Có dám chấp nhận mất mát?

Thứ năm, 19/07/2012, 14:12
Đã có rất nhiều ý tưởng, đề xuất và đánh giá khác nhau xung quanh vấn đề xử lý nợ xấu. Các khó khăn mà nhiều chuyên gia đưa ra thường là vốn, khung pháp lý, nhân lực và cách thức xử lý nợ. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng nhưng ít người đề cập đến mà sẽ là rào cản lớn nhất đối với quá trình xử lý nợ xấu, đó là liệu có dám chấp nhận sự “mất mát” hay không.


>> Nợ xấu ngân hàng, bức tranh sáng tối
>> Nợ xấu ngân hàng: Báo cáo 117.000 tỉ đồng, thanh tra ra gấp đôi
>> “Tiền thuế của dân không thể dùng để mua nợ xấu ngân hàng”
>> Không lấy tiền của dân để xử lý nợ xấu ngân hàng
 

Tình trạng nợ xấu và cái giá phải trả

Ngày 12-7 vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam đến ngày 31-3-2012 là 8,6%, tương đương với 202.000 tỉ đồng. Con số này cao hơn rất nhiều con số nợ xấu mà các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo tính đến ngày 31-5-2012, chỉ khoảng 117.000 tỉ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ.

Trước đó, khi trả lời trước Quốc hội Thống đốc NHNN đã thừa nhận nợ xấu lên đến 10%. Còn theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nợ xấu sau khi điều chỉnh vào cuối năm 2011 đã lên tới 11,48%, tương đương với 320.820 tỉ đồng. Có thể thấy, nợ xấu theo ước tính của các chuyên gia và tổ chức cao hơn rất nhiều so với con số công bố chính thức.

 



Hiện nay không ít trường hợp ngân hàng là sân sau của doanh nghiệp. Việc chấp nhận bán nợ
đồng nghĩa với việc ngay lập tức mất cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp của mình.


Nguyên nhân sự chênh lệch này là do có sự khác nhau trong tiêu chuẩn đánh giá nợ xấu. Bên cạnh đó, ngân hàng và doanh nghiệp cũng thường bắt tay nhau biến hóa các khoản nợ, đáng ra là nợ xấu thành nợ tốt, bằng cách đảo nợ hoặc gia hạn nợ. Điều này cũng được chính NHNN cho phép trong Văn bản số 3739/NHNN-CSTT, theo đó ngân hàng được phép gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ...

Tất nhiên việc cơ cấu lại nợ kèm theo điều kiện là “không được che giấu nợ xấu” và “đối với dự án có hiệu quả”... Dù vậy đây cũng là một tiêu chí khá mù mờ nên có nhiều kẽ hở cho ngân hàng dễ dàng che giấu nợ xấu.

 

Nếu việc mua bán nợ xấu thực sự diễn ra có thể nhiều ngân hàng từ lời hàng ngàn tỉ đồng sẽ chuyển sang lỗ và cũng có thể mất toàn bộ vốn.

Để xử lý nợ xấu, cách thông thường nhất là những khoản nợ xấu được bán cho một công ty mua bán nợ. Công ty mua bán nợ thường chỉ mua nợ với giá bằng một phần giá trị sổ sách của món nợ. Tỷ lệ bao nhiêu phụ thuộc vào chất lượng các khoản nợ, giá trị tài sản đảm bảo...

Kinh nghiệm ở Hàn Quốc cho thấy công ty mua bán nợ của nước này là KAMCO (Korean Asset Management Corporation) trung bình chỉ trả 36% giá trị sổ sách các khoản nợ mà công ty này mua.

Tại Ireland, Công ty Mua bán nợ quốc gia (NAMA) chỉ trả khoảng 42% cho giá trị món nợ. Còn theo kinh nghiệm thực tế của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC thuộc Bộ Tài chính), giá bình quân mua nợ từ 28-30% giá trị gốc.

