Từ hôm nay (16/7), các ngân hàng phải thực hiện chủ trương hạ lãi suất cho vay với các khoản vay cũ xuống 15%/năm. Thế nhưng, hiệu lực của biện pháp hành chính này vẫn phải chờ câu trả lời từ thực tế.
Theo “lệnh” của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, chậm nhất đến ngày 15/7, các ngân hàng thương mại ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chủ trương hạ lãi suất cho vay với các khoản vay cũ xuống 15%/năm.
Thế nhưng, cho đến cuối tuần qua, nhiều ngân hàng thương mại vẫn cho hay, họ chưa thể triển khai chủ trương này, do chưa nhận được văn bản hướng dẫn chi tiết của NHNN.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay: “Hạ lãi suất là yêu cầu tất yếu khách quan, nhưng thực hiện bằng biện pháp hành chính là ‘cực chẳng đã’ và sẽ phải trả giá. Việc NHNN có những động thái can thiệp, như ép các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, cơ cấu lại nợ, nới tín dụng phi sản xuất… thực chất đang khuyến khích ngân hàng đẩy mạnh cho vay dưới chuẩn. Hậu quả là, vài năm tới, một khối nợ xấu mới sẽ phát sinh”.
Việc các NHTM hạ lãi suất theo lệnh hành chính được xem như "cực chẳng đã". ẢNh minh họa
Trên thực tế, yêu cầu giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống 15%/năm của NHNN không phải là quá khó khăn với các ngân hàng. TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN nhận xét: “Trần lãi suất huy động 12%/năm đã áp dụng được 3 tháng, độ trễ như vậy là đã đủ cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống 15%/năm”.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất với tất cả các khoản vay, tất cả khách hàng, theo các chuyên gia kinh tế và các ngân hàng, là không phù hợp.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt phân trần: “Giảm lãi suất là cần thiết, không chỉ để cứu doanh nghiệp, mà còn để cứu ngân hàng. Tuy nhiên, cào bằng lãi suất tất cả các khoản vay cũ xuống 15%/năm sẽ rất khó khăn với các ngân hàng nhỏ”.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng còn cho rằng, lãi suất cho vay 15%/năm với khoản vay cũ chỉ nên áp dụng với 4 lĩnh vực ưu tiên, bởi nếu áp dụng rộng rãi, sẽ không phản ánh đúng chi phí vốn, mức độ rủi ro của từng khoản vay, nhất là những khoản vay tiêu dùng, vay tín chấp.
“Buộc ngân hàng hạ lãi suất cho vay xuống 15%/năm với tất cả khoản vay cũ, tất cả đối tượng là phi thị trường. Không thể cào bằng như vậy, vì giá vốn phải phản ánh được mức độ rủi ro. Khoản vay có độ rủi ro cao, thì đương nhiên lãi suất sẽ phải cao”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Về động thái tiên phong hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống 15%/năm của một số ngân hàng lớn, nhất là ngân hàng thương mại nhà nước, nhiều ngân hàng cũng cho rằng, đây là điều dễ hiểu, bởi ngoài yếu tố thanh khoản dồi dào, các ngân hàng này còn được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi.
Còn với những ngân hàng thương mại cổ phần của các ông chủ tư nhân, việc giảm lãi sẽ được cân nhắc một cách thận trọng, không chỉ vì quyền lợi của cổ đông, mà còn vì sự tồn tại của ngân hàng.
Hơn nữa, trước đây, đa phần ngân hàng nhỏ đều vượt trần lãi suất huy động, hiện lượng vốn huy động với giá cao vẫn chưa được giải ngân hết. Vì vậy, nếu buộc phải sửa lại các hợp đồng vay cũ, các ngân hàng này hoặc phải chịu thua lỗ, hoặc sẽ tìm cách đưa ra các loại chi phí khác ngoài lãi suất để bù đắp.
Nợ cũ cũng có hai loại
Từ khi NHNN yêu cầu hạ lãi suất với các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm, một số ý kiến đã đề nghị, NHNN phải có yêu cầu bắt buộc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm.
Tuy nhiên, có khả năng, yêu cầu giảm lãi suất này sẽ không bắt buộc, mà chỉ dừng ở chủ trương, khuyến khích thực hiện, bởi NHNN không có cơ sở pháp lý để buộc các ngân hàng thương mại phải thay đổi hợp đồng cho vay trước đây. Mặc dù vậy, hiệu lực của biện pháp này khá cao, bởi ngân hàng nào không thực hiện, sẽ bị liệt vào danh sách “sổ đen” của NHNN.
Tất nhiên, hiệu quả của biện pháp hành chính trên sẽ không bền vững, nếu thiếu thiện chí và sự chuẩn bị từ ngân hàng, nhất là trong rà soát các khoản vay, đối tượng vay.
Ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế (Ngân hàng TMCP Hàng Hải - Maritime Bank) phân tích, các khoản vay cũ có thể phân thành 2 loại. Với loại “tốt”, các ngân hàng nên áp dụng lãi suất cho vay mới để “dưỡng” và giữ khách hàng.
Việc tiếp tục áp dụng lãi suất cao với các doanh nghiệp tốt, sẽ khiến ngân hàng mất khách. Còn với những khoản vay xấu, dù có giảm lãi suất, nếu doanh nghiệp không có khả năng chi trả, thì việc giảm lãi suất không có nhiều ý nghĩa.
Lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận, với những khoản vay cũ khó có khả năng đòi nợ, ngân hàng này thà để nguyên lãi suất cũ để có lợi nhuận “ảo” làm đẹp sổ sách, chờ đến ngày phát mãi tài sản, còn hơn là giảm lãi suất mà vẫn không thu được nợ.