Nhiều kiến nghị được đưa ra để giải quyết nhanh vấn đề nợ xấu như thành lập công ty mua bán nợ (AMC) và chuyển trách nhiệm giải quyết nợ xấu của ngân hàng sang cho AMC giải quyết, hoặc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu...
Nợ xấu vẫn có xu hướng gia tăng nhanh trong bối cảnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không cao từ đầu năm cho tới nay cho thấy nợ xấu chủ yếu vẫn nằm ở các khoản vay cũ. Như vậy, phương án xử lý nợ xấu càng được cho ra nhanh, xử lý dứt điểm các khoản vay cũ thì “nạn” nợ xấu mới có hy vọng được chặn đứng.
Nhiều kiến nghị được đưa ra để giải quyết nhanh vấn đề nợ xấu như: thành lập công ty mua bán nợ (AMC), chuyển trách nhiệm giải quyết nợ xấu của ngân hàng sang cho AMC giải quyết, hoặc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu và “nâng” vị thế chủ nợ của Ngân hàng thành cổ đông lớn rồi tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp, hay giao luôn trách nhiệm giải quyết nợ xấu cho Công ty mua bán nợ quốc gia đã có sẵn thay vì thành lập mới.
Mỗi phương án có những ưu điểm cũng như hạn chế riêng và xem ra vẫn còn có nhiều ý kiến trái ngược trong phương pháp giải quyết vấn đề này.
Việc cấp bách lúc này là thống nhất để đưa ra được phương án xử lý nợ xấu.
Có nhiều phương án để giải quyết
Theo đề xuất mới đây của Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán (VAFI) nên chứng khoán hóa các khoản nợ khó đòi, có thể chuyển một phần nợ gốc thành trái phiếu trung hạn với các doanh nghiệp (DN) có lịch sử quản trị kinh doanh tốt từ đó hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp.
Đối với các khoản nợ quá hạn, không có khả năng chi trả nữa thì nợ xấu nên chuyển thành cổ phần và vị thế các ngân hàng đang là chủ nợ được “nâng” lên thành cổ đông lớn. Với tín nhiệm của Ngân hàng cổ đông lớn, việc bán cổ phần cho các đối tác chiến lược sẽ dễ dàng hơn, từ đó thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp theo phương thức quản trị chuyên nghiệp sẽ có hy vọng cứu được các doanh nghiệp đang “trọng thương”.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng thành lập một công ty mua bán nợ với vốn khoảng 20.000 tỷ đồng, rồi phát hành trái phiếu do Ngân hàng trung ương bảo lãnh hoặc phương án xấu nhất là bán tín phiếu của các ngân hàng thương mại rồi từ số tiền thu được quay vòng vốn cho doanh nghiệp.
Theo ông Nghĩa, nếu có một công ty mua bán nợ, ngay lập tức sẽ chuyển toàn bộ nợ của Ngân hàng sang cho công ty đó và bản cân đối của ngân hàng sẽ hoàn toàn sạch sẽ, nhưng toàn bộ số nợ đó sẽ không hoàn trả lại 100% cho các ngân hàng mà chỉ trả theo giá trị thị trường của khoản nợ, ví dụ nợ nhóm 5 chỉ được trả 5%, nợ nhóm 4 là 10%...
Tuy nhiên, phương án này xem ra không nhận được nhiều sự hưởng ứng từ các Ngân hàng chủ nợ, bởi một lẽ dễ hiểu là nhiều Ngân hàng vẫn hạch toán lãi trên các khoản nợ xấu đó và khi không thu hồi được nợ, các Ngân hàng thương mại đang tự chia nhau phần vốn của mình và nếu bán “rẻ” các khoản nợ này thì Ngân hàng sẽ phải chịu thiệt hại lớn.
Ý kiến của ông Lê Xuân Nghĩa cũng có nhiều nét tương đồng với đại diện từ Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC). Ông Phạm Mạnh Thường, Phó tổng giám đốc cả DATC cũng đồng quan điểm thành lập công ty mua bán nợ để giải quyết dứt điểm vấn đề nợ xấu.
Tuy nhiên, quan điểm của Ông Thường là nên giao luôn trách nhiệm này cho DATC để không tốn thêm nguồn lực và thời gian khi thành lập một công ty mới trong khi quốc gia đã có một công ty tương tự với những kinh nghiệm xử lí nhất định.
Khó khăn về cơ chế chính sách
Chậm đưa ra phương án xử lý nợ xấu ngày nào thì việc đình đốn thêm nghiêm trọng ngày đó, do vậy, việc cấp bách lúc này là thống nhất để đưa ra được phương án xử lý và từ đó sớm có các văn bản pháp quy kịp thời bởi hiện tượng “độ trễ” không chỉ ở khâu ra chính sách mà còn rất chậm ở khâu hiện thực hóa chính sách.
Quay trở lại với 3 phương án đến từ 3 góc nhìn khác nhau, mỗi phương án có được ưu việt và hạn chế nhất định. Để chứng hóa được các khoản nợ theo đề xuất của VAFI thì khả năng tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp sẽ khá nhanh chóng nhưng để làm được như vậy lại liên quan tới việc thay đổi quy định tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài trong ngân hàng, đồng thời cũng phải cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT chiến lược nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng theo Vafi thì đề xuất này đã trình lên NHNN cách đây vài tháng, và cho tới nay ý kiến phản hồi vẫn còn trong quá trình “xem xét”. Nếu vấn đề này được triển khai nhanh sẽ mang lại ý nghĩa lớn, giúp tăng sức hấp dẫn trong thu hút vốn FII và nhất là đối với các NĐT chiến lược.
Hai ý kiến còn lại từ ông Nghĩa và ông Thường – đại diện của DATC là thành lập công ty mua bán nợ cũng bị vướng nhiều về cơ chế chính sách. Khi giao trọng trách này cho AMC, AMC phải được giao quyền đứng ra bảo lãnh thanh toán vì lúc đó, doanh nghiệp nợ AMC chứ không còn nợ NH nhưng để thực hiện được thì NHTW phải trình thường vụ Chính phủ, sau đó lại trình ra bộ chính trị vì đây là một vấn đề lớn và vướng về chính sách lại một lần nữa là trở ngại lớn.