 ngày. Giờ chuyển qua đi “hàng xe” chỉ mất 3 ngày 3 đêm, được 28.000 trái/xe, nhưng chi phí cũng cao hơn. Từ Bến Tre ra tới Lạng Sơn phải tốn khoảng 70- 80 triệu đồng/xe.
Anh Nhân chuyên đi xe Lạng Sơn 63K… cho biết: “Xe mình chỉ ra tới cửa khẩu, chờ xe lam nhỏ của Trung Quốc qua “ăn hàng”. Nếu lúc đắt hàng, xe lấy liền liền, nhưng gặp lúc ế thì xe đối tác qua lâu lâu một chuyến, mình phải nằm chờ, thời gian càng dài, chi phí càng đội lên”.