Chính phủ mua nợ xấu - Nhìn lại trường hợp Cty Huy Hoàng của ông Lê Văn Kiểm
Thứ tư, 18/07/2012, 16:40
Các số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy xu hướng tăng nhanh của nợ xấu. Tính đến ngày 30/4/2012, nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng khoảng 108.600 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều động thái cho thấy Chính phủ sẽ ra tay xử lý nợ xấu.
Trong phần trả lời chất vấn bằng văn bản tới đại biểu tại kỳ họp Quốc hội lần này, Thống đốc NHNN xác nhận, nợ xấu tăng nhanh trong khi tín dụng đối với nền kinh tế giảm sút khiến cho tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ liên tục tăng từ 3,06% ở thời điểm cuối năm 2011 lên 4,14% vào cuối tháng 4/2012.
Nợ xấu đã tăng 35% so với cuối năm trước, mỗi tháng tăng với tốc độ trung bình 8,6%, tăng thêm 28.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm, và hiện tại là 108.000 tỷ đồng. Thực ra con số này không quá gây bất ngờ.
Nguyên nhân nợ xấu tăng nhanh được đánh giá là do tình hình sản xuất kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn trong năm 2011 và chưa được cải thiện được trong 4 tháng đầu năm 2012, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và khả năng trả nợ NH của khách hàng.
Thị trường bất động sản chậm phục hồi làm cho khả năng trả nợ của các doanh nghiệp cũng như việc xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng thêm khó khăn.
Ngoài ra, thông tin đáng chú ý mà Thống đốc NHNN đề cập đến là các khoản nợ xấu phát sinh do thực hiện cho vay theo chỉ đạo hoặc chủ trương, chính sách của chính phủ mà không có tài sản đảm bảo và không có khả năng thu hồi sẽ được Nhà nước xóa nợ bằng nguồn vốn ngân sách.
Câu chuyện DATC không gánh nổi
Trong câu chuyện nợ xấu tốn nhiều công sức nghiên cứu và giấy mực gần đây, cái tên Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính luôn được nhắc tới. Nhưng vai trò của DATC thực sự không được đánh giá cao, bởi với 2481 tỷ đồng vốn điều lệ, DATC không có đủ tiềm lực để giải quyết vấn đề.
Chính ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng giám đốc DATC, trả lời báo chí cũng cho rằng, thay vì lập công ty mua bán nợ mới, Chính phủ hoàn toàn có thể tăng vốn điều lệ cho DATC để đảm nhận việc này.
DATC từ trước tới nay vẫn hoạt động theo cách rất Nhà nước là thận trọng và chỉ tiếp nhận các khoản nợ an toàn cao, hoặc một số khoản nợ theo chỉ định từ các DN giải thể.
Thực ra các công ty mua bán nợ thuộc các NHTM đã ra đời từ lâu và lâu nay các tổ chức tín dụng vẫn mua bán nợ vòng vèo lẫn nhau, nhất là trước các kỳ chốt sổ sách kế toán của quý hay năm tài chính.
Cách làm này thực chất không giải quyết được nợ xấu mà chỉ giúp NH đánh bóng số liệu. Bởi vậy, khi NHNN đặt vấn đề thành lập công ty mua bán nợ mới, dư luận lo ngại việc thành lập tiếp tục tốn kém, mất thời gian trong khi nợ xấu tăng lên từng ngày.
Về quyết tâm xử lý nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, xử lý nợ xấu là một trong những nội dung quan trọng trong đề án cơ cấu lại hệ thống các NHTM. Phương án là Nhà nước chỉ đạo thực hiện việc bán nợ xấu có tài sản đảm bảo cho Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính. Xóa nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của DN vay.
Đối với các khoản nợ xấu phát sinh do thực hiện cho vay theo chỉ đạo hoặc chủ trương, chính sách của Chính phủ mà không có tài sản đảm bảo và không có khả năng thu hồi sẽ được Chính phủ xóa nợ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; bán nợ xấu cho các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng, công ty mua bán nợ tư nhân và công ty mua bán nợ của các NHTM.
Đối với một số khoản vay thế chấp bằng bất động sản, công trình hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được, Chính phủ xem xét mua lại các bất động sản đó để phuc vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình không trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhưng ông đã có phần trình bày đặc biệt về nợ xấu. Theo Thống đốc, phải gánh cả chi phí xử lý nợ xấu nên các NH chưa thể hạ lãi suất cho vay xuống như mong muốn.
Ông cũng trình bày trước quốc hội ý tưởng lập công ty mua bán nợ. Giải pháp này được đưa ra trong phiên họp gần đây của Thủ tướng với các nhà khoa học. NHNN được giao nhiệm vụ lập đề án.
Câu hỏi mà công luận đặt ra, liệu việc xử lý nợ xấu có phát sinh tiêu cực, chỉ mang ý nghĩa giúp NH loại bỏ nợ xấu trên bảng cân đối tài sản, chứ không mang ý nghĩa thực sự với DN?
Chuyện thời sự từ quá khứ
Trong quá khứ từng có những câu chuyện kết thúc có hậu từ cơ hội cơ cấu nợ. Sau vụ Minh Phụng - Epco với khoản nợ NH Công thương VN (Vietinbank) lên tới 11.000 tỉ đồng, cái tên Cty TNHH May - Xây dựng Huy Hoàng do ông Lê Văn Kiểm làm giám đốc đã rơi vào cảnh nợ lớn và được Bộ Chính trị đã quyết định duyệt phương án của Chính phủ và NHNN cho phép các DN có tài sản thế chấp, đủ đảm bảo với số nợ vay được phép giãn nợ trong 3 năm.
Vượt qua giai đoạn khó khăn đó, giờ đây ông Lê Văn Kiểm là một doanh nhân nổi tiếng gắn với cái tên CTCP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành, sở hữu sân gold đẹp nhất Đông Nam Á. Vụ cơ cấu nợ này đã tránh thất thoát cho nhà nước 500 tỷ đồng, DN tiếp tục phát triển, và doanh nhân tránh được một kết thúc tồi tệ. Ngay chính vụ Minh Phụng – Epco, sau này Vietinbank xử lý thành công, dù thời gian xử lý các tài sản thế chấp kéo rất dài.
Điều đó cho thấy các khoản nợ xấu hoàn toàn không phải là mất, là “vứt đi”, nếu được cơ cấu lại, mua bán ngày hôm nay, có thể trở thành các khoản lợi nhuận hấp dẫn trong tương lai.
Vấn đề là cách thức để đánh giá và mua bán các khoản nợ đó một cách minh bạch. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đề xuất, nên thành lập ngay một Quỹ mua nợ xấu DN.
Theo ông, trong tình trạng nguy ngập, phá sản, đình trệ sản xuất của DN hiện nay, cần có một Quỹ mua nợ xấu DN mua nợ những DN có thị trường, có công nghệ tiên tiến, có hoạt động sản xuất kinh doanh quy mô lớn, sử dụng nhiều nhân công lao động.., qua đó giúp DN tiếp cận được vốn NH, trở lại hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Khi hồi phục và tăng trưởng tốt, DN có thể niêm yết cổ phần trên TTCK, Nhà nước có thể bán cổ phiếu và thu hồi vốn đã mua nợ.
Như vậy, mọi con mắt đang đổ dồn về phía Nhà nước, cần sự hỗ trợ vốn từ phía nhà nước, và có lẽ cũng chỉ có nhà nước mới có thể hỗ trợ được DN VN lúc này.