Nợ xấu của ngân hàng Việt Nam theo NHNN là 202.000 tỉ đồng  (31-3-2012) và với tài sản đảm bảo có giá trị bằng 135% nợ xấu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia do tính thanh khoản và tính “ảo” của tài khoản này nên mức chiết khấu cho khoản nợ xấu này có thể lên tới 60%.

Như vậy, giá trị khoản nợ này chỉ là 80.800 tỉ đồng. Với số tiền đã trích lập dự phòng là 67.300 tỉ đồng (tính đến 31-5-2012), nợ xấu sẽ còn 134.700 tỉ đồng, như vậy số tiền thực sự mất của các TCTD là 53.900 tỉ đồng.


Rào cản không dễ vượt

Con số ước tính thiệt hại trên có thể không hoàn toàn chính xác nhưng cho phép chúng ta hình dung ra được phần nào cái giá phải trả đối với hệ thống ngân hàng nếu việc mua bán nợ thực sự diễn ra.

Chẳng hạn nếu mất đi 53.900  tỉ đồng, vốn tự có của hệ thống ngân hàng sẽ giảm từ mức 397.440 tỉ đồng (năm 2011), xuống còn 343.540 tỉ đồng, tương ứng mất 13,56% giá trị vốn. Toàn bộ hệ thống ngân hàng từ mức lãi 49,69 tỉ đồng trong năm 2011 sẽ chuyển sang lỗ ròng.


Như vậy, nếu việc mua bán nợ xấu thực sự diễn ra có thể nhiều ngân hàng từ lời hàng ngàn tỉ đồng sẽ chuyển sang lỗ và cũng có thể mất toàn bộ vốn. Lúc đó sẽ phát sinh hàng loạt vấn đề trong hệ thống tài chính.

Đầu tiên có thể thấy là các chỉ số tài chính, an toàn tài chính của ngân hàng sẽ xấu đi. Hệ số an toàn vốn (CAR) lúc đó chỉ còn 6-7%, thấp hơn nhiều so với mức yêu cầu tối thiểu là 9%. Rất nhiều ngân hàng sẽ buộc phải sáp nhập hoặc phá sản hay cần đến sự trợ giúp tài chính... do không đủ vốn để hoạt động.

Một kịch bản tệ hại như vậy là điều không ai mong muốn. Chính phủ cũng không thể xử lý nợ nếu như nguồn lực tài chính không đủ hoặc chưa sẵn sàng để xử lý tình huống đó. Đối với các “ông chủ” ngân hàng, các cổ đông thì đó là một viễn cảnh hết sức tồi tệ. Do vậy, họ sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn kịch bản này diễn ra.

Thực vậy, hiện nay không ít trường hợp ngân hàng là sân sau của doanh nghiệp. Sự bất ổn của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản, đã làm cho cả ngân hàng và doanh nghiệp rất khó khăn. Việc chấp nhận bán nợ đồng nghĩa với việc ngay lập tức mất cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp của mình.

Đối với những ngân hàng thương mại nhà nước, việc bán nợ sẽ làm cho ngân hàng thua lỗ như vậy trách nhiệm liên đới với người lãnh đạo sẽ rất lớn. Ngoài ra, những khoản vay lớn, sự thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước sẽ bị phanh phui.


Như vậy, khi xử lý nợ xấu luôn có một sự xáo trộn rất lớn trong hệ thống tài chính và đôi khi là cả hệ thống chính trị. Các ngân hàng buộc phải chấp nhận thua lỗ, doanh nghiệp cũng buộc phải phá sản và tái cấu trúc.

Dù biết rằng “sự hủy diệt mang tính sáng tạo” là cần thiết song liệu Việt Nam đã sẵn sàng đón những hệ quả này chưa hoặc có vượt qua được rào cản của các nhóm lợi ích hay không? Bên cạnh đó, tương lai của hậu xử lý nợ xấu vẫn còn là một dấu hỏi lớn vì những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng nợ xấu như hiện nay rất khó thay đổi.


 

Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn