Tại Nghị quyết 26/NQ-CP, Chính phủ đã yêu cầu từ nay đến 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính. Điều đó thể hiện Chính phủ đã cương quyết và không thể nhân nhượng với tình trạng đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Đó cũng không phải là thông điệp mới vì yêu cầu trên đã được nêu khá nhiều lần trong các văn bản, chỉ thị của các cấp có thẩm quyền.
Bởi, việc đầu tư ngoài ngành của “các quả đấm thép” đã quá lớn. Số liệu đã công bố cho thấy, có 21/31 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, với tổng vốn hơn 22.590 tỉ đồng.
Việc đầu tư ngoài ngành một cách dàn trải, thiếu kiểm soát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng như ở Vinashin, Vinalines, thua lỗ của EVN khi đầu tư vào lĩnh vực viễn thông và ở nhiều đơn vị khác. Tuy nhiên, mệnh lệnh là như vậy nhưng thực hiện lại đâu có dễ.
Chính phủ không nhân nhượng với tình trạng đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Trước hết, không phải tất cả những “ông chủ” trước đây đã đầu tư ra ngoài ngành đến nay đều “tâm phục, khẩu phục” với việc thoái vốn.
Bởi, mục tiêu của việc đầu tư ngoài ngành là thu lợi nhuận để bù đắp cho tình trạng thua lỗ của hoạt động kinh doanh chính của tập đoàn, tổng công ty. Và, không ít trường hợp, sự thua lỗ của hoạt động kinh doanh chính lại có một trong những nguyên nhân khách quan là thực hiện các “mệnh lệnh” của Nhà nước nhằm bình ổn thị trường.
Đến nay, thoái vốn tức là phải từ bỏ cơ hội thu lợi nhuận. Điều đó thật không dễ, nhất là với các khoản đầu tư vào các NHTM, bảo hiểm... - những lĩnh vực đã và đang thu “siêu lợi nhuận”.
Với những khoản đầu tư ngoài ngành dẫn đến thua lỗ thì các “ông chủ” sẵn sàng bán, nhưng ai là người mua? Trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay, chẳng hạn với lĩnh vực bất động sản, tìm được người mua để thoái vốn đã đầu tư quả là như “tìm kim đáy biển”.
Theo nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành ngày 9/7, việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước.
Đây lại là bài toán khó giải. Bởi, ai cũng biết, để đầu tư một dự án như nhau, suất đầu tư bằng vốn nhà nước thường cao hơn 1,6 đến 2 lần suất đầu tư của doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân. Vì vậy, thoái vốn, tức là bán dự án, bằng giá trên sổ sách kế toán đã là điều khó có thể thực hiện, bán cao hơn để có lãi lại càng khó hơn nhiều lần.
Thực hiện theo nguyên tắc thị trường, đấu giá công khai, nhưng bán lỗ, gây thất thoát vốn nhà nước thì ai quyết và ai chịu trách nhiệm?
Thời hạn từ nay đến năm 2015 không phải là dài, nếu không nói là rất ngắn để “bán” dự án thu hồi về cho Nhà nước số tiền hơn 22.590 tỉ đồng nêu trên. Mặc dù vậy, mệnh lệnh đã được đưa ra và về nguyên tắc là phải được thực thi. Hãy chờ đợi và mong rằng mọi việc sẽ tốt đẹp.