Nợ xấu ngân hàng, bức tranh sáng tối

Thứ năm, 19/07/2012, 07:56
Việc cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần đầu tiên công khai con số nợ xấu của các TCTD được dư luận ghi nhận những bước đi đầu tiên, thể hiện quyết tâm của NHNN trong tiến trình minh bạch hóa nợ xấu.
Song, để xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu, theo nhiều chuyên gia, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía.
 
Nợ xấu 8,6%: chưa đáng ngại?

Theo báo cáo của các TCTD, tính đến ngày 31/5/2012, nợ xấu của toàn hệ thống vào khoảng 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% tổng dư nợ. Trong khi đó, theo báo cáo của cơ quan Thanh tra giám sát, tính đến 31/3/2012, nợ xấu của toàn hệ thống vào khoảng 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ.

Lý giải về việc có sự khác nhau giữa con số nợ xấu tổng hợp theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) với con số mà Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đưa ra, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền Chánh Thanh tra NHNN cho biết, trên thực tế, không có chuẩn mực quốc tế về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Việc sử dụng các hệ thống tiêu chí phân loại nợ khác nhau sẽ cho kết quả nợ xấu không giống nhau.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng cho biết, đa số các khoản nợ xấu tại các TCTD hiện có tài sản đảm bảo và được trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.

Cụ thể, theo báo cáo của các TCTD, tính đến 31/5/2012, các TCTD đã trích lập dự phòng rủi ro 67.300 tỷ đồng, bằng 57,2% tổng nợ xấu. Bên cạnh đó, giá trị tài sản đảm bảo bằng 135% giá trị của các khoản nợ xấu.

Đối với nợ xấu nhóm 5, nợ có khả năng mất vốn, chiếm 40% trong tổng số nợ xấu, được trích lập dự phòng rủi ro, cũng như có tài sản đảm bảo tương đối cao. Điều này có nghĩa, nợ trong nhóm 5 không có nghĩa là mất vốn hoàn toàn.
 
 
Khả năng có khoảng 30.000 tỷ đồng nợ xấu các NH chưa trích lập dự phòng
 
Đáng ngại là tính minh bạch của con số…

Song điều mà nhiều chuyên gia lo ngại hơn cả là bức tranh về nợ xấu đến nay vẫn chưa hề rõ ràng. Cách phân loại nợ của các TCTD hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN, hiện các TCTD được phân loại nợ theo 2 cách: định tính và định lượng.

Do không có những hướng dẫn cụ thể, nhất quán nên mỗi TCTD lại phân loại nợ theo một cách; bản thân nhiều TCTD cũng che giấu nợ xấu, khiến bức tranh nợ xấu trở nên kém minh bạch.

Đó là chưa kể, chuẩn nợ xấu của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều cách biệt so với thế giới. Và một khi chưa chẩn được bệnh thì đừng nói gì đến việc đưa ra phác đồ điều trị đúng.

“Hệ thống báo cáo, đo lường nên chăng cần nhất quán để nâng cao tính chính xác của con số để bức tranh rõ ràng để có sự đồng lòng của mọi thành phần trong nền kinh tế”, ông  Võ Tấn Hoàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam chia sẻ.

Nợ xấu ngân hàng đã tăng lên rất nhanh trong những tháng gần đây. Theo báo cáo của NHNN, nợ xấu của toàn hệ thống đã tăng từ mức 3,07% vào thời điểm cuối năm 2011 lên mức 4,47% tại thời điểm 31/5/2012. Điều đó có nghĩa, mỗi tháng, nợ xấu tăng thêm khoảng gần 10%.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, nếu chiểu theo con số công bố mới đây nhất của NHNN, tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 31/3/2012 là 8,6%, với tốc độ tăng nợ xấu khoảng 10% mỗi tháng, thì đến nay, nợ xấu của toàn hệ thống phải trên 10% tổng dư nợ. Đây cũng chỉ là con số bình quân của cả hệ thống. Nếu xét riêng từng TCTD, chắc chắn, sẽ có những TCTD có tỷ lệ nợ xấu cao hơn nhiều con số 10% này.

Tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5), theo báo cáo của các TCTD, lên tới 40% tổng nợ xấu. Căn cứ vào số liệu của NHNN, với tổng nợ xấu là 202.000 tỷ đồng, thì khoản nợ có khả năng mất vốn vào khoảng 80.000 tỷ đồng.

Trong khi, nếu trích đủ số nợ xấu nhóm 5, các TCTD mới chỉ trích lập dự phòng rủi ro cho 47.000 tỷ đồng (40% của 117.000 tỷ đồng). Hơn 30.000 tỷ đồng còn lại sẽ được các TCTD xử lý thế nào sau thanh tra vẫn đang là một dấu hỏi lớn.
 
… và hướng xử lý nợ xấu

Việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ cũng không hề dễ dàng khi đa phần tài sản đảm bảo là bất động sản, trong khi thị trường bất động sản vẫn đóng băng, hầu như không có giao dịch và giá bất động sản vẫn đang lao dốc không phanh. Theo công bố của NHNN thì giá trị của tài sản đảm bảo bằng 135% giá trị nợ xấu.

“Nhưng mức giá đó được xác định vào thời điểm nào. Nếu như được xác định vào 3 - 4 năm trước thì đến nay, giá trị tài sản đảm bảo có thể không còn được như vậy, nhất là những tài sản đảm bảo là bất động sản”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đặt vấn đề. Đó là chưa kể thủ tục pháp lý đối với việc phát mãi bất động sản để thu hồi nợ cũng rất phức tạp.

Đề xuất thành lập công ty mua bán nợ quốc gia của NHNN để xử lý các khoản nợ xấu của các ngân hàng cũng nhận được những ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, đề xuất nguồn vốn góp của các TCTD cho công ty mua bán nợ quốc gia lên tới 70% thì tại sao các TCTD không dùng chính số tiền đó để xử lý nợ xấu cho mình?

Có ý kiến lại cho rằng, việc bán lại nợ cho công ty mua bán nợ chỉ là cách để làm sạch bảng cân đối của các TCTD trong khi về bản chất, nợ xấu của nền kinh tế vẫn không thay đổi.

Một vấn đề nan giải đối với hoạt động mua bán nợ xấu là việc định giá nợ xấu. Hiện nay, tại Việt Nam, thị trường mua bán nợ xấu vẫn chưa phát triển nên vấn đề định giá là rất khó. Nếu nợ xấu được định giá quá cao sẽ khiến công ty mua bán nợ quốc gia thua thiệt. Còn nếu  các khoản nợ xấu được định giá quá thấp, liệu các TCTD có chịu bán?

“Vấn đề cốt lõi nhất là ngăn ngừa nợ xấu trong tương lai. Vấn đề này không chỉ liên quan đến hoạt động ngân hàng mà còn liên quan đến vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế mà trọng tâm là việc tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là DNNN; tái cấu trúc đầu tư, nhất là đầu tư công...”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng nói.

 
Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn