Giải thích này không thể xóa hết các băn khoăn và lo lắng về nợ xấu. Thậm chí còn lộ ra những nỗi lo mới về kiểm soát và xử lý nợ xấu của các ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước đã có buổi “trần tình” về nợ xấu. Trong đó, các con số chính thức đã được đưa ra và giải thích sự sai lệch. Tuy nhiên, giải thích này không thể xóa hết các băn khoăn và lo lắng về nợ xấu. Thậm chí còn lộ ra những nỗi lo mới về kiểm soát và xử lý nợ xấu của các ngân hàng.
Các ngân hàng đang băn khoăn trong việc kiểm soát và xử lý các khoản nợ xấu
BĐS: Không lớn nhất nhưng lo nhất
Theo con số NHNN đưa ra, dư nợ trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) không phải cao nhất. Nhưng điều này không phải là mừng. Bởi lẽ: các dự án BĐS thường có tài sản đảm bảo là các BĐS. Và rất nhiều các khoản vay khác cũng có tài sản đảm bảo là BĐS. Và nói mọt cách rõ hơn, ở nước ta, đa phần các tài sản đảm bảo là BĐS.
Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, khi rủi ro xảy ra, với việc lắm quá nhiều bất động sản thì các ngân hàng sẽ xử lý ra sao khi mà thị trường BĐS đang đóng băng như hiện nay ? Họ sẽ bán các dự án này như thế nào, cho ai trong quá trình xử lý nợ xấu?. Nếu không bán được BĐS thì nợ xấu xử lý sao.
Đấy chưa kể đến, giá BĐS trước đây cao, được định giá cho vay cao, nay giá xuống thấp thì tài sản có còn đủ để đảm bảo cho khoản vay. Hơn nữa, không thể bỏ qua chuyện tiêu cực, khi các nhân viện ngân hàng cố tình định giá sai để cùng người vay trục lợi.
Theo con số của Ngân hàng Nhà nước, tổng giá trị tài sảm đảm bảo so với nợ xấu là 134,8%. Nếu tính ra số tuyệt đối, tổng giá trị tài sản đảm bảo các ngân hàng đang nắm giữ sẽ vào khoảng 272,296 tỷ đồng.
Nếu 50% con số này là BĐS nhưng chắc chắn thực tế chắc chắn phải cao hơn 50% nhiều thì số lượng BĐS mà cả hệ thống ngân hàng đang nắm cũng là con số khổng lồ. Với tốc độ xử lý tài sản đảm bảo như hiện nay, không biết, cả hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, thậm chí huy động cả DATC vào cuộc cũng không biết bao giờ xử lý xuể.
Và cũng không hiểu, nếu một công ty mua bán nợ ra đời thì sẽ dùng biện pháp tài chính gì để xử lý đống BĐS này nếu không dùng tiền mặt?
Vấn đề khác là thành phần bất động sản cũng rất khác nhau: dự án khu nghỉ dưỡng, dự án nhà chung cư, đất ở, đặc biệt là các đất thổ cư, đất cha ông để lại 3-4 đời. Các đất thổ cư, đất cha ông để lại rất dễ vướng phải các vấn đề đạo đức, tình cảm khi mạnh tay xử lý.
Vì thế, tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội" trong xử lý tài sản đảm bảo là câu hỏi không chính thức, nhưng cũng làm cán bộ xử lý nợ biết bao băn khoăn. Đây cũng chính là bài học lớn cho các ngân hàng khi rất "yêu thích" tài sản đảm bảo là bất động sản.
Chưa kể, việc xử lý 15,84% số nợ xấu không tài sản đảm bảo, khoảng 31,997 tỷ sẽ không hề đơn giản, thậm chí, "cam go" hơn việc xử lý nợ có tài sản đảm bảo nhiều. Ngoài ra, các con số này đều chốt ở thời điểm 31/03/2012, tức là hết quý I, còn thời điểm hiện tại, giữa tháng 7 năm 2012, tức là bắt đầu sang tận quý III rồi, thì số liệu chắc sẽ còn biến động nhiều.
Dấu nợ xấu: yếu kém của giám sát
Ngân hàng Nhà nước cũng đã phải công nhận có tình trạng giấu nợ xấu của các ngân hàng. Việc làm này sẽ dẫn đến các sai lệch của báo cáo tài chính, báo cáo tài chính hợp nhất vì chi phí vận hành sẽ khác nhau do phải trích lập dự phòng rủi ro khác nhau.
Chắc chắn, nếu tỷ lệ nợ xấu khoảng 4,6% như các ngân hàng báo cáo thì lợi nhuận của các ngân hàng này sẽ như họ công bố, nhưng tỷ lệ giám sát lên tới hơn 8% thì lợi nhuận sẽ khác hẳn. Việc làm này sẽ gấy "rối" thông tin, và không hiểu, các cơ quan điều hành ngân hàng sẽ căn cứ vào đâu để điều hành?
Vấn đề nữa là việc kiểm toán các báo cáo tài chính. Ở đây, khi đọc các báo cáo kiểm toán đều thấy đại đa phần các kiểm toán viên đồng ý với báo cáo của ngân hàng, rất ít trường hợp phải điều chỉnh. Vậy mà ngân hàng vẫn giấu được nợ. Vì sao?
Thứ nhất, chúng ta nên hiểu rõ hơn về vai trò của kiểm toán báo cáo tài chính. Các báo cáo tài chính của ngân hàng hàng năm được kiểm toán bởi các Công ty Kiểm toán độc lập. KTĐL không có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ như kiểm toán nhà nước nên có thể bị đơn vị được kiểm toán không cung cấp tài liệu, chứng từ đầy đủ.
Giới kế toán ngân hàng có chiêu "chây ì", hẹn hò khất lần ngày mai, ngày mai sẽ cung cấp chứng từ để đến khi hết thời gian kiểm toán thì thôi. Theo một nhân viên kế toán có kinh nghiệm thì chiêu này "đơn giản, mà hiệu quả rất cao".
Ngoài ra, khi đọc báo cáo kiểm toán, chúng ta cũng có thể thấy các phần kiểm toán không có ý kiến hoặc ý kiến loại trừ. Ngoài ra, một "bí kíp" được các bên kiểm toán hay dùng là... cách diễn đạt ngôn ngữ đa nghĩa trong các báo cáo kiểm toán để sau này nếu có vấn đề gì, bên kiểm toán có thể giải thích theo nghĩa của họ.
Thứ hai, các ngân hàng đang sử dụng các "xảo thuật" kế toán tài chính để giảm số nợ, chuyển độ nợ xấu thành các dạng trái phiếu đầu tư, các khoản phải thu, phải trả...
Vì vậy, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước cần phải mạnh tay thanh tra, kiểm soát các ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn nhạy cảm như hiện nay. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần phải có chế tài xử lý mạnh tay với các hành vi che giấu thông tin, sai sót thông tin liên quan đến tài chính của các ngân hàng để răn đe các hành vi không đẹp của các ngân hàng để đề phòng rủi ro.