11/21 tập đoàn có nguy cơ mất cân đối tài chính

Thứ năm, 19/07/2012, 09:11
Con số trên được công bố trong buổi họp báo sáng 18/7 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010.
Đáng chú ý là những bộ, ngành, địa phương chi sai mục đích; các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tập đoàn, tổng công ty và các tổ chức ngân hàng - tài chính có nguy cơ mất cân đối nguồn vốn.
 
11/21 tập đoàn nguy cơ mất cân đối tài chính

Tập đoàn EVN đầu tư ngoài ngành năm 2010 là 4.511,4 tỷ đồng, bằng 4,13% vốn điều lệ.

Theo KTNN, mặc dù tỷ lệ đầu tư tài chính so với tổng tài sản, vốn điều lệ của các DNNN không lớn nhưng đa số các tập đoàn, tổng công ty có hoạt động đầu tư ngoài ngành nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chính và nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao.

Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), nguồn vốn, quỹ của Công ty TNHH Một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đến 31/12/2010 là trên 2.616 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc gửi tiền của đơn vị này chỉ thu được 12,68 tỷ đồng tiền lãi, nguy cơ mất vốn ước tính trên 70 tỷ đồng.

KTNN có kiến nghị với Chính phủ và Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm điểm quyết liệt DATC về những hoạt động chưa đúng của đơn vị này.
Dẫn chứng cho căn bệnh này, Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái, cho biết, điển hình là các trường hợp như công ty mẹ của Tổng Công ty hàng hải Việt Nam đầu tư ngoài ngành 672 tỷ đồng, bằng 10,37% vốn điều lệ, Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) 1.828,8 tỷ đồng, bằng tới 12,09% vốn điều lệ; Tập đoàn Điện lực (EVN) 4.551,4 tỷ đồng, bằng 4,13% vốn điều lệ...

Đặc biệt, 11 trên tổng số 21 tập đoàn, tổng công ty hoạt động chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay dẫn đến mất cân đối lớn về nguồn vốn.

Một số DN do kinh nghiệm quản trị kém và do ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế thế giới nên hoạt động đầu tư hiệu quả thấp, bị thua lỗ như EVN, Tổng Công ty Xây dựng đường thủy…

Công tác bình ổn giá của các DNNN cũng tồn tại nhiều sai sót. Ví dụ như việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu ngay cả khi DN lỗ đã tạo ra quỹ ảo; EVN chưa tính hết các khoản giảm thu liên quan đến sản xuất kinh doanh vào cơ chế hạch toán giá thành điện, tỷ lệ tổn thất điện năng cao…

Về hoạt động kinh doanh của các tổ chức ngân hàng, theo KTNN, sai phạm mà nhiều NH mắc phải trong năm 2010 là gia hạn nợ không đúng quy định.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại nhiều tháng không đạt mức tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu theo quy định.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Vietcombank trong tháng 1 là 6,8%, tháng 2 là 6,5%, tháng 3 là 7,6%... trong khi theo quy định là 8%.

Năm 2010 là năm tăng trưởng tín dụng chứng khoán cao, lên tới 40,93% trong khi cho vay bất động sản là 28,11%. Vietinbank cũng bị nhắc nhở về việc gia tăng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng và vay Ngân hàng Nhà nước làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tương lai.

18/34 địa phương chi sai quỹ lương

Theo KTNN, năm 2010, thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt cao. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về chi NS, nhiều địa phương đã có sai phạm, như: Ban hành giá cho thuê đất, đơn giá thu tiền sử dụng đất với một số dự án chưa phù hợp quy định.

Đặc biệt, có chuyện một số địa phương còn tính thiếu tiền sử dụng đất phải nộp NS, miễn giảm tiền sử dụng đất sai quy định, xét giao đất không qua đấu giá… đã gây thất thoát trong thực hiện thu NSNN.

Báo cáo của KTNN cũng nêu đích danh Bộ Giáo dục Đào tạo thu học phí vượt quy định 59,1 tỷ đồng, Đại học Quốc gia TP. HCM thu vượt trên 37 tỷ, Đại học Quốc gia Hà Nội thu ngoài chế độ 2,6 tỷ…

Báo cáo cũng nêu ra 18/34 địa phương còn sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng, trả nợ vốn vay, chi hỗ trợ… nhưng chưa được cấp thẩm quyền cho phép như Hải Phòng (66 tỷ đồng), Bắc Ninh (64 tỷ đồng), Đồng Tháp (52 tỷ đồng)…

Trong khi lương công chức nhiều nơi còn thấp nhưng tổng số tiền đáng ra phải chi để nâng lương (nhưng bị chi sai mục đích) lên đến 263 tỷ đồng.

Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải chưa làm tốt công tác tổng hợp kinh phí. Năm 2010, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập dự toán kinh phí cho lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ chiếm 300 tỷ đồng nhưng không có phương án đền bù, giải tỏa và không có nội dung công việc.

Việc sử dụng vốn ODA của Bộ Y tế còn hạn chế khi tỷ lệ giải ngân còn thấp, sử dụng tài sản sai đối tượng, lãng phí. Nhiều tài sản đắt tiền, mua lâu ngày nhưng ít sử dụng; một số gói thầu kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến trang thiết bị không còn phù hợp, một số trang thiết bị không còn phù hợp với điều kiện Việt Nam, xảy ra trục trặc hoặc vận hành thiếu chính xác…

Giá điện có thể giảm nếu hạch toán đúng

“Kiểm toán tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát hiện lỗ 8.416 tỷ đồng.

Đặc biệt, EVN đã không hạch toán đầy đủ các khoản thu, trong đó có các nguồn thu khá lớn có thể giảm giá thành điện như: thu cho thuê cột điện, thu từ thanh lý, nhượng bán vật tư sản xuất kinh doanh điện, lãi từ hoạt động tài chính…

Nếu các khoản thu của EVN được tính vào giá thành, giá điện năm 2010 có thể được giảm 34 đồng/kwh. KTNN sẽ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo EVN phải hạch toán các khoản này để giảm giá thành điện.”

Ông Lê Minh Khái - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước

Theo KTĐT

Các tin cũ hơn