“Có thể nói Tập đoàn Điện lực (EVN) tăng giá điện vừa qua quá khôn ngoan bởi về mặt kỹ thuật là quá tốt! Tăng giá trong lúc tất cả giá thành và các chỉ số lạm phát đều giảm. Có thể nói EVN thiếu trách nhiệm xã hội.” – TS Nguyễn Minh Phong đánh giá.
Ts Nguyễn Minh Phong, Phó vụ trưởng- phó Ban tuyên truyền báo Nhân Dân
Câu chuyện giá điện làm nóng dư luận vừa qua do ngành điện một lần nữa tăng giá bán lẻ điện từ 1/7. Ngoài toan tính của ngành điện, thì thời điểm tăng giá được đánh giá là “nhầm” do DN chết nhiều, đời sống dân khó khăn, và Chính phủ đang thực thi các giải pháp thúc đẩy kinh tế phục hồi. Ts Nguyễn Minh Phong, Phó vụ trưởng- phó Ban tuyên truyền báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với phóng viên.
Ngành điện nói giá điện quá rẻ và cần phải tăng, vì vậy giá điện chỉ có một chiều tăng giá. Trong khi đó nhiều ý kiến phản biện cho rằng giá điện hiện không hề rẻ như tính toán của ngành điện. Theo ông thì chuyện đắt rẻ này là thế nào?
Giá điện của Việt Nam không hề rẻ như ngành điện phân tích mà giá thực tế người dân và doanh nghiệp phải chi trả cao hơn rất nhiều. Nhìn trên thang giá của một hóa đơn của hộ gia đình các bạn sẽ thấy số thấp nhất, số trung bình và số giá cao chênh nhau rất lớn. Ví dụ như với mức 1KW giá cao lên đến 3500 đồng tương đương 17cent.
Có thể khẳng định mức giá bán điện không hề rẻ. Còn EVN đem mức giá này đi so sánh với những nước phải mua điện vài ba chục cents rồi kêu rẻ thì rất vô lý. Vì nền kinh tế Việt Nam còn thấp, đời sống nhân dân thấp thì làm sao so với các nước có nền kinh tế phát triển. Mức sống và thu nhập của người dân Việt Nam như vậy thì không thể so sánh và đánh đồng mức giá và chi tiêu với thế giới được.
Có thể nói EVN tăng giá điện trong thời gian qua là quá khôn ngoan bởi về mặt kỹ thuật là quá tốt. Tăng giá trong lúc tất cả giá thành và các chỉ số lạm phát đều giảm.
Con số tăng 5 % mà ngành điện đưa ra là tăng không đáng kể nhưng có thể thấy tác động của nó đến mọi hoạt động của xã hội. Và mức độ tăng liên tục hoàn toàn không thỏa đáng. Trong khi đầu vào giảm, xăng dầu giảm, nước giảm, chỉ có than tăng 10% thì , giá mua điện không thay đổi từ nhiều năm nay, thì giá bán lẻ điện tăng liên tục.
Trong quản lý, ngành điện kêu thất thoát nhiều trong khi truyền tải điện đến người tiêu dùng và doanh nghiệp đều có công tơ. Lương thưởng cán bộ công nhân viên của EVN là rất cao, những bất cập trong quản lý đều được dồn hết cho việc tăng giá điện để thu bù chi.
Có thể nói EVN thiếu trách nhiệm xã hội.
Năm nay, 70% doanh nghiệp không hoạt động được, không dùng nhiều điện. Thủy điện lớn như Sơn La cùng nhiều nhà máy thủy điện nhỏ khác hòa lưới điện, đều là nguồn giá điện rẻ. Chúng ta đang thừa điện, nguồn giá rẻ nhiều, nhưng giá điện vẫn tiếp tục tăng. Theo ông thì làm sao giá điện vận hành được theo cơ chế thị trường, có tăng có giảm?
Về nguyên tắc thì phải có cạnh tranh. Nhà nước phải tách khâu phát điện và phân phối điện, có cơ chế vận hành rõ ràng. Nhất là về giá điện thì nên vẽ lại như giá xăng dầu có giá cơ sở, giá thực tế, giá tiêu dùng. Doanh nghiệp bán theo giá sàn và có mức tăng phù hợp, rõ ràng tăng theo cơ chế thị trường.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng tăng giá điện làm dư luận bức xúc là ngành điện lỗ, vì đầu tư kém hiệu quả, trái ngành, quản lý yếu. Nhưng tất cả yếu kém đó lại đổ lên giá điện?
Với tổng cầu tăng 15%, giá điện cao từ 1,5- 2 lần như hiện nay thì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài muốn nhảy vào lĩnh vực này bởi lợi nhuận có thể thấy được rất rõ ràng, nhưng nghịch lý là EVN đều kêu lỗ, năm nào cũng lỗ.
Giai đoạn 2011-2015, EVN còn thiếu khoảng hơn 180.000 tỷ đồng. Chưa kể, còn do EVN treo một khoản lỗ vài chục nghìn tỷ chưa phân bổ vào giá của các kỳ trước. nếu cứ tăng giá bù lỗ biết đến bao giờ giá điện mới “theo giá thị trường”.
Ngành điện cần phải bỏ tư duy cũ là cứ thiếu vốn là tăng giá điện để bù lỗ cho các khoản đầu tư lỗ của mình. Bởi tăng giá điện không phải là cách huy động vốn để đầu tư và bù lỗ.
Nghịch lý ở chỗ, giá điện chỉ có tăng chứ không có giảm; Họ tự độc quyền định giá, tự giải trình và tự áp đặt giá. Đáng lẽ năm nay phải giảm giá điện chứ không thể tăng giá điện do thủy điện vào nhiều, không chạy dầu nên đầu vào đâu có tăng.
Vậy nên chăng mỗi lần tăng giá điện để bù đắp cho các khoản lỗ này thì EVN nên có lộ trình và giải thích rõ ràng là tăng giá điện thu bù lỗ đến bao giờ? Những khoản thu chênh sau tăng giá sẽ sử dụng như thế nào?
Người dân rất cần được biết, bởi không như kiểu đánh úp của EVN, vừa mới nói là không tăng sau đó lại tăng một cách bất ngờ không thông báo.
Theo ông, làm sao để giá điện “dễ thở” hơn với người dân và doanh nghiệp?
EVN phải bỏ tư duy cũ coi việc tăng giá là kênh huy động vốn duy nhất của mình để đầu tư theo kiểu độc quyền.
Người dân và doanh nghiệp đều muốn giá điện vận hành theo cơ chế thị trường là có tăng có giảm. Và khách hàng của ngành điện phải được hưởng dịch vụ tốt. Giá điện tăng liên tục nhưng chất lượng không tăng gây bức xúc trong dư luận. Nên rất cần cơ chế giá thị trường để thu hút đầu tư vào ngành điện, khuyến khích thời điểm tiết kiệm điện và quản lý tốt thời gian sử dụng điện.
Sự minh bạch, công bằng, tâm phục khẩu phục đối với giá điện là điều người dân mong muốn.