Hạ lãi suất, không lẽ là chuyện đùa?

Thứ tư, 18/07/2012, 10:35
Tuyên bố chắc như đinh đóng cột sẽ giảm lãi suất (LS) các món nợ cũ cho tất cả doanh nghiệp (DN) và hộ dân xuống 15%/năm, nhưng không ít ngân hàng (NH) cố tình vẽ ra các điều kiện ngặt nghèo để "ngáng đường" DN.
Hạ lãi suất, không lẽ là chuyện đùa?

ACB chỉ giảm lãi suất cho các DN nhóm 1 - khỏe và đủ khả năng trả nợ gốc, lãi,

Theo quyết định của NH TMCP Á Châu (ACB) được ký ban hành ngày 17.7, để chia sẻ và giúp khách hàng vượt qua khó khăn duy trì ổn định, từng bước phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), NH này áp dụng việc điều chỉnh LS các hợp đồng tín dụng cũ xuống còn tối đa 15%/năm.

Ông N.T.Đ - Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty CP chuyên kinh doanh hàng xuất khẩu, trụ sở tại Long Biên, Hà Nội vô cùng mừng rỡ, không cần chờ NH gọi, liền chủ động yêu cầu các nhân viên của mình nhanh chóng lấy hồ sơ đến NH làm thủ tục giảm LS.

“Khi nhân viên của chúng tôi đến, họ trưng ra một quyết định kèm theo vô số các điều kiện. Nhưng đau nhất là họ nói chúng tôi không thuộc khách hàng nhóm 1 theo tiêu chí phân loại nợ nên không được giảm LS” - ông N.T.Đ đau khổ đưa ra tờ quyết định mới ký ban hành của ACB.

 
Đánh đố doanh nghiệp
 
Trong khoản 1 của thông báo này yêu cầu khách hàng phải thỏa mãn đồng thời 5 điều kiện: phải sử dụng đúng mục đích vay; phải tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận pháp lý về cấp tín dụng với NH; được đánh giá là khách hàng thuộc nhóm cấp tín dụng bình thường theo quy định tại định hướng chính sách tín dụng; LS cho vay cao đang áp dụng theo hợp đồng tín dụng cao hơn 15%/năm. Điều kiện cuối cùng là khách hàng phải thuộc nhóm 1 theo tiêu chí phân loại nợ.
 
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để đáp ứng được những tiêu chí như “khách hàng thuộc nhóm cấp tín dụng bình thường” đã là quá sức của DN, thế nhưng việc “thòng” thêm tiêu chuẩn nhóm 1 của ACB khiến hàng loạt DN khó khăn không được giảm LS.

Bởi thực tế, theo TS Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN quy định về phân loại nợ thì nợ nhóm 1 (tức nợ đủ tiêu chuẩn) là các khoản nợ mà tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá có đủ khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng thời hạn. Còn nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) bao gồm các khoản nợ quá hạn dưới 90 ngày... nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm các khoản nợ quá hạn từ 90 - 180 ngày.

“NH hoạt động phải bảo đảm sự an toàn, thế nhưng, rõ ràng việc vẽ ra tiêu chí, chỉ cho DN thuộc nhóm 1 thì lại chỉ béo các DN tốt, DN khỏe, không có khó khăn. Số còn lại phần lớn thuộc nhóm 2, nhóm 3 cần hỗ trợ, giúp đỡ thì lại không được hưởng” - TS Kiêm thẳng thắn nói.

 
Rất nhiều DN sau khi nghe và tiếp xúc với cách làm của NH như trên cũng tỏ ra bức xúc, ông Nguyễn Sỹ Hải - Phó TGĐ Công ty CP sản xuất nhựa Hòa Phát (KCN Sài Đồng, Hà Nội) nói: “Họ tuyên bố ầm ĩ là hạ LS cho tất cả DN và hộ dân, cho các khoản vay đã quá hạn... để làm gì, chẳng lẽ chỉ để làm thương hiệu. Vẽ ra một chính sách như thế thì chẳng có ích gì cho DN khó khăn. Đó làm sao gọi là chia sẻ”.
 
Khác với những tiêu chí cụ thể, ngặt nghèo ở ACB, từ hội sở của mình, một số NH khác lại đưa ra quyết định yêu cầu các chi nhánh toàn hệ thống giảm LS xuống còn tối đa 15%/năm, có thể thấp hơn nhưng lại “cài” vào một câu rất chung chung: “Các chi nhánh tự quyết định đảm bảo lợi ích chi nhánh và theo quy định của NHNN và NH cùng thời kỳ”. Với chỉ đạo như vậy, thì theo các chuyên gia sẽ dẫn tới mỗi chi nhánh làm một kiểu, dẫn tới DN khó mà được hỗ trợ và chỉ có ngồi mơ mới được giảm LS.
 
