Tại sao công ty của Cường đôla và Sudico bị loại khỏi VN30?

Thứ tư, 18/07/2012, 10:05
Hai công ty này đều kinh doanh bất động sản và đang nợ hàng nghìn tỷ đồng tại ngân hàng. HSX đã đưa SJS và QCG vào diện cảnh báo.
 
Trong kỳ xem xét thứ 2/2012, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) đã loại SJS và QCG ra khỏi danh sách rổ cổ phiếu tính chỉ số VN30 (cùng với KDH và HVG). Hãy cùng nhìn lại tình hình hoạt động kinh doanh và thông tin về các công ty này trong thời gian qua.
 
 
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất SJS, QCG

Với cổ phiếu SJS của CTCP Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà, ngày 13/4/2012, HSX đã đưa cổ phiếu này vào diện cảnh báo do năm 2011 công ty mẹ SJS lỗ 46,2 tỷ đồng. Theo tiêu chí lựa chọn đưa vào VN30, cổ phiếu trong rổ sẽ không bị rơi vào diện kiểm soát hay tạm ngừng giao dịch. Do vậy, đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến SJS bị loại.
 
'
Biểu đồ giao dịch SJS (trên) và QCG (dưới) trong 6 tháng qua (Nguồn: HSX)

Việc công bố thông tin của SJS cũng có một số điểm chưa minh bạch. Cụ thể, trong tháng 6, ông Đỗ Văn Bình - Phó Chủ tịch SJS đã bán cổ phiếu trước khi HSX công bố thông tin đăng ký giao dịch, hoặc như công ty đã không cung cấp đủ các tài liệu cần thiết dẫn đến việc không được Sở xếp loại phân ngành doanh nghiệp năm 2011.

Đặc biệt, trong đại hội cổ đông vừa tổ chức cuối tháng 6, tình hình tài chính của SJS được Ban kiểm soát công ty đánh giá là gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Trong năm 2011, SJS phát hành trái phiếu 2 đợt với tổng trị giá 1.200 tỷ đồng để lấy vốn đầu tư dự án Nam An Khánh.

Tuy nhiên, Ban kiểm soát đánh giá, công ty đã sử dụng sai mục đích số vốn trên tới 1.127 tỷ đồng (tương đương 94% tổng vốn đi vay) để thực hiện đảo nợ tại các ngân hàng (Maritime Bank: 300 tỷ đồng, SHB: 203 tỷ đồng), trả nợ vay cho các công ty con và đầu tư vào các dự án khác không phải Nam An Khánh, mà thực chất dự án này đến nay chưa có tiến triển gì thêm.

"Điều này dẫn tới việc tiềm ẩn nguy cơ SJS sẽ không cân đối được các nguồn trả nợ, khả năng thanh toán của công ty không được đảm bảo", báo cáo của Ban Kiểm soát đánh giá.
 

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2012

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, đến 31/3/2012, SJS nợ các tổ chức tài chính hơn 1.900 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ gần 1.850 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chiếm 63%.

Về phía CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG), giống như SJS, cổ phiếu này cũng bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 13/4/2012 do năm 2011 công ty mẹ lỗ hơn 30,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, tình hình tài chính của QCG cũng khiến nhiều nhà đầu tư đặt dấu hỏi. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến hết quý I/2012, tổng các khoản nợ ngân hàng của QCG là hơn 990 tỷ đồng (chủ yếu tài trợ cho các dự án bất động sản), chi phí lãi phát sinh trong quý I lên tới 29 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước, trong khi tiền mặt chỉ có 9,6 tỷ đồng.

Trước vấn đề này, đầu tháng 6, QCG đã phải tính đến việc xin ý kiến cổ đông để cơ cấu lại nợ ngân hàng nhằm giảm áp lực nợ nần. Nhưng sau đó vấn đề này đã được HĐQT công ty hủy bỏ, thay bằng việc xin ý kiến tăng hạn mức vay với dự án Phước Kiển lên 1.800 tỷ đồng (gấp 2 lần tổng hạn mức ban đầu), song có đề xuất ngân hàng giãn thời gian trả nợ 1 năm và giảm lãi suất cho vay từ 18%/năm xuống còn 14-15%/năm.

Có thể thấy, sắp tới bên cạnh các khoản nợ ngân hàng cũ, QCG sẽ có thêm khoản nợ mới và phải trông chờ vào lãi suất sẽ giảm và "cứu cánh" từ việc gia hạn nợ của các ngân hàng.
 

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2012

Bên cạnh đó, trong kỳ xem xét tháng 3 vừa qua, QCG cũng bị FTSE Vietnam Index (một trong 2 quỹ đầu tư chỉ số lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam) loại ra khỏi danh mục đầu tư.

Như vậy, có thể thấy nợ đang là vấn đề lớn đối với cả SJS và QCG. Việc bị loại ra khỏi rổ cổ phiếu VN30 sẽ là thiệt thòi lớn cho 2 công ty này khi mà VN30 vẫn là công cụ tham khảo quan trọng với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
 

Theo DVT

Các tin cũ hơn