Công ty mua bán nợ xấu: Chỉ cần 10-20 ngàn tỷ

Thứ ba, 17/07/2012, 06:28
Ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch UB giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, để xử lý nợ xấu ngân hàng, nên xúc tiến thành lập công ty mua bán nợ. Tuy nhiên, số vốn ông Nghĩa đề xuất thấp hơn nhiều so với 100 ngàn tỷ đồng Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Theo ông Nghĩa hiện nay lạm phát đang giảm sâu, tỷ giá đang ổn định, lãi suất xu hướng giảm, vấn đề đặt ra là xử lý nợ xấu bằng mọi giá.

Có 3 phương án xử lý nợ xấu, gồm bơm tiền cho ngân hàng thương mại (NHTM) xử lý nợ; xúc tiến thành lập công ty mua bán nợ và quốc hữu hoá các ngân hàng (NH) nợ xấu cao.

 
TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra 3 phương án giải quyết nợ xấu.

Ông Nghĩa cho biết, phương án thành lập công ty mua bán nợ xấu với vốn tự có từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng, trong tổng thể vốn cần thiết 4 tỷ USD. Việc tiếp theo là chọn NHNN hay Bộ Tài chính đứng ra điều hành, quản lý công ty.

Nếu công ty mua bán nợ xấu ra đời họ sẽ chuyển toàn bộ nợ xấu của NH, tuy nhiên việc thanh toán nợ xấu sẽ được chia đều theo tỷ lệ với giá mua tùy vào phân loại nợ, chẳng hạn nợ nhóm 5 sẽ mua với giá bằng 10% khoản nợ gốc, nhóm 4 là 20% và nhóm 3 là 50%.

"Công ty mua bán nợ xấu có thể thực hiện biện pháp biến  nợ thành cổ phần của DN, gọi các nhà đầu tư để bán nợ xấu, đấu giá nợ công khai, thậm chí có thể xoá nợ hoặc bảo lãnh nợ", ông Nghĩa chia sẻ.

Theo ông Nghĩa, bản chất của công ty nay là một cơ chế để giải quyết vấn đề nợ xấu của nền kinh tế, không phải là doanh nghiệp hoạt động với mục tiêu lợi nhuận nên nó có thể thực hiện việc xóa nợ. "Ý tưởng thành lập công ty hiện đang được thảo luận rộng rãi và vẫn còn phải chờ, tuy nhiên đây là việc cần làm ngay".

Ông Nghĩa phân tích, có nhiều ý kiến đề xuất NHNN bơm tiền cho các NHTM nhưng điều này rất rủi ro vì hầu hết ngân hàng nhỏ là ngân hàng của tư nhân, nếu bơm biền họ sẽ cho vay chính các dự án của các công ty con của họ, và do đó nợ xấu không được giải quyết. Đối với quốc hữu hóa cũng không khả thi vì các ngân hàng lớn vẫn đang là quốc doanh và nợ xấu đang tập trung ở nhóm này.
 
Theo VEF

Các tin cũ hơn