“Chỉ là lời nói đùa hay sao?”
 
 
 
Lập danh sách DN đủ điều kiện cơ cấu lại nợ
 
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các DN xuất khẩu do Bộ Công thương tổ chức với sự tham gia của một số NH và đại diện các hiệp hội ngành hàng chủ lực cả nước hôm qua, đa số DN đều phản ảnh khó khăn lớn nhất hiện nay là LS cho vay vẫn cao. Mặc dù có thông tin LS đã giảm nhưng DN khó tiếp cận với nguồn vốn này.
 
Có mặt tại hội nghị, ông Cát Quang Dương - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng, cho biết hiện NHNN đang phối hợp với UBND TP.HCM và Hà Nội tập hợp danh sách DN đủ điều kiện cơ cấu lại nợ và cho vay với LS thấp.
 
 
Lãnh đạo Công ty CP sản xuất gỗ nhân tạo Tiến Phát (trụ sở tại Bình Dương) chia sẻ, DN ông thuộc nhóm đối tượng vừa và nhỏ, làm ăn tốt, có tình hình tài chính minh bạch, tuy nhiên, hiện công ty vẫn phải vay với LS 16%/năm.

“Mức lãi suất 16% này cũng chỉ mới được một NH áp dụng sau khi công ty trả xong món nợ cũ vay trước đó. Còn lại, vẫn có một số khoản vay khác phải trả 17-18%/năm.

Nhưng NH nói nếu trả trước hạn, công ty sẽ phải chịu một mức phạt, mà nếu cộng cả tiền phạt này với mức LS thấp thì khi chia ra cũng tương đương mức LS cao mà công ty đã vay trước đó” - lãnh đạo DN này ngán ngẩm nói.

 
Không chỉ riêng những DN nhỏ mới gặp cảnh chưa được giảm LS cho những hợp đồng vay cũ, nhiều DN lớn đến giờ phút này cũng chưa hề nhận được thông báo giảm LS từ NH. Ông Võ Trường Thành - TGĐ Công ty CP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết phần lớn hợp đồng vay cũ có LS là 17%/năm, một số hợp đồng nhỏ hơn có LS vay lên đến 19%/năm.

Mặc dù công ty đã liên tục làm đơn kiến nghị xem xét nhưng đến nay vẫn chưa có NH nào đồng ý giảm LS. “Công ty chúng tôi luôn được xếp hạng tín dụng loại 1.  Thế nhưng các NH vẫn trả lời là chưa có hướng dẫn thực hiện từ phía NHNN. Vậy thông tin phải giảm LS vay cũ về mức 15%/năm chỉ là lời nói đùa hay sao?”, ông Thành bức xúc.

 
Tương tự, ông Cao Tiến Vị - TGĐ Công ty giấy Sài Gòn cũng cho biết chỉ mới được giảm LS của một ít hợp đồng về mức  15%/năm, còn một số hợp đồng vay vốn khác công ty vẫn phải trả LS ở mức 16,5%/năm. Không muốn nêu tên nhưng ông Vị cho biết những hợp đồng chưa giảm LS cũng thuộc về những NH thương mại lớn. Lý do các NH này đưa ra là do vốn huy động đầu vào vẫn còn cao nên cần có thêm thời gian mới giảm thêm LS cho vay.
 
“Rối” từ chỉ đạo
Bình luận về việc mỗi NH làm một kiểu, một chuyên gia tài chính không ngạc nhiên về điều đó bởi ngay tại văn bản điều hành của NHNN cũng đã đầy sự khó hiểu. Cụ thể, tại văn bản số 198 gửi các NH thương mại, NHNN yêu cầu các NH tích cực, chủ động giảm LS cho các DN và hộ dân. “Nếu chỉ dừng lại ở đây, thì tôi hiểu là khách hàng cá nhân không được xem xét giảm.

Đó là một sự thiệt thòi, và không công bằng cho các cá nhân” - ông nói. Thế nhưng, điều đáng bàn là ngay tại nội dung này, lại kèm theo một câu: “Giảm LS xuống tối đa 15%/năm giúp DN và hộ dân vượt qua khó khăn, duy trì ổn định và từng bước phát triển SXKD”. Điều đó, cũng đồng nghĩa với cách hiểu chỉ có DN và hộ dân có SXKD mới được giảm, còn lĩnh vực không khuyến khích như bất động sản, tiêu dùng hoàn toàn bị loại bỏ. “Thế nào là hộ dân, nên hiểu nông dân hay hộ sản xuất? Ban hành một văn bản chỉ đạo như vậy làm sao mỗi NH không làm một kiểu” - ông nói.

 
Thực tế hiện nay một số NH như SHB giảm cho tất cả các khách hàng cá nhân và DN, còn BIDV ra thông báo chỉ hạ cho các DN, hộ dân và lưu ý không hạ cho các khách hàng cá nhân. Trong khi ACB thì hạ cho cả hai đối tượng, nhưng lại kèm theo một loạt các điều kiện ngặt nghèo.
 
Ông Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, không ai ép các NH giảm LS nợ cũ, NHNN cũng không có quyền can thiệp vào việc kinh doanh của các NH và DN. “Tất cả là sự tự nguyện, vận động, kêu gọi. Không ai cấm DN quảng bá cho bản thân mình, kể cả NH. Nhưng một khi đã hứa, đã tuyên bố thì nên nói thật, làm thật. Còn làm không đúng, làm cho có là điều rất đáng phê phán” - ông nói.
 
Sacombank chấp nhận giảm lợi nhuận 80 tỉ đồng/tháng
 
Hôm qua Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) ký kết biên bản thỏa thuận hỗ trợ 1.110 tỉ đồng vốn ưu đãi cho 16 DN trên địa bàn TP.HCM với hạn mức cho vay mỗi DN từ 30 - 300 tỉ đồng. Cụ thể, Công ty CP gạch Đồng Tâm Long An được vay 300 tỉ đồng, Công ty Ba Huân 100 tỉ đồng, Công ty CP giấy Sài Gòn Mỹ Xuân 100 tỉ đồng... Thời gian cho vay tối đa 6 tháng, mức lãi suất (LS) áp dụng cho các khoản vay 13%/năm cố định trong 3 tháng đầu, các khoản vay được giải ngân từ nay đến 31.12.2012.
 
Nguồn vốn 1.110 tỉ đồng này thuộc gói 2.000 tỉ đồng của chương trình cho vay ưu đãi USD và VNĐ đối với khách hàng DN vừa được Sacombank triển khai (chương trình này còn có thêm 50 triệu USD).

Sau 1 tuần, Sacombank đã giải ngân trên 400 tỉ đồng và 30 triệu USD. Ông Phan Huy Khang - TGĐ Sacombank - cho biết: “Chúng tôi đã điều chỉnh giảm LS các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm đối với khách hàng DN và hộ dân. Chúng tôi thống kê có khoảng 26.000 tỉ đồng dư nợ tại Sacombank được điều chỉnh trong đợt này và bình quân lợi nhuận Sacombank giảm 80 tỉ đồng/tháng. Tính từ đầu năm đến nay Sacombank đã triển khai 12 gói tín dụng ưu đãi dành cho DN với tổng nguồn vốn 5.500 tỉ đồng và 180 triệu USD”.

 
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM - cho biết, đến thời điểm này trên địa bàn TP đã có trên 4.200 DN vừa và nhỏ tiếp cận 25.200 tỉ đồng với LS tối đa 13%/năm, LS phổ biến từ 12 - 12,5%/năm.
 
 
Không thể chấp nhận !
 
Theo TS Lê Thẩm Dương (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), hiện các NH vẫn đang nhìn nhau và nhìn vào động thái xử lý của NHNN. Tuy nhiên bản thân NH không chịu giảm LS cho hợp đồng vay cũ thì xét trên khía cạnh quản trị khách hàng là không chấp nhận được.

Bởi nếu để LS cao mà không thu được nợ thì LS đó không có ý nghĩa gì. Đó là chưa kể việc giảm LS còn là vấn đề đạo đức kinh doanh và còn đồng nghĩa với việc NH mới cùng tồn tại với DN. Nếu NH nào cho rằng do LS đầu vào cao nên chưa chịu giảm thì chỉ là ngụy biện. Vì mức LS tiền gửi cao ở mức 14%/năm hầu như NH chỉ nhận trong thời gian ngắn hạn và tối đa chỉ 3 tháng. Đến nay những hợp đồng đó hầu như đã được tất toán hoàn toàn. Như vậy LS đầu vào cao nhất hiện nay chỉ ở mức 11%/năm.

 
“Trong điều kiện bình thường thì chênh lệch LS chỉ ở mức 3% là NH sống khỏe. Nhưng với tình hình DN khó khăn như hiện nay mà NH vẫn để mức chênh lệch đầu vào và đầu ra đến 7 - 8% là không thể chấp nhận được. Nếu như NHNN đã dùng biện pháp hành chính để siết chặt đầu ra của các NH thương mại thì phải kiểm tra giám sát chặt chẽ. Việc thực hiện giảm LS nhanh hay chậm sẽ tùy thuộc chính vào việc kiểm tra của NHNN”, TS Dương nói.
 
 
